Nhiều điểm sáng trong chương trình Xây dựng nông thôn mới ở Đắk Nông

Trong những năm qua, Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Đắk Nông đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Đời sống kinh tế - xã hội – văn hóa của địa phương và người dân ngày một nâng cao.

Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người trên toàn tỉnh tăng thêm 44,6 triệu, đạt mức 59,6 triệu đồng/người/năm. Con số này gấp 4 lần so với thu nhập năm 2011. Đồng thời, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh cũng giảm còn 16,68% so với 29,25% vào năm 2011.

nhieu-con-duong-tu-chuong-trinh-xay-dung-nong-thon-moi-da-gop-phan-thay-doi-bo-mat-cua-dak-nong.jpg
Nhiều con đường từ chương trình Xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi bộ mặt của Đắk Nông

Ở những mặt khác, kết quả đạt được cũng rất tích cực. Chất lượng giáo dục, y tế và văn hóa, cảnh quan, môi trường của tỉnh ngày càng được nâng cao, đi vào chiều sâu. Bộ mặt của nhiều thôn xã ngày càng đổi mới với những cơ sở điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang hơn. Điều kiện sống của người dân vì thế ngày càng khởi sắc hơn so với trước.

Giai đoạn 2021-2023, người dân Đắk Nông đã hiến trên 145.902m2 đất, đóng góp trên 21 tỷ đồng và hơn 16.778 ngày công lao động. Nhờ đó, các hạng mục đầu tư xây dựng, sửa chữa đường giao thông nông thôn cùng nhiều công trình quan trọng khác trong chương trình xây dựng NTM của tỉnh phát động. Đến nay, toàn tỉnh có 36/60 xã được công nhận đạt chuẩn NTM chiếm 60%; bình quân toàn tỉnh. Mỗi xã đạt 16,62 tiêu chí và không còn xã nào đạt dưới 10 tiêu chí.

xay-dung-nong-thon-moi-giup-cho-kinh-te-dia-phuong-va-doi-song-cua-nguoi-dan-ngay-cang-duoc-nang-cao.jpg
Xây dựng nông thôn mới giúp cho kinh tế địa phương và đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.

Ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, để có được kết quả này thì yếu tố quan trọng nhất đó chính là sự đồng thuận và ủng hộ của người dân. Từ thực tế hoạt động và kết quả đạt được, tỉnh đã tổng kết được một số kinh nghiệm quý báu trong việc xây dựng NTM. Đây là nền tảng và cũng là nguồn lực để tiếp tục phát huy trong những năm tiếp theo. Cụ thể là những kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, chủ động đánh giá, rà soát các địa phương có khả năng cao nhất đạt chuẩn NTM theo từng năm và từng giai đoạn để tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực. Tránh việc thực hiện dàn trải, manh mún.

Thứ hai, ưu tiên lựa chọn những chỉ tiêu, tiêu chí dễ, cần ít nguồn lực để tập trung thực hiện trước. Lấy nó làm đòn bẩy và động lực để thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí còn lại.

Thứ ba, UBND tỉnh chủ động phân công cho tất cả các cơ quan, đơn vị nhận đỡ đầu, hỗ trợ cho các xã theo tiêu chí và nhiệm vụ cụ thể. Điều đó giúp các xã có nguồn lực và động lực để phấn đấu vươn lên.

Thứ tư, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn để tập trung thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí khác nhau.

Thứ năm, tỉnh đã ban hành thêm Bộ Tiêu chí xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu; Bộ Tiêu chí vườn mẫu, rẫy mẫu trong NTM. Đây là cơ sở để các địa phương tổ chức thực hiện, từng bước nâng cao chất lượng và kết quả các tiêu chí đạt được NTM.

Đến năm 2025, toàn tỉnh Đắk Nông đặt mục tiêu sẽ có 43 xã đạt NTM. Trong đó 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Ngoài ra, toàn tỉnh bình quân sẽ đạt 17,2 tiêu chí/xã. Nông thôn Đắk Nông sẽ được phát triển từng bước tiệm cận đô thị, ngày một giàu có và thịnh vượng với thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 50 triệu đồng/năm./.

Hồng Giang