Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, năm 2022, toàn Ngành đã tổ chức quán triệt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, sáng tạo, “đổi mới tư duy” để vượt qua khó khăn, thách thức từ các “tình huống bất bình thường” của thực tiễn sản xuất kinh doanh nông, lâm thủy sản nhằm hoàn thành các mục tiêu phát triển. Chính vì vậy, năm 2022, đã có nhiều chuyển biến hết sức quan trọng trên thực tế, từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản và chất lượng tăng trưởng.
Giá trị tăng trưởng toàn Ngành (GDP) năm 2022 tăng cao nhất trong những năm gần đây, đạt 3,36%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng 73%; kim ngạch xuất khẩu toàn Ngành đạt trên 53,22 tỷ USD, vượt xa chỉ tiêu Chính phủ giao. Đến hết năm 2022, cả nước có 8.689 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, tăng 1,82% so với năm 2020. Công tác xây dựng thể chế; cải cách hành chính mà trọng tâm là cắt giảm thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, tạo sự chuyển biến tích cực trong giải quyết thủ tục, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh…
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số hạn chế như: Việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ở một số địa phương còn chậm, sản lượng và quy mô còn hạn chế; khó khăn khi nguyên liệu vật tư đầu vào phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài, giá thức ăn chăn nuôi, phân bón tăng cao… ảnh hưởng đến thu nhập, sinh kế, đời sống của người sản xuất; mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng Việt Nam vẫn chưa gỡ được “thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp hơn nhiều so với năm 2021…
Năm 2023, toàn Ngành tập trung thực hiện quyết liệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững; kế hoạch cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu tốc độ tăng trường GDP toàn Ngành khoảng 3,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 54 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 78%; 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%, nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn 57%; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm 80%.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với những kết quả đạt được trong năm 2022, đóng góp quan trọng vào những thành tựu, kết quả chung của đất nước và bày tỏ mong muốn ngành Nông nghiệp phát triển bứt phá mạnh mẽ hơn, bền vững trong năm 2023.
Trên cơ sở những kết quả đạt được năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm đó là: Giữ vững, phát huy đoàn kết, thống nhất cả về nhận thức và hành động; nắm chắc tình hình, điều hành sáng tạo, linh hoạt, bám sát thực tiễn; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát nguồn lực; xác định, triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra một số tồn tại, bất cập và nhấn mạnh một số quan điểm chỉ đạo, điều hành phát triển nông nghiệp: Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phù hợp, ngang tầm yêu cầu phát triển; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn phát triển nông nghiệp với văn hóa và du lịch; phối hợp với ngành ngân hàng để đáp ứng nguồn vốn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là cho xuất khẩu; đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu; nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả tại các đơn vị, địa phương.
Về các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngành quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội để xây dựng ngành nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hiện đại, nông dân văn minh, lấy nông dân là trung tâm, xây dựng nông thôn là nền tảng, phát triển nông nghiệp là động lực. Khẩn trương triển khai thực hiện Nghị định số 105/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; khẩn trương ổn định tổ chức, sắp xếp lại cả 4 tổng cục.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công vụ, công chức. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách; kịp thời tháo gỡ các nút thắt về chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận đất đai, tín dụng, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP; tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình chuyển đổi số, kinh tế số…/.