Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự án Luật Nhà giáo lần đầu được xây dựng là dự án luật điều chỉnh về đối tượng liên quan đến nhiều luật chuyên ngành. Phạm vi điều chỉnh của dự án luật khá rộng, liên quan đến số đông viên chức là nhà giáo tại các cơ sở giáo dục công lập chiếm tới 2/3 tổng biên chế sự nghiệp của cả nước và đội ngũ ngày càng đông đảo các nhà giáo tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri.
Trong mối quan tâm chung nhằm thể chế hóa, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã rất tâm huyết, trách nhiệm trong nghiên cứu xây dựng và thẩm tra dự án luật. Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nhiều lần cho ý kiến về dự án luật.
Góp phần hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng bày tỏ thống nhất sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo với 06 nhóm chính sách đã được thể thiện trong dự thảo Luật. Việc xây dựng và ban hành một luật riêng về Nhà giáo cho thấy cách tiếp cận mới, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo - những người làm việc trong lĩnh vực nghề nghiệp có tính đặc thù và có tác động lớn đến sự phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, phát triển con người, góp phần hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Về tuyển dụng nhà giáo, đại biểu bày tỏ đồng tình với việc giao thẩm quyền tuyển dụng, sử dụng nhà giáo cho cơ quan giáo dục. Bên cạnh đó, bà đề nghị bổ sung yêu cầu về thực hành sư phạm và kinh nghiệm thực tế, đặc biệt đối với giảng viên đại học, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và khắc phục tình trạng "dạy chay, học chay".
Góp ý cụ thể về đối tượng áp dụng của Luật, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị cần làm rõ và mở rộng đối tượng, không chỉ bao gồm những người có nhiệm vụ giảng dạy mà còn cả những người có nhiệm vụ giáo dục trong các cơ sở giáo dục đồng thời cần xem xét việc đưa các nhóm viên chức quản lý và giảng viên đại học (có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng) vào đối tượng áp dụng.
Về quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, đại biểu Tú Anh đề nghị bổ sung thêm nghĩa vụ "không ngừng học hỏi, trau dồi tư tưởng, đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn," vì đây là nghĩa vụ cần thiết đối với nghề giáo. Bên cạnh đó, nhà giáo cần có nghĩa vụ bảo vệ thông tin cá nhân của người học, không được tiết lộ thông tin như điểm số lên mạng xã hội.
Đại biểu Đỗ Huy Khánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đồng thuận với những nội dung đưa ra trong dự án Luật nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Đề cập về việc học thêm-dạy thêm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với các cơ quan để đưa ra quy định cụ thể cũng như cơ chế quản lý đối với về vấn đề này...
Theo đại biểu Đỗ Huy Khánh, thực chất việc học thêm là một nhu cầu cần thiết của xã hội. Tuy nhiên, dư luận xã hội hiện nay đang có hai luồng dư luận: Một là cấm, hai là quản lý. Nhiều công nhân tăng ca buổi chiều không đón con được nên rấ muốn gửi con của họ cho thầy cô giáo mang về nhà để quản lý và đến tận tối mới đón con về.
Do đó, trong dự án Luật cần có cơ chế quản lý về việc dạy thêm-học thêm. Ngoài ra, tại điểm b, khoản 1, Điều 16, việc tuyển dụng nhà giáo, phương thức tuyển dụng là thông qua xét tuyển và thi tuyển. Trong đó, cũng có một số ý kiến cho rằng, không cần thiết phải thực hành sư phạm. Tuy nhiên, theo đại biểu Đỗ Huy Khánh, đây là một ngành đặc thù riêng. Nếu như trong trường Đại học Sư phạm cần có bộ môn phương pháp, kiến tập và thực tập thì khi thực hành sư phạm cần đầy đủ kỹ năng của một giáo viên đứng lên bục giảng để có thể giảng dạy được.
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh nêu ý kiến góp ý về chính sách tiền lương cho nhà giáo tại Điều 27. Đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp là chưa rõ ràng, dễ dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau; các phụ cấp ưu đãi nghề chưa đủ hấp dẫn, đặc biệt đối nhà giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.
Đại biểu nhấn mạnh, việc ưu tiên nhà giáo ở các ngành nghề đặc thù còn thiếu cơ chế cụ thể về mức độ ưu tiên, khiến chính sách khó thực thi đồng bộ. Từ đó nhà giáo không cảm thấy được đảm bảo về thu nhập, đặc biệt ở vùng ở các vùng khó khăn dẫn đến tình trạng thiếu hụt giáo viên ở những nơi này. Đại biểu đề nghị xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, đảm bảo mức lương cao hơn rõ ràng so với các ngành khác trong khối hành chính sự nghiệp. Tăng phụ cấp ưu đãi nghề đặc biệt ở các khu vực khó khăn, với tỷ lệ phụ cấp từ 50 đến 100% tùy theo mức độ đặc thù của từng địa phương. Quy định rõ mức độ ưu tiên và cơ chế thực thi cho nhà giáo ngành nghề đặc thù, đảm bảo công bằng, hiệu quả.
