Dự thảo Luật Nhà giáo: Đề xuất lương giáo viên cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tọa đàm, thông tin với các cơ quan báo chí về dự án Luật Nhà giáo, 5 chính sách được thiết kế trong dự thảo Luật Nhà giáo…
giao-duc-dnktx2-1715987306.jpg
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng chủ trf tọa đàm với các cơ quan truyền thông.

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Đã có nhiều Luật về giáo dục được ban hành nhưng một luật dành cho nhà giáo vẫn là mong mỏi, dự định trong hàng chục năm qua. Ngành giáo dục coi phát triển lực lượng nhà giáo là một trong những giải pháp trọng tâm, đột phá. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo.

Dự án Luật Nhà giáo được Chính phủ đồng ý xây dựng, Quốc hội đồng ý đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh đã trở thành bước đột phá và mang lại ý nghĩa động viên to lớn với 1,6 triệu nhà giáo trong cả nước. Được giao trọng trách chủ trì xây dựng dự án Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thức rõ đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng cũng là cơ hội để những trăn trở, mong mỏi về nghề nghiệp giáo sẽ được giải quyết trên một nền tảng vững chắc, đó là Luật.

Tại tọa đàm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông tin về dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó có 5 chính sách được thiết kế trong dự thảo Luật Nhà giáo gồm: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý nhà nước về nhà giáo.

Một trong những quy định mới thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội được nêu trong dự thảo Luật Nhà giáo là quy định Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt tiêu chuẩn chức danh nhà giáo theo quy định.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và kinh nghiệm của một số ngành, lĩnh vực, Ban soạn thảo đề xuất và dự kiến chứng chỉ hành nghề cơ bản sẽ có tác động tích cực đối với nhà giáo và cơ sở giáo dục.

Cụ thể, chứng chỉ hành nghề tạo thuận lợi cho nhà giáo nếu có những thay đổi nơi hoạt động nghề nghiệp. Chứng chỉ hành nghề có giá trị sử dụng toàn quốc nên dù nhà giáo dạy học ở đâu cũng không cần phải thực hiện lại chế độ tập sự; giảm được thủ tục cho nhà giáo khi: thuyên chuyển và ký hợp đồng làm việc không thời hạn, hợp đồng có thời hạn, thỉnh giảng hoặc dạy liên trường; khi nhà giáo thuyên chuyển từ cơ sở giáo dục công lập sang cơ sở giáo dục ngoài công lập hoặc ngược lại; khi nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia giảng dạy theo nhu cầu của cơ sở giáo dục.

luat-giao-duc-1-1715998620.jpg
Xây dựng tiền lương mới, tiền lương cơ bản chiếm 70%, phụ cấp ưu đãi chiếm 30%.

 

Chứng chỉ hành nghề có giá trị đảm bảo đồng đều về chất lượng dạy học và giáo dục giữa các cơ sở giáo dục và và dự kiến sẽ điều chỉnh bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay. Để không gây xáo trộn khi áp dụng quy định về chứng chỉ hành nghề, dự thảo Luật Nhà giáo đã tính toán phương án chuyển tiếp thuận lợi cho 1,6 triệu nhà giáo đã được tuyển dụng vào ngành trước khi Luật có hiệu lực sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề mà không cần đánh giá sát hạch. Những nhà giáo đã nghỉ hưu nếu có nguyện vọng cũng được cấp chứng chỉ hành nghề để ghi nhận sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục hoặc sử dụng để tiếp tục hoạt động nghề nghiệp.

 

Điểm được nhiều người quan tâm nhất là vấn đề tiền lương. Theo đó, dự thảo Luật Nhà giáo đảm bảo xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp; đảm bảo bình đẳng giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập.

Theo quy tắc xây dựng tiền lương mới, tiền lương cơ bản chiếm 70%, phụ cấp ưu đãi chiếm 30%. Riêng ngành giáo dục sẽ được hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề ở mức cao nhất. Theo quy định, tiền lương mới không thấp hơn tiền lương cũ, trong trường hợp thấp hơn, nhà giáo sẽ được bảo lưu mức cũ.

Bên cạnh đó, dự thảo còn đề xuất các chế tài để bảo đảm tiền lương và chính sách theo lương của nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, tự chủ phải bảo đảm không ít hơn so với nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục công lập đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước./.

Trần Minh