Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, tỉnh Kiên Giang gieo trồng 283.837 ha, đạt 100,3% kế hoạch. Đến nay, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch khoảng hơn 45.000 ha, năng suất bình quân 6,1 tấn/ha và đang bước vào thu hoạch chính vụ. Hiện tại, giá lúa giảm thấp so với vụ mùa năm trước khiến cho nông dân kém vui vì lợi nhuận thấp sau khi trừ đi các khoản chi phí sản xuất.
Nhiều nguyên nhân khiến giá lúa trên thị trường giảm thấp, trong đó có nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gạo của tỉnh 2 tháng đầu năm 2022 giảm khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2021. Nông dân kỳ vọng từ nay đến cuối vụ, tỉnh đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, giá lúa sẽ tăng, lợi nhuận khá, góp phần tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế gia đình do ảnh hưởng đại dịch COVID-19.
Đang thu hoạch 1 ha lúa với sản lượng khoảng 8 tấn bán ngay tại ruộng cho thương lái với giá 5.700 đồng/kg, nông dân Nguyễn Văn Bảy, xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp cho hay, vụ lúa Đông Xuân năm nay, chi phí sản xuất khoảng 40 triệu đồng/ha gồm làm đất, vệ sinh đồng ruộng, bơm tát, lúa giống, vật tư nông nghiệp, thuê công dặm lúa, thu hoạch… Tất cả giá chi phí đều tăng, nhất là giá phân bón tăng gấp đôi so với vụ Đông Xuân năm trước. Thu hoạch khoảng 8 tấn lúa tính tròn bán được 45,6 triệu đồng và sau khi trừ hết chi phí sản xuất, ông còn được khoảng 5,6 triệu đồng.
Tương tự, bà Lê Thị Hà ở xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp lo lắng: “Gia đình tôi gieo trồng 9 công (0,9 ha) giống chất lượng cao, khoảng giữa cuối tháng 3 mới thu hoạch, nhưng giá hiện nay giá từ 6.000 - 6.400 đồng/kg thì bấp bênh quá. Với mức giá lúa này thì khi thu hoạch không lời được bao nhiêu do giá cho các chi phí tăng gấp đôi. Đây là vụ lúa chính trong năm mà lãi quá thấp, ảnh hưởng cuộc sống gia đình.
Để sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2021 - 2022 an toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, các đơn vị chức năng khuyến cáo, hướng dẫn hợp tác xã sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, lúa chất lượng cao tập trung chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, nước mặn xâm nhiễm vào nội đồng. Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo nông dân sử dụng giống xác nhận, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu để gieo trồng, kết hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như: “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, cơ giới hóa trong bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, phòng trừ dịch hại tổng hợp… Tuy nhiên, giá phân bón, chi phí sản xuất tăng cao, nhưng giá lúa không tăng, giảm so với vụ mùa trước ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất của nông dân, lợi nhuận thấp.
Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang quản lý, vận hành hiệu quả hệ thống cống hơn 100 cống thủy lợi trên địa bàn, ngăn mặn và giữ ngọt, đảm bảo điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất. Chi cục Thủy lợi tỉnh phối hợp với các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, mặn xâm nhập. Đồng thời, chủ động đắp gần 50 đập thời vụ ngăn mặn, giữ ngọt ở những nơi nguy cơ xâm mặn cao trên 3 vùng trọng điểm Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu và U Minh Thượng. Đến thời điểm này, trên địa bàn toàn tỉnh chưa ghi nhận thiệt hại sản xuất nông nghiệp do khô hạn, thiếu nước và xâm nhập mặn.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, tạo ra sản phẩm lúa hàng hóa theo nhu cầu của thị trường và xuất khẩu, chú trọng sản xuất theo chuỗi giá trị và tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm./.