Về chính sách hỗ trợ nhà giáo tại Điều 28, dự thảo luật quy định chung chung về chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp và các chính sách khác là chưa rõ ràng về cách triển khai và đối tượng áp dụng. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn chính sách chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp, như khám sức khỏe định kỳ, miễn phí hỗ trợ điều trị bệnh nghề nghiệp. Nâng mức phụ cấp lưu động và mở rộng phạm vi hỗ trợ cho nhà giáo biệt phái hoặc dạy liên trường, đảm bảo tối thiểu 50% chi phí đi lại.
Đối với chính sách thu hút nhà giáo tại Điều 29, đại biểu cho rằng quy định của dự thảo luật chưa có tiêu chí cụ thể để thu hút người có trình độ cao, người có tài năng làm nhà giáo. Do đó, đại biểu đề nghị xây dựng chương trình học bổng và hỗ trợ tài chính đặc biệt để đào tạo người có trình độ cao trở thành nhà giáo. Tăng mức phụ cấp thu hút lên gấp hai lần lương cơ bản đối nhà giáo công tác tại vùng đặc biệt khó khăn trong thời gian đầu.
Về chế độ nghỉ hưu và kéo dài thời gian làm việc tại Điều 30 và Điều 31, đại biểu nêu quan điểm, chính sách nghỉ hưu sớm không bị trừ tỷ lệ lương hưu chỉ áp dụng cho một số đối tượng có thể tạo ra sự bất bình đẳng trong đội ngũ nhà giáo. Quy định về kéo dài thời gian làm việc, mà chưa xem xét đầy đủ nhu cầu và nguyện vọng của nhà giáo ở các bậc học khác nhau ngoài đại học.
Từ đó một số nhà giáo giỏi không có cơ hội cống hiến thêm, trong khi đội ngũ kế cận chưa được chuẩn bị tốt. Đại biểu đề nghị mở rộng đối tượng áp dụng chính sách nghỉ hưu trước tuổi mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu, bao gồm nhà giáo ở tất cả các bậc học và vùng khó khăn. Xem xét kéo dài thời gian làm việc không chỉ cho giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, mà còn cho những nhà giáo có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác giảng dạy.
Cần có quy định bảo vệ và hỗ trợ nhà giáo yên tâm cống hiến
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho rằng trong dự án Luật cần có quy định bảo vệ nhà giáo để họ an tâm công tác, cống hiến hiệu quả trong giảng dạy. Điều này cũng góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường và những yếu tố khác...
Theo đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền, nhà giáo cần được đảm bảo môi trường an toàn trong hoạt động nghề nghiệp. Bên cạnh những quy định của dự thảo Luật về quyền nhà giáo được thể hiện trong hoạt động nghề nghiệp, tại báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự thảo Luật phân tích các quy định hiện hành đối với nhà giáo chỉ đề cập đến việc cấm nhà giáo thực hiện mà chưa có những quy định về việc các cá nhân, cơ quan, tổ chức ngoài nhà trường không được làm đối với giáo viên.
Báo cáo cũng thiếu các quy định về bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp; thiếu các chính sách để xây dựng môi trường làm việc an toàn để nhà giáo an tâm công tác cống hiến và hoạt động nghề nghiệp hiệu quả, tránh những can thiệp tiêu cực, thậm chí là xúc phạm nhà giáo trong các hoạt động nghề nghiệp như một số vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây. Điều này dẫn đến thực trạng nhiều giáo viên né tránh, ngại xử lý vi phạm của học sinh, hạn chế trao đổi thông tin đối với gia đình và học sinh; làm gia tăng tình trạng lệch chuẩn trong nhà trường, gia tăng bạo lực học đường, gia tăng và phát sinh những căn bệnh xã hội đối với tuổi học trò.
Do đó, Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền cho rằng cần bổ sung những quy định về quyền nhà giáo trước những tác động của cá nhân, tổ chức, cơ quan trong và ngoài nhà trường. Đối với nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp, cần khuyến khích việc áp dụng kỷ luật tích cực trong nhà trường và có những quy định cụ thể từ phía ngành, sự ủng hộ của gia đình và phụ huynh cũng như là của xã hội.
Phát biểu góp ý tại Phiên họp, đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng, dự án Luật Nhà giáo hiện nay đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ đông đảo các nhà giáo và xã hội. Đại biểu cho rằng, trong quá trình xây dựng dự án Luật này, cần quan tâm đến việc xây dựng được môi trường dân chủ, kỷ cương để các nhà giáo tâm huyết, yên tâm với nghề…
Đại biểu cho biết hiện còn thiếu quy định cụ thể về mối quan hệ giữa giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, hệ thống pháp luật chưa có quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong mối quan hệ này. Giáo viên hiện nay gặp khó khăn trong việc thực hiện biện pháp kỷ luật đối với học sinh. Có nhiều giáo viên cảm thấy học sinh và cha mẹ học sinh đang có quá nhiều quyền, trong khi quyền của giáo viên chỉ mang tính hình thức. Khi cần thực hiện các biện pháp nghiêm khắc, giáo viên còn lo ngại về phản ứng tiêu cực từ dư luận xã hội, thậm chí là tố cáo, khiếu kiện từ phía gia đình học sinh.
