Châu Âu là thị trường xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ và là thị trường cao cấp, khó tính, có yêu cầu cao về chất lượng, quy định nghiêm ngặt về lao động, môi trường. Bên cạnh đó, EU đã đề ra chiến lược mới cho ngành dệt may bằng cách đưa ra các biện pháp pháp lý mới để tăng tính tuần hoàn, bao gồm các chỉ thị mới liên quan đến độ bền sản phẩm và quyền sửa chữa.
Tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - EU, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng, doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang đối diện với thách thức lớn, trong cam kết của Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã đưa ra quan điểm về việc sử dụng xanh, tái chế và đây là những yêu cầu mà những nhãn hàng đòi hỏi nhà sản xuất Việt phải thích ứng.
VITAS có những lưu ý để doanh nghiệp Việt kịp thời thay đổi, thích ứng như doanh nghiệp cũng cần chú trọng một số vấn đề cốt lõi như tìm giải pháp giữ chân người lao động, nhất là lực lượng nòng cốt. Tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng nghề, đào tạo nhân lực cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Tìm cách giữ khách hàng bằng cách tạm thời chấp nhận các đơn hàng nhỏ lẻ không phải thế mạnh, không có lãi để có việc làm cho người lao động và nhằm xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, lâu dài. Khai thác thị trường mới, quan tâm nhiều hơn đến thị trường nội địa. Đặc biệt, giảm tối đa các chi phí chưa thực sự cần thiết của doanh nghiệp.
Về phía VITAS, Hiệp hội sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với nhãn hàng, doanh nghiệp với Chính phủ. Phối hợp tích cực với các tổ chức quốc tế uy tín triển khai các chương trình về lao động, năng lượng xanh, tuần hoàn tái chế, chuyển đổi số, thiết kế, xây dựng thương hiệu, quản trị nhân lực.... Đồng thời tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, tạo cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm khách hàng cho các doanh nghiệp.