Đầu năm ngành dệt may thiếu đơn hàng

Theo Liên đoàn lao động TP.Hà Nội, tính đến ngày 30/1 (tức mùng 9 Tết) có 99,2% doanh nghiệp mở xưởng để sản xuất sau Tết, tuy nhiên ngành dệt may bị thiếu đơn hàng do doanh nghiệp mở cửa sản xuất chỉ chiếm 67,74%, với 69,06% số công nhân quay trở lại làm việc.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) dự báo trong quý I/2023 ngành dệt may sẽ tươi sáng hơn do các sản phẩm dệt may sẽ được giảm thuế xuất khẩu vào thị trường EU vào năm 2023 nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Theo FTA này, các loại hàng may mặc bao gồm B3, B5, B7 sẽ được giảm 2 - 4% thuế xuất khẩu vào năm 2023.

nganh-det-may-1675226965.jpg
Ngành dệt may bị thiếu đơn hàng sau Tết do nhiều doanh nghiệp chưa mở cửa sản xuất lại. (Ảnh: dangcongsan)

Bên cạnh đó, Ủy ban châu Âu dự báo lạm phát trong khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ đạt 8,3% vào năm 2022, trước khi giảm xuống 4,3% vào năm 2023. Lạm phát thấp hơn sẽ kích thích nhu cầu mua sắm các mặt hàng thời trang trong năm 2023. Do đó, một số doanh nghiệp dệt may xuất khẩu com-lê, áo sơ mi, quần và váy sang thị trường châu Âu như: May Sông Hồng, May 10, Việt Tiến… sẽ được hưởng lợi từ EVFTA. 
 
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn kéo dài, nhưng các doanh nghiệp ngành dệt may vẫn cố gắng thích ứng để duy trì hoạt động hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trong thời gian tới sẽ hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh rà soát tình hình, nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các ngành sử dụng nhiều lao động (may mặc, da giày, sản xuất gỗ...) để có phương án kết nối cung - cầu lao động.

Anh Thư