Định vị thương hiệu OCOP trên thị trường nông sản - Bài 3: Hệ lụy do “đếm đầu số” trong phát triển OCOP

Nguy cơ “thua trên sân nhà” của sản phẩm OCOP càng rõ ràng hơn khi hàng hóa ngoại tiếp tục “đổ bộ” vào Việt Nam với giá cả phải chăng theo điều khoản các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết.
6-1695684218.jpg
Các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã tổ chức các sự kiện, diễn đàn, hội chợ OCOP thường niên, cấp quốc gia, cấp vùng, cấp địa phương để quảng bá, giới thiệu, kết nối sản phẩm OCOP. (Trong ảnh: Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế lần thứ 23 - AgroViet 2023 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch kinh tế và thương mại, số 489 Hoàng Quốc Việt, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, từ ngày 14 đến ngày 17/9 - Ảnh: Trần Quỳnh)

Chương trình OCOP được xác định là giải pháp trọng tâm để chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị. Sau gần 05 năm triển khai, sản phẩm OCOP đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm OCOP vẫn là bài toán khó giải cho các cấp chính quyền cũng như các chủ thể OCOP.

Nguy cơ “thua trên sân nhà” của các nông sản Việt Nam chất lượng cao được định vị bằng thương hiệu OCOP không chỉ vì đường vào các kênh bán lẻ hiện đại quá gập ghềnh mà còn do việc thực hiện chương trình vẫn còn có biểu hiện chạy theo phong trào, người dân chưa nhận diện được sản phẩm OCOP. Nguy cơ này được dự báo sẽ thành hiện thực trong bối cảnh hàng hóa ngoại tiếp tục “đổ bộ” vào Việt Nam với giá cả phải chăng theo điều khoản các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết.

Trầm lắng giữa cuộc đua khốc liệt

Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá tiềm năng, có mức tăng trưởng cao và thu hút rất đông các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Với chính sách mở cửa của Nhà nước, hàng loạt tên tuổi lớn trong lĩnh vực bán lẻ trên thế giới như: Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Cresent Mall (Đài Loan - Trung Quốc) và các tập đoàn bán lẻ của Thái Lan, Singapore lần lượt “đổ bộ” vào Việt Nam. Không tính các kênh bán hàng online thì hiện người tiêu dùng Việt Nam có thể mua hàng hóa Mỹ, Nhật, Hàn Quốc,… từ hệ thống bán lẻ của DN nước ngoài có mặt ở hầu khắp cả nước.

Trong cuộc đua giành thị phần bán lẻ, các DN Việt Nam sau một thời gian gần chục năm bị lép vế nay đã có sự “trỗi dậy” mạnh mẽ. Khoảng 05 năm trở lại đây, các tên tuổi lớn như: Vingroup, Masan, Bách Hóa Xanh, Saigon Co.op,... đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực phân phối, từng bước chiếm lĩnh thị phần bản lẻ tại Việt Nam.

5-1695684491.jpg
Trong cuộc đua khốc liệt giữa DN ngoại và DN nội, hàng Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ cao trong hệ thống bán lẻ. (Trong ảnh: Siêu thị Co.op mark Quảng Bình - Ảnh: Trần Hùng)

Sự “trỗi dậy” mạnh mẽ của các DN bán lẻ Việt cùng với các DN ngoại đang hoạt động đã đem lại gam màu rất sáng của thị trường bán lẻ Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.043,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 19,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,7% (cùng kỳ năm 2022 tăng 15,1%).

Một thông tin đáng mừng là, trong cuộc đua khốc liệt giữa DN ngoại và DN nội, hàng Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ cao trong hệ thống bán lẻ. Theo tổng hợp của Bộ Công thương, tỷ lệ hàng Việt bày bán tại những siêu thị, cửa hàng của các DN nội là trên 90%, tại các hệ thống siêu thị nước ngoài là từ 60% - 96%. Ở kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại chợ, cửa hàng tạp hóa cũng chiếm từ 60% trở lên.

Trong bối cảnh Việt Nam chưa có chế định pháp luật yêu cầu các chuỗi bán lẻ trên thị trường phải bán bao nhiêu % hàng hóa nội địa (chỉ có cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”) thì tỷ lệ hàng Việt nêu trên là nguồn động viên rất lớn cho các DN sản xuất trong nước. Nhưng, trong bản hòa tấu sôi nổi của thị trường bán lẻ Việt Nam, các sản phẩm OCOP lại là một nốt trầm do vắng bóng ở các kênh bán lẻ hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại,…), đồng thời chưa có nhiều người tiêu dùng biết đến.

Phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh đã khảo sát thực tế tại một số địa phương trên cả nước. Tại Hà Tĩnh, theo ông Lê Xuân Tùng - Trưởng bộ phận OCOP thuộc Văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh Hà Tĩnh, sau gần 5 năm triển khai, hiện nay Hà Tĩnh có 239 sản phẩm OCOP được công nhận; 60 sản phẩm đang chờ để công nhận lại. Tỉnh cũng đã có các sản phẩm OCOP được xuất ra thị trường nước ngoài như: Bánh đa Nguyên Lâm xuất sang thị trường Nhật Bản, Nga; bánh ram Anh Thu xuất sang Hàn Quốc; sứa Mai Dung xuất sang thị trường Nhật Bản, cu đơ bà Hường xuất sang thị trường New Zealand…. Tuy nhiên, số sản phẩm OCOP “chào sân” hệ thống siêu thị trên địa bàn là rất hiếm.

“Thời gian qua, Văn phòng NTM tỉnh phối hợp với Sở Công thương hỗ trợ kết nối các sản phẩm OCOP vào các siêu thị lớn như Big C, Co.op mart… Hiện nay, mới chỉ có bưởi Phúc Trạch, nem chua Ý Bình, cu đơ Phong Nga được bày bán trong hệ thống siêu thị Co.op mart”, ông Tùng cho biết.

1-1695684650.jpg
Bưởi Phúc Trạch được giới thiệu, bày bán trong siêu thị Co.op marrk Hà Tĩnh. (Ảnh: Hồng Duyên)

Còn tại Thanh Hóa, theo ông Bùi Công Anh - Phó Chánh Văn Phòng điều phối NTM tỉnh, toàn tỉnh hiện có 346 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao, 54 sản phẩm 4 sao, 291 sản phẩm 3 sao. Hiện tỉnh có khoảng 50 sản phẩm đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT).

“Hiện vẫn chưa có sản phẩm OCOP nào của tỉnh đề xuất đưa sản phẩm vào các siêu thị, do chi phí cao, mà họ tập trung khai thác ở các sàn TMĐT, hoặc bán online”, ông Anh thông tin.

Tại Quảng Bình, theo khảo sát của phóng viên, mặc dù có nhưng tỷ lệ sản phẩm OCOP được đưa vào siêu thị, trung tâm thương mại rất thấp. Tại Co.op mart Quảng Bình, theo bà Lương Thị Kiều Lan Chi - Giám đốc siêu thị, đơn vị rất quan tâm đến tiêu thụ sản phẩm OCOP của địa phương. Mặc dù rất nỗ lực nhưng hiện chỉ có khoảng 30 sản phẩm OCOP được bày bán tại Co.opmart Quảng Bình, chiếm 5% tổng các mặt hàng đang kinh doanh tại siêu thị.

Báo cáo của Văn phòng điều phối NTM Trung ương cho thấy, sau gần 05 năm triển khai Chương trình OCOP, một số sản phẩm OCOP được phân phối trong các hệ thống siêu thị, nhất là Central Retail, Saigon Coop, Mega Market... Trong các kênh bản lẻ hiện đại thì sản phẩm OCOP tiêu thụ mạnh ở kênh bán hàng trực tuyến  trên mạng xã hội như: Tiktok shop, zalo,... (riêng kênh Tiktok shop có hơn 1.000 chủ thể OCOP tham gia, trong đó có hơn 130 chủ thể OCOP bán hàng trực tuyến thường xuyên).

Tái diễn căn bệnh thành tích?

Theo tìm hiểu của Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh, với những DN khi đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam, một trong những yếu tố đầu tiên được chú ý là khảo sát thị hiếu mua sắm của người tiêu dùng. Chia sẻ với truyền thông mới đây, TS. Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng, các DN bán lẻ nước ngoài luôn bán song song hàng hóa của cả quốc gia sở hữu và hàng hóa của nước sở tại. Tại nhiều siêu thị, tỷ lệ hàng nội địa còn chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với hàng ngoại nhập, bởi nó phụ thuộc vào nhu cầu, thị hiếu cũng như hiểu biết về sản phẩm của người tiêu dùng nội địa.

