Xuất khẩu cá tra kỳ vọng vượt 2 tỷ USD trong năm 2024
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tính đến ngày 15/10, xuất khẩu cá tra đạt 1,56 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023. Mục tiêu trong năm 2025, sản lượng dự kiến khoảng 1,65 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu khoảng 02 tỷ USD.
Ngành cá tra với quá trình hình thành và phát triển, đến xuất khẩu tỷ USD trải qua gần 30 năm, dần khẳng định vị thế của mình trong hệ thống nông nghiệp Việt Nam và hệ thống phân phối thực phẩm toàn cầu. Trong 30 năm, con cá tra Việt Nam đã có mặt trên khắp 150 thị trường với nhiều thăng trầm nhưng vẫn vững vàng đứng cùng nhiều loại cá thịt trắng khác, nhờ vào nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam.
Ngành hàng cá tra được dự báo sẽ hoàn thành thành mục tiêu xuất khẩu hơn 2 tỷ USD trong năm 2024, góp phần đưa xuất khẩu thuỷ sản cán đích 10 tỷ USD như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra hồi đầu năm 2024. Dù diễn biến kinh tế, chính trị của các quốc gia trong năm qua đã có nhiều tác động trở ngại cho sản xuất, xuất khẩu cá tra nói riêng, thuỷ sản nói chung, nhưng ngành hàng cá tra đã có thành tích vượt mong đợi.
Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thuỷ sản, cùng với yêu cầu cấp thiết của các ngành hàng, quy định của các thị trường nhập khẩu, Cục Thuỷ sản đã có chủ trương hướng dẫn các đơn vị sản xuất giống đầu tư công nghệ vào quá trình sản xuất cá tra giống để trong thời gian tới ngành cá tra theo kịp tiến độ thị trường giảm phát thải trong toàn quy trình sản xuất và chế biến. Đây cũng là bước chuẩn bị của ngành cá tra cho năm 2025 sắp tới.
Cục Thuỷ sản cũng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cá tra bằng ứng dụng vi sinh để xử lý phát thải của cá tra ngay tại chỗ. Với cách ứng dụng công nghệ vào nuôi cá tra để giảm nguồn năng lượng và lượng nước sử dụng cho toàn quy trình, chứng minh được hiệu quả kinh tế trong sản xuất và chế biến cá tra. Với những yêu cầu về nguồn vốn, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thuỷ sản tiếp cận nguồn vốn với lãi suất phù hợp. Riêng Cục Thuỷ sản giới thiệu những dự án nhỏ, những mô hình sáng kiến giảm năng lượng và chi phí sản xuất đến doanh nghiệp để thực hiện sản xuất chế biến xanh trong chuỗi ngành hàng cá tra.
Sang năm 2025, cá tra Việt Nam vẫn là nguồn thực phẩm cung ứng nhu cầu của người tiêu dùng nên vẫn là ngành hàng có quy mô sản xuất và xuất khẩu lớn. Bởi sản lượng cá tra Việt Nam chiếm 42% sản lượng cá tra thế giới.
Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, phát triển ngành hàng cá tra vẫn theo định hướng mới là hệ thống giống, cơ sở nhân giống đảm bảo an toàn sinh học. Do đó, các địa phương đầu tàu nuôi cá tra như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ quy hoạch đất đai để phát triển công nghiệp giống cá tra sinh học, cân bằng dưỡng chất với giá thành thấp nhất để có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Xanh hóa quy trình sản xuất cá tra để phát triển bền vững
Xanh hóa các quy trình sản xuất, chế biến để đáp ứng cho yêu cầu xuất khẩu hiện là xu hướng, cũng là bắt buộc của các ngành hàng; trong đó có ngành hàng cá tra.
Tại Hội nghị tổng kết ngành hàng cá tra năm 2024 và bàn giải pháp triển khai nhiệm vụ năm 2025 vừa được tổ chức tại Đồng Tháp, các đơn vị quản lý nghành hàng, chuyên gia, doanh nghiệp chế biến và người nuôi cá tra đều quan tâm đến việc sản xuất bền vững, xanh hóa giá trị sản phẩm để nâng cao thương hiệu, giúp cá tra Việt Nam tiến vào những thị trường tiềm năng.
Chuyên gia cho rằng khi áp dụng đồng bộ công nghệ mới trong quá trình nuôi, mỗi ha ao nuôi cá tra mỗi năm có thể giảm phát thải đến hơn 800 tấn CO2. Hơn nữa, với công nghệ nuôi hiện đại, tỷ lệ cá sống sẽ được nâng cao, tăng hiệu quả sản xuất.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Hùng (Đồng Tháp), đại diện một trong những doanh nghiệp nuôi, chế biến cá tra kiến nghị Nhà nước cần hỗ trợ cho doanh nghiệp về việc xây dựng vùng nuôi đạt chứng nhận giảm phát thải để xuất khẩu đa dạng hơn với các thị trường.
Ông Hùng cho rằng các doanh nghiệp sẵn sàng cung cấp ao nuôi để cơ quan chức năng thí điểm áp dụng công nghệ sản xuất mới. Ông cũng đề nghị Nhà nước hỗ trợ khâu sản xuất cá giống và chuẩn hóa việc sản xuất cá tra giống để đảm bảo chất lượng hàng hóa.
Ngoài ra, ông Hùng cho biết thêm, phế phẩm chế biến chiếm đến hơn 60% khối lượng con cá tra. Tận dụng được lượng phế phẩm này sẽ góp phần giúp tăng giá trị ngành hàng.
Theo bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, xanh hóa toàn bộ chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ hàng hóa nông nghiệp nói chung, thuỷ sản nói riêng; trong đó có con cá tra là yêu cầu của thị trường châu Âu. Tuy nhiên, đây cũng là xu hướng chung toàn cầu trong thời gian tới, khi các quốc gia hướng đến bảo vệ môi trường toàn cầu, giảm phát thải trong các lĩnh vực sản xuất.
Xanh hóa quy trình sản xuất và chế biến thuỷ sản nói chung, ngành cá tra nói riêng đã được toàn ngành đề cập đến từ nhiều năm về trước. Tuy nhiên, sự chuẩn bị cho việc xanh hóa còn khá chậm. Những doanh nghiệp có nguồn lực và định hướng thị trường lâu dài thì có sự chuẩn bị cho quá trình tiếp cận thị trường này.
Mặc dù vậy, trong ngành cá tra cũng có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu nguồn lực để đầu tư vào quy trình xanh hóa toàn chuỗi sản xuất, chế biến. Trước yêu cầu của thị trường châu Âu, trong 10 năm phải hoàn thiện tiến đến giảm phát thải Net Zero, các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực huy động nguồn tài chính để tiến hành xanh hóa, thay vì chỉ dùng nguồn lực để trang trải hoạt động nhà máy, chăm sóc đời sống người lao động như hiện nay./.