Hà Giang: Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại

Hà Giang đã phát huy tiềm năng, thế mạnh để đưa nông nghiệp thông minh, công nghệ cao vào sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, tạo ra bước đột phá nhằm phát triển ổn định, bền vững. Góp phần tích cực vào xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh.

Ông Đỗ Tấn Sơn, Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Hà Giang, cho biết: "Sau chuyến khảo sát vừa qua, chúng tôi sẽ có đề xuất hợp tác cụ thể với Đại học Việt Nhật gắn với các xã Hồ Thầu, Thung Nguyên... vì với chuyên môn kinh nghiệm của các chuyên gia Nhật sẽ tư vấn gắn các cây thế mạnh địa phương với việc phát triển nông nghiệp thông minh".

nong-nghiep-ha-giang1-1649766130.jpg
Hà Giang có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới đã đặt ra mục tiêu rất cụ thể là “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân thông minh”.

Đến nay, tỉnh Hà Giang bước đầu xây dựng lộ trình xây dựng nông nghiệp thông minh, hướng tới nông thôn mới thông minh. Theo đó, chỉ với một chiếc điện thoại có kết nối internet, những người nông dân đã bắt đầu làm quen với khoa học công nghệ, thay đổi tư duy, cách làm tiếp cận gần hơn với nông nghiệp thông minh.

Điển hình như mô hình trồng dâu tây của anh Triệu Tà Nái ở thôn Tân Phong, xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang hiện đang được đầu tư theo mô hình nông nghiệp thông minh. Hệ thống tưới nhỏ giọt với máy đo độ ẩm, nhiệt độ đều được kết nối vận hành qua thiết bị di động.

Đồng thời, việc áp dụng công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp đã giúp cho việc chăm sóc, giám sát cây trồng hiệu quả hơn, giảm bớt được chi phí thuê nhân công.

Theo anh Triệu Tà Nái, 3 khu nhà lưới rộng hơn 1.800m2 của gia đình trồng dâu tây đều được lắp đặt hệ thống tự động, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt nên độ ẩm luôn được đảm bảo.

nong-nghiep-ha-giang-1649766226.jpg
Mô hình trồng dâu tây của anh Triệu Tà Nái 

"Sau khi trồng, tôi phủ bạt để chống cỏ và làm hệ thống tưới nhỏ giọt, đảm bảo độ ngọt của cây. Hệ thống cũng chống mưa hạn chế làm giảm giá trị của cây", anh Nái kể.

Điểm nhấn trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông thông của Hà Giang là trong những năm qua, Hà Giang được sự hỗ trợ của các chuyên gia trong nước cùng với chuyên gia Nhật Bản (Trường Đại học Việt - Nhật) trong phát triển nông nghiệp thông minh. Trường Đại học Việt - Nhật đã đến Hà Giang khảo sát thực tế tại một số thôn, bản có tiềm năng phát triển nông nghiệp.

Theo các chuyên gia, những vùng nguyên liệu sạch theo tiêu chuẩn hữu cơ chính là yếu tố đầu tiên để phát triển nông nghiệp bền vững. Công nghệ sau thu hoạch, bảo quản sẽ giúp cho người dân tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng hơn.

Tiến sĩ Hoàng Thị Thu Duyến, Đại học Việt – Nhật, nhận xét: "Hà Giang còn vấn đề tồn tại là kỹ thuật, giống chưa đạt. Để phát huy tài nguyên về thổ nhưỡng, cần có kỹ thuật để khai thác được tiềm năng thế mạnh của Hà Giang".

nong-nghiep-ha-giang3-1649766247.jpg
Mô hình trồng dâu gắn với du du lịch trải nghiệm của anh Viên Anh Minh (sinh năm 1995, ở xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) 

Nông nghiệp Hà Giang hiện đang đóng góp hơn 31% GDP toàn tỉnh. Những năm qua, với nhiều nỗ lực Hà Giang đã có 193 sản phẩm được phân hạng và công nhận chứng chỉ OCOP.

Bên cạnh đó, trong số này có 28 sản phẩm đạt 4 sao, 153 sản phẩm đạt 3 sao, 2 sản phẩm đạt 5 sao quốc gia. Năm ngoái, tỉnh Hà Giang đã hỗ trợ được 12 doanh nghiệp, HTX in và sử dụng 4,5 triệu tem thông minh truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Với việc chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu, ứng dụng công nghệ số là giải pháp mang tính đột phá để giải quyết những khó khăn, nút thắt trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Hà Giang.

Ngoài ra, Nông nghiệp thông minh góp phần nâng cao được thu nhập cho người dân, giúp thêm nhiều xã đạt được chuẩn xây dựng nông thôn mới. Từng bước phát triển nông nghiệp thông minh sẽ giúp cho Hà Giang xây dựng thành công chương trình nông nghiệp thông minh, nông dân hiện đại.

Tỉnh Hà Giang hiện có khoảng 201.000ha đất nông nghiệp, với nhiều lợi thế đặc biệt về phát triển nông nghiệp thông minh, trong đó có 5 sản phẩm mang tính đặc hữu trên địa bàn toàn tỉnh đã được cấp chỉ dẫn địa lý.

Đây chính là điều kiện lý tưởng để hình thành và phát triển nền nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ thông minh đã giúp cho cây sinh trưởng tốt hơn, giải phóng được sức người và tăng thêm thu nhập.