Đi tìm công cụ tài chính cho kinh tế tuần hoàn

Nguồn tài chính cho doanh nghiệp để phát triển kinh tế tuần hoàn hiện vẫn là thách thức lớn, cần sự đồng hành, nỗ lực hơn nữa của Chính phủ, các tổ chức và doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
a3-1693885248.jpg
Rác thải là nguồn tài nguyên trong nền kinh tế tuần hoàn. (Trong ảnh: Người dân đổi rác tái chế lấy quà tặng tại điểm thu đổi rác vào sáng thứ bảy hằng tuần ở số 8 Phan Huy Chú, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội - Ảnh: Hoapham)

Dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, gần đây nhất là tác động của đại dịch Covid - 19 đã đặt ra yêu cầu cấp bách về phát triển bền vững; trong đó, kinh tế tuần hoàn (KTTH) được nhìn nhận là một giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, nguồn tài chính cho doanh nghiệp (DN) để phát triển KTTH hiện vẫn là thách thức lớn, cần sự đồng hành, nỗ lực hơn nữa của Chính phủ, các tổ chức và doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Mô hình hướng tới nền kinh tế xanh

KTTH không phải là một khái niệm mới mà đã sớm được đưa ra từ những năm 60 và 70 của thế kỷ XX bởi các nhà kinh tế như: Boulding năm 1966, các kiến trúc sư và nhà phân tích công nghiệp như Stahel & Reday-Mulvey năm 1976, sau đó đã trải qua nhiều năm phát triển và hoàn thiện. Tới nay, khái niệm KTTH được thừa nhận rộng rãi.

Theo đó, KTTH là một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Nó thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó. Hiểu một cách đơn giản, KTTH là biến rác thải đầu ra của ngành này trở thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hay tuần hoàn trong nội tại bản thân DN.

PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, việc thực hiện KTTH tốt chính là đang thực hiện nền kinh tế xanh, hướng tới phát triển bền vững. Mô hình kinh tế này hướng đến tái sử dụng nguyên vật liệu, giảm tiêu hao nguyên vật liệu, nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu tác động đến môi trường. Ngoài ra, KTTH còn nâng cao tính tự lực, tự chủ của DN, góp phần phát triển nền kinh tế tự cường, bền vững; đồng thời tăng hiệu quả và sự gắn kết giữa kinh tế, xã hội, môi trường.

a1-1693885399.jpg
Vòng tuần hoàn của kinh tế xanh. (Nguồn: Internet)

“Về cơ bản, mô hình KTTH được thực hiện trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ các DN đóng vai trò chính. Còn nền kinh tế xanh không chỉ thực hiện trong nội bộ DN mà còn gắn với môi trường thiên nhiên như: không gian xanh, đa dạng sinh học và môi trường thiên nhiên. Do vậy, sự gắn kết của thực hiện mô hình KTTH đặt trong môi trường cụ thể và bổ sung tiêu chí xanh thân thiện môi trường chính là KTTH hướng đến nền kinh tế xanh”, ông Chinh cho biết.

Bàn giải pháp huy động tài chính

Hiện Việt Nam đang có những bước đi đầu tiên để bước vào kỷ nguyên KTTH, với Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”. Đây là bước ngoặt quan trọng góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Tuy nhiên, việc huy động nguồn tài chính để ứng dụng mô hình KTTH, thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế vẫn đang và sẽ là bài toán cần sớm có lời giải.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam sẽ cần đầu tư khoảng gần 370 tỷ USD (tương đương 6,8% GDP/năm) trong giai đoạn 2022 - 2040 để thực hiện lộ trình tăng trưởng xanh, với lượng phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó 35% từ ngân sách, 65% từ nguồn tư nhân (trong và ngoài nước). Tuy nhiên, hiện nguồn tài chính xanh huy động được để thực hiện đang rất khiêm tốn.

a2-1693885446.jpg
Những mục tiêu trong Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh. (Nguồn: Internet)

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng, chuyển động tài chính xanh của Việt Nam thời gian qua đã có một số tín hiệu tích cực. Tín dụng xanh từ năm 2017 đến năm 2022 tăng bình quân 22%/năm; các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam như: Vingroup, BIM Land, EVNFinance,… bắt đầu phát hành trái phiếu DN bền vững tại thị trường quốc tế. Tuy nhiên, những con số nêu trên vẫn ở mức sơ khai, