Đưa hoạt động của hợp tác xã phát triển theo chiều sâu, thích ứng với thị trường

Sau 20 năm tái lập tỉnh, các hợp tác xã (HTX) của Đắk Nông ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, từng bước hội nhập sâu rộng và thích ứng tốt với các biến động của nền kinh tế thị trường.

Từ 52 HTX được thành lập ban đầu vào năm 2004, đến nay Đắk Nông có 280 HTX. Chất lượng hoạt động của các HTX cũng được nâng cao so với trước, hoạt động theo luật, tổ chức sản xuất, kinh doanh bài bản hơn. Tỉ lệ HTX hoạt động khá chiếm trên 38%, trung bình chiếm gần 55%, yếu kém dưới 7%. Bên cạnh đó, Các HTX tạo việc làm cho trên 8.000 lao động và 17.130 thành viên. Năm 2023, Doanh thu bình quân của HTX đạt 1.650 triệu đồng; vốn điều lệ 1.550 triệu đồng; tài sản đạt 2.459 triệu đồng.

Hiện nay, phần lớn HTX đã tập hợp đông đảo nông dân tham gia phát triển theo hướng bền vững và lâu dài. Đây là lực lượng nòng cốt góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Các cây trồng chủ lực được các HTX đầu tư mở rộng diện tích, phát triển theo hướng chuyên canh. Từ đó, tạo nền tảng cho hoạt động liên kết sản xuất và hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung.

nhieu-htx-da-nang-cao-tieu-chuan-san-xuat-nong-san-de-dap-ung-nhu-cau-thi-truong.jpg
Nhiều HTX đã nâng cao tiêu chuẩn sản xuất nông sản để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đáng chú ý, ngày càng có nhiều HTX ở Đắk Nông chuyển đổi sang mô hình kiểu mới, hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm hoàn chỉnh từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Theo thống kê, tỉnh có 37 chuỗi giá trị sản phẩm cà phê, tiêu, rau đậu, củ quả, lúa gạo và chăn nuôi. 23 HTX với 26 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó có 5 sản phẩm OCOP 4 sao, còn lại đạt OCOP 3 sao.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu, nhiều HTX cũng nâng dần tiêu chuẩn sản xuất và kinh doanh nông sản của mình. Trong đó, VietGAP, GlobalGAP là các tiêu chuẩn cơ bản. Cao hơn là tiêu chuẩn của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… Nhiều loại nông sản của các HTX khác còn đạt tiêu chuẩn UTZ, Organic, EU, UDA, YAZ, Fairtrade, tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu chuẩn ngành hàng…

may-che-bien-ca-cao-cua-1-htx-giup-nang-cao-chat-luong-san-pham-1709884430.jpg
Máy chế biến ca cao của 1 HTX giúp nâng cao chất lượng sản phẩm.

Chủ tịch Liên minh HTX Đắk Nông, ông Nguyễn Khải cho biết các HTX đã và đang khẳng định rõ vai trò nòng cốt dẫn dắt của mình đối với nền kinh tế, thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn và đời sống của nông dân. “Các HTX còn góp phần tạo ra thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và cuộc sống của các thành viên tham gia” – ông cho biết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể Đắk Nông – ông Lê Trọng Yên cho biết thêm từ năm 2024 tỉnh sẽ tập trung tăng hiệu quả và chất lượng hoạt động của các HTX. Đắk Nông ưu tiên phát triển mô hình HTX thực chất, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất kinh doanh. “Trong năm 2024, Đắk Nông phấn đấu nâng cao tỷ lệ HTX hoạt động khá, tốt và giảm các HTX hoạt động yếu kém xuống mức thấp nhất.” – ông Yên chia sẻ.

Đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Đắk Nông phấn đấu có trên 360 HTX với trên 17.000 thành viên. Trong đó, trên 60% HTX hoạt động có hiệu quả và 50% HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Các HTX sẽ ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ cao vào trong sản xuất, tạo ra sản phẩm xuất khẩu theo chuỗi giá trị ra thị trường trong nước và nước ngoài./.

Hồng Giang