Thực tế, sản phẩm hàng hóa muốn tiêu thụ được thì phải được người tiêu dùng biết đến. Ở góc độ maketting, rất nhiều sản phẩm OCOP sẽ rất khó cạnh tranh với các nông sản khác, chưa nói tới hàng hóa nhập khẩu cùng chủng loại bởi không nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm OCOP. Phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh đã phỏng vấn một số người dân, kết quả là có không ít người tiêu dùng không phân biệt được giữa sản phẩm OCOP với các nông sản thông thường khác. Thậm chí, sự nhận diện sản phẩm OCOP của người tiêu dùng rất… hồn nhiên!.

7-1695684854.jpg
Việc tiêu thụ sản phẩm OCOP phụ thuộc nhiều vào công tác quảng bá, xúc tiến thương mại. (Trong ảnh: Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế lần thứ 23 - AgroViet 2023 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch kinh tế và thương mại, số 489 Hoàng Quốc Việt, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, từ ngày 14 đến ngày 17/9 - Ảnh: Trần Quỳnh)

Ông Hà Văn Khang, trú tại thôn Tân Quang, xã Thanh Tân (huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ: “Tôi nghe trên truyền thông có nói về các sản phẩm OCOP nhưng chưa thực sự nhìn thấy ngoài đời. Có lẽ ở vùng sâu, vùng xa nên sản phẩm OCOP chưa mang lên đây để bán”.

Không chỉ người tiêu dùng ở huyện miền núi Như Thanh mà người dân ở thành phố cũng chưa có nhiều người biết đến sản phẩm OCOP. Bà Nguyễn Thị Minh, người dân phường Nguyễn Du, TP. Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) khẳng định: “Tôi không biết sản phẩm OCOP là gì cả”. Thậm chí, ngay cả một chủ cửa hàng tạp hóa như chị Nguyễn Thị Út Hương, ở phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) cũng ngơ ngác khi được hỏi về sản phẩm OCOP. “Mình mới nghe nói, cũng chẳng hiểu nó là gì nên không quan tâm”.

Sau gần 05 năm triển khai Chương trình OCOP, việc một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa nhận diện được sản phẩm OCOP là kết quả rất đáng tiếc. Bởi để định vị thương hiệu sản phẩm OCOP trên thị trường nông sản, các cấp, các ngành, các địa phương đã đầu tư rất nhiều kinh phí, công sức lẫn tâm huyết; nhất là trong khâu tiêu thụ, rất nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP đã được tổ chức từ Trung ương tới địa phương.

2-1695685011.jpg
Việc tiêu thụ sản phẩm OCOP phụ thuộc nhiều vào công tác quảng bá, xúc tiến thương mại. (Trong ảnh: Tuần hàng quảng bá nông sản Hà Nội và các tỉnh, thành phố 2023 diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10/9 tại phố đi bộ Hồ Gươm, TP. Hà Nội - Ảnh: Trần Quỳnh)

Theo TS. Ngô Trường Sơn – Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương, thời gian qua, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã tổ chức các sự kiện, diễn đàn, hội chợ OCOP thường niên, cấp quốc gia, cấp vùng, cấp địa phương để quảng bá, giới thiệu, kết nối sản phẩm OCOP. Nhiều quà tặng OCOP đã được hình thành, gắn với những câu chuyện, giá trị văn hóa của từng địa phương và quốc gia. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nỗ lực xây dựng quà tặng OCOP cấp quốc gia gắn với các sản phẩm đặc sắc, OCOP 5 sao để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP Việt Nam, tạo sự lan tỏa về giá trị văn hóa Việt Nam. Sản phẩm quà tặng OCOP quốc gia đã được lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ sử dụng trong một số hoạt động ngoại giao, Bộ Ngoại giao cũng đã có văn bản đồng ý ưu tiên sử dụng sản phẩm OCOP quốc gia làm quà tặng tại các sự kiện ngoại giao cấp bộ, quốc gia…

“Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa hình thành được hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại mang tính kết nối, chuyên sâu để tạo hình ảnh, nhận diện sản phẩm OCOP và thay đổi nhận thức của người tiêu dùng…”, ông Sơn cho biết.

Như vậy, sự tăng trưởng về số lượng sản phẩm OCOP đang không tỷ lệ thuận với sự nhận biết của người tiêu dùng. Vì sao có thực trạng này? Liệu đằng sau sự “nở rộ” sản phẩm OCOP có tình trạng chạy theo phong trào, tái diễn căn bệnh “thành tích” ở các địa phương hay không?

