Doanh nghiệp cần tận dụng các động lực tăng trưởng để vượt qua khó khăn trong năm 2023

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Việt Nam duy trì tốt ổn định kinh tế vĩ mô, đạt mức tăng trưởng GDP 8,02% năm 2022 , quy mô GDP vượt 400 tỷ USD, xuất khẩu vượt 730 tỷ USD, an sinh xã hội được bảo đảm là các kết quả rất có ý nghĩa. Kết quả này không chỉ tạo dư địa cho điều hành vĩ mô năm 2023 mà còn là nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững của giai đoạn 2023-2025.

Năm 2023, được dự liệu có nhiều thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trước những diễn biến khó lường và bất định của bối cảnh kinh tế toàn cầu. Những khó khăn đã hiện hữu và tác động trực diện vào một số ngành chủ lực xuất khẩu của Việt Nam từ quý IV/2022.

Chia sẻ sâu hơn về vấn đề này tại "Kịch bản Kinh tế Việt Nam năm 2023 - Diễn đàn thường niên lần thứ 15" với chủ đề "Tối ưu nguồn lực, vượt qua thách thức", Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, năm 2023, môi trường quốc tế và khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều biến động, rủi ro, nhiều mặt sẽ khó khăn, thách thức hơn.

Trong đó, kinh tế thế giới có 3 đặc điểm, xu hướng đáng chú ý. Thứ nhất, kinh tế thế giới đang mất dần động lực tăng trưởng, đứng trước nguy cơ suy thoái kỹ thuật. Các động lực tăng trưởng như xuất khẩu – đầu tư – tiêu dùng toàn cầu dự báo sẽ suy giảm. Thứ hai, các chuyển đổi mang tính cơ cấu sẽ tiếp tục tạo ra các “va đập”, “tái cấu trúc” và định hình các nguyên tắc, “luật chơi” mới trong quản trị kinh tế toàn cầu. Thứ ba, khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, được đánh giá là trọng tâm của kinh tế thế giới, là động lực tăng trưởng, đồng thời là trung tâm của nhiều liên kết, sáng kiến kinh tế mới của các nước.

xk-1674259626.jpg
Doanh nghiệp cần tận dụng các động lực tăng trưởng để vượt qua gam màu xám năm 2023. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, theo dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại, từ 2,2 – 2,5%, nhiều khu vực, quốc gia có nguy cơ rơi vào suy thoái. Trong 10 quốc gia chiếm hơn 71% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam gồm 6 quốc gia và vùng gồm Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Anh và Hồng Kông (Trung Quốc) chiếm 58% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. 6 quốc gia này và Hồng Kông được dự báo có mức độ suy thoái kinh tế ở mức độ nhẹ trong ngắn hạn. Vì vậy, một số ngành dệt may, da giày, đồ gỗ của nước ta sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.

Ở chiều ngược lại, 10 quốc gia chiếm hơn 80% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam thì có 6 nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia chiếm 41,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế năm 2023.

Về vấn đề đầu tư, trong 10 nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam (chiếm khoảng 93% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam), ngoài Thái Lan có dự báo tương đối tích cực trong năm 2023 thì các đối tác còn lại gồm Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Mỹ chiếm 72% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam được dự báo có dấu hiệu rơi vào suy thoái tùy mức độ khác nhau.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ, trong bối cảnh nhiều gam màu xám cũng còn những cơ hội. Nếu kịp thời nắm bắt, hoà nhịp vào các xu thế mới, tranh thủ các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế xanh và chuyển đổi số, thu hút được các nguồn lực đầu tư mới, đây cũng sẽ là thời cơ để doanh nghiệp tạo ra các đột phá, các nền tảng để bứt tốc trong tương lai.

Trong bối cảnh này, Thứ trưởng nhấn mạnh, cần chú trọng phương châm 3K: Kiên định - Kiên quyết - Kiên trì. Đó là kiên định ổn định chiến lược; kiên quyết giữ vững "tự chủ, tự cường" gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, trên cơ sở làm chủ khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số; kiên trì “phát triển bền vững”, các chính sách, kế hoạch sẽ phải điều chỉnh, thích ứng với tình hình dự báo nhiều bất ổn của năm 2023.

Năm 2022, Việt Nam đã xây dựng được nhiều quy hoạch vùng, địa phương, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và các chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp. Năm 2023, cần nhanh chóng cụ thể hoá các chủ chương, chính sách này thành các kế hoạch, biện pháp, dự án cụ thể.

Đông Nghi