Do vậy, một số giáo viên có xu hướng làm việc không tích cực, không phát huy hết năng lực, trí tuệ và tâm huyết. Nguyên nhân là do áp lực công việc ngày càng cao, cảm thấy không được tự chủ và thiếu sự tôn trọng, hợp tác từ phía học sinh và cha mẹ học sinh, dẫn đến tình trạng chán nản, muốn chuyển nghề hoặc về nghỉ hưu sớm…
Đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm các chính sách nhằm tạo lập môi trường giáo dục dân chủ, kỷ cương để các nhà giáo phát huy đầy đủ phẩm chất, năng lực, trí tuệ và tâm huyết với nghề. Đại biểu cho rằng, quyền, nghĩa vụ của các chủ thể cần được thiết lập và bổ sung các quy định cụ thể hơn, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Tán thành với sự cần thiết ban hành Luật nhà giáo, đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho rằng việc xây dựng Luật Nhà giáo nhằm cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nhà giáo; đồng thời góp phần hoàn thiện hành lang pháp luật trong lĩnh vực này. Chính phủ cần tiếp tục đánh giá kỹ tác động, nhất là về nguồn lực tài chính. Đồng thời cần rà soát kỹ hơn các quy định, chính sách có sự khác biệt về đối tượng, nội dung so với các luật hiện hành nhằm đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tránh những xung đột pháp lý khi luật này có hiệu lực.
Về chính sách hỗ trợ nhà giáo tại Điều 28, đại biểu Đại biểu Trần Thị Thanh Hương bày tỏ thống nhất cao với những quy định này. Tuy nhiên, đề nghị cần làm rõ chế độ phụ cấp ưu đãi nghề và chế độ phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc theo vùng để tránh trùng lắp; tránh vướng mắc đối với những quy định của pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, vấn đề hỗ trợ nhà ở, tàu xe của giáo viên là những vấn đề có phạm vi rất rộng. Do đó, cần cân nhắc và đánh giá kỹ tác động để đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện.
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn Cảm ơn các ý kiến của các ĐBQH đã phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, các ý kiến bày tỏ đều thống nhất cao, nhất trí cao về sự ủng hộ dự án Luật này, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm đối với ngành giáo dục.
Các ý kiến ĐBQH đề nghị nên tăng thêm các nội dung chi tiết, đối tượng, từ ngữ lập pháp để đảm bảo cụ thể hơn, khả thi hơn. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, bên cạnh việc tiếp thu đầy đủ các ý kiến, một phần các nội dung này sẽ được chuyển sang các văn bản quy định tại Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Vì đối với hoạt động của ngành giáo dục, ngoài Luật Nhà giáo, còn một luật rất quan trọng, bao trùm khác là Luật Giáo dục và rất nhiều quy định liên quan đến các hoạt động chuyên môn (như dạy học, kiểm tra, đánh giá…) nên Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, dự án Luật này không thể bao quát hết được. Đồng thời chúng ta cần chấp nhận một vài điểm quy định có thể khác với các luật khác.
“Ví dụ, quy định về độ tuổi nghỉ hưu sẽ khác với Bộ luật Lao động; hay giáo viên dạy liên trường, việc thuyên chuyển giáo viên có thể dạy hơn một cơ sở… sẽ là điểm khác với Luật Viên chức. Nhưng nhìn chung, một số quy định khác nhưng nhằm phục vụ mục tiêu phát triển đội ngũ nhà giáo. Sự khác biệt này đem lại điều tốt, tích cực thì nên sẵn sàng chấp nhận sự khác biệt”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ.
Từ quan điểm, tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, ngành giáo dục cũng sẽ nhìn nhận, xem xét cân đối với các ngành khác chứ không phải chỉ mong muốn ngành giáo dục nhận được đặc quyền, đặc lợi, ưu ái riêng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chia sẻ, thực tế trong số 1,6 triệu giáo viên, có những nhà giáo chưa đủ sống, do đó, họ không thể toàn tâm toàn ý cho việc dạy học.
Vì vậy, nếu xét “giáo dục là đột phá chiến lược, là quốc sách hàng đầu” thì dứt khoát phải có một vài sự ưu tiên, còn lại quy định cụ thể về chế độ tiền lương để đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho nhà giáo thì ở dự thảo Luật Nhà giáo chỉ quy định nguyên tắc, còn lại giao cho Chính phủ quy định cụ thể.
Liên quan đến ý kiến của nhiều ĐBQH về việc dạy thêm của nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chủ trương không cấm việc dạy thêm của nhà giáo nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo cũng như vi phạm những nguyên tắc về chuyên môn. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ nghiên cứu đầy đủ các ý kiến của ĐBQH thảo luận tại Tổ và tại Hội trường để tiếp thu tối đa, đồng thời khẳng định, việc phát triển đội ngũ nhà giáo mới là lí do chính yếu để xây dựng dự án Luật Nhà giáo.
Thay mặt những người làm nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến các thầy, cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11./.