Việt Nam ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP) cập nhật

Ngày 19/11, tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã chủ trì Sự kiện về Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (NAP) cập nhật của Việt Nam.
tin-sau-11-1732081414.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại sự kiện.

Sự kiện do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức, đã thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo chính phủ, chuyên gia khí hậu, các quỹ đa phương và các đối tác phát triển.

Cùng với 59 quốc gia đã hoàn thành và công bố NAP, đây là bước tiến quan trọng của Việt Nam trong xây dựng các giải pháp nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu (BĐKH) cho cả hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội và con người.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết: Thích ứng BĐKH là một phần quan trọng trong nỗ lực toàn cầu ứng phó với BĐKH nhằm bảo vệ con người, sinh kế và hệ sinh thái, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển. Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường khả năng chống chịu trước tác động của BĐKH.

Theo hướng dẫn của Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Việt Nam đã xây dựng và triển khai Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP) vào năm 2020, triển khai Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với BĐKH ở cấp quốc gia. NAP xác định các nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên cụ thể cho 7 lĩnh vực dễ bị tổn thương do BĐKH.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, Việt Nam đã tiến hành rà soát, cập nhật NAP trên cơ sở thực tiễn, các kết quả đạt được trong giai đoạn từ năm 2020 - 2023 và các cam kết mới của Việt Nam về BĐKH. Quá trình xây dựng Kế hoạch cập nhật đã có sự tham gia tích cực của nhiều bộ, ngành, địa phương, cơ quan nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ và các đối tác phát triển.

Việt Nam đã chủ động huy động mọi nguồn lực trong nước để thực hiện NAP hiệu quả. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia đang phát triển, công nghệ, năng lực, kinh nghiệm và kinh phí cho thích ứng với BĐKH chủ yếu huy động từ ngân sách Nhà nước còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách của cộng đồng.

“Các nhiệm vụ ưu tiên xác định trong Kế hoạch cập nhật đều mang tính liên ngành, liên vùng; yêu cầu nguồn lực kỹ thuật và tài chính rất lớn để triển khai hiệu quả. Do đó, Việt Nam kêu gọi sự hợp tác, hỗ trợ của các quốc gia, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nhằm chuyển giao công nghệ tiên tiến, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; đặc biệt là việc triển khai các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường tính chống chịu với tác động của BĐKH cho các cộng đồng, lĩnh vực dễ bị tổn thương ở Việt Nam” - Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh./.