3-1695685267.JPG
Các địa phương đã tổ chức các sự kiện, diễn đàn để quảng bá, giới thiệu, kết nối sản phẩm OCOP. (Ảnh: Hồng Duyên)

Trả lời câu hỏi này, Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương Ngô Trường Sơn cho rằng, sau gần 05 năm triển khai, bên cạnh những thành tựu nổi bật, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, tồn tại của Chương trình. Thực tế số lượng sản phẩm OCOP tăng nhanh nhưng chưa thực sự bền vững, một số địa phương còn chạy theo thành tích, tập trung vào những sản phẩm đã được hình thành, không phải là các sản phẩm có lợi thế dẫn đến bị “bão hòa” trên thị trường, khó tiêu thụ.

Theo tìm hiểu của Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh, giai đoạn 2021 – 2025, theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ tiêu chí xây dựng NTM thì có sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn hoặc tương đương còn thời hạn là một trong những chỉ tiêu để đánh giá kết quả xây dựng NTM nâng cao. Đây là điều kiện để Chương trình OCOP tiếp tục được quan tâm đầu tư của chính quyền cơ sở, nhưng cũng không loại trừ tình huống “cố đạt cho được”.

Một thực tế đã chứng minh cho dự báo này là tình trạng không ít sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã bị thu hồi “vương miện”. Có nhiều nguyên nhân khiến sản phẩm OCOP bị thu hồi giấy chứng nhận, trong đó có nguyên nhân là do địa phương triển khai qua loa, thực hiện Chương trình OCOP theo hình thức “đếm đầu số”.

Hiện chưa có một thống kê cụ thể cả nước đã có bao nhiêu sản phẩm OCOP bị thu hồi “vương miện”, nhưng chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, rất nhiều địa phương đã quyết định thu hồi Giấy chứng nhận (GCN) đạt chuẩn OCOP của nhiều sản phẩm. Đơn cử, tháng 2/2023, tỉnh Đồng Tháp quyết định thu hồi GVN OCOP đối với 25 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao được chứng nhận năm 2019; tháng 9/2023, tỉnh Nghệ An quyết định thu hồi GCN 01 sản phẩm OCOP được công nhận năm 2022,… Gần đây nhất, ngày 19/9/2023, tỉnh Cà Mau có Quyết định 1675/QĐ-UBND thu hồi GCN sản phẩm OCOP đối với 9 sản phẩm OCOP được công nhận năm 2022.

4-1695685367.jpg
Nhiều địa phương đã ban hành các quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đối với nhiều sản phẩm OCOP.

Đánh giá về thực trạng này, TS. Ngô Trường Sơn – Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương cho rằng, bên cạnh một số địa phương chưa thực sự quan tâm thì nguyên nhân còn do thiếu sự chủ động của các chủ thể khi tham gia vào chương trình; chưa tập trung đến các giải pháp về chuẩn hóa chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm, nâng cao năng lực thực sự của chủ thể (về quản trị, tổ chức sản xuất, năng lực thị trường…). Đặc biệt, công tác quản lý, giám sát sản phẩm sau khi được công nhận còn là vấn đề nổi cộm cần được quan tâm và đẩy mạnh.

“Đây là những vấn đề mà Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tổ chức triển khai trong thời gian tới”, ông Sơn khẳng định.

Có thể nói rằng, sau rất nhiều nỗ lực và cố gắng của các cấp, các ngành, các địa phương và chính các chủ thể, sản phẩm OCOP đã tạo vị thế khác biệt và nổi trội cho nông sản trong cả nước. Nhưng để định danh và định vị được sản phẩm OCOP trên thị trường nông sản, các sản phẩm cần có những bước tiến về phía trước thay vì đi “giật lùi”. Bên cạnh sự chủ động của các chủ thể OCOP thì các cơ quan liên quan cần nâng cao trách nhiệm trong triển khai chương trình. Đặc biệt là, hiện Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), đang đàm phán 03 hiệp định khác. Các FTA sẽ là lực đẩy để hàng ngoại giá cả phù hợp “đổ bộ” vào Việt Nam, trực tiếp cạnh tranh với hàng nội địa, sản phẩm OCOP nếu không có sự quan tâm đúng mực thì nguy cơ “thua trên sân nhà” sẽ hiện hữu.

Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh sẽ tiếp tục thông tin.

Vi Hoa – Hà Khải – Trần Quỳnh – Hồng Duyên – Trần Hùng