Điện gió sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Theo các chuyên gia, năng lượng điện gió sẽ thúc đẩy giai đoạn tiếp theo của quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo của Việt Nam.
dien-mat-troi-1695201737.jpg
Điện gió sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo tại Việt Nam . Ảnh minh họa

Hiện tại ở Việt Nam, nhiệt điện than và thủy điện là hai nguồn cung cấp năng lượng chính vì cho ra nguồn điện ổn định và giá thành phù hợp. Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn năng lượng hóa thạch sẽ không đảm bảo an ninh năng lượng bền vững trong tương lai vì nguồn tài nguyên sẽ cạn kiệt dần. Đồng thời, môi trường và sức khỏe của con người cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi quá trình khai thác và sử dụng những nguồn khoáng sản này. 

Vì vậy, việc chuyển dịch sang đầu tư vào năng lượng tái tạo, dựa trên nhiều lợi thế về địa lý và thiên nhiên, sẽ giúp cho Việt Nam chủ động hơn trong việc đảm bảo nguồn năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế.

Trong khi đó, Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260 km, với tốc độ gió trung bình 7 m/s. Các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ và Nam Trung bộ có bức xạ mặt trời cao trung bình 1.387 - 1.534 Kwh/KWp/năm. Đây là lợi thế tự nhiên tạo ra sức hút lớn về đầu tư vào điện gió và điện mặt trời ở các tỉnh này. Bên cạnh lợi thế về gió, bức xạ mặt trời thì với diện tích rừng lớn, chỉ riêng tại Cà Mau, lượng khai thác và các chế phẩm từ gỗ đạt khoảng 225.000-300.000 tấn/năm cũng là tiềm năng lớn để phát triển điện sinh khối.

Chia sẻ về tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam, TS. Dư Văn Toán, Viện Khoa học và Môi trường, Biển và Hải đảo (Bộ TN&MT) cho biết, cường độ năng lượng của Việt Nam vẫn cao hơn đáng kể so với các nước láng giềng. Đến năm 2021, tổng công suất lắp đặt của các nguồn điện là 78,4 GW, quy mô hệ thống điện của Việt Nam đứng đầu ASEAN. Việt Nam là một trong 10 quốc gia dẫn đầu thế giới về đầu tư vào nguồn điện tái tạo (điện gió và điện mặt trời).

Bên cạnh đó, theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), việc phát triển mạnh điện gió ngoài khơi kết hợp với các loại hình năng lượng tái tạo khác (điện mặt trời, điện gió trên bờ…) là để sản xuất năng lượng mới (hydro, amoniac xanh…) phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. 

Tuy nhiên, trên thực tế, hiện cả nước có gần 50 dự án về điện gió đăng ký với tổng công suất gần 500 MW. Tuy nhiên, các dự án đã đi vào vận hành còn chưa nhiều, chỉ có bảy dự án đang vận hành với tổng công suất 190 MW. Số còn lại đang triển khai khá chậm, nhiều trường hợp còn đang trong quá trình xin giấy phép hoặc rơi vào giai đoạn khó khăn của việc tìm nhà đầu tư.

Để tận dụng được hết tiềm năng vốn có thì Việt Nam, theo TS. Dư Văn Toán sẽ cần những chính sách để mở rộng thị trường năng lượng tái tạo, thúc đẩy và triển khai công nghệ mới, cung cấp các cơ hội thích hợp, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo ở tất cả các lĩnh vực quan trọng. Bên cạnh đó, cần xây dựng khung pháp lý cho năng lượng tái tạo và điện gió ngoài khơi. Cũng như lộ trình phát triển dài hạn cho những nguồn năng lượng này.

Với sự hỗ trợ từ những chính sách cụ thể, những dự án năng lượng tái tạo nói chung và điện gió nói riêng sẽ có nhiều cơ sở để phát triển và thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước, giúp các doanh nghiệp này có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đông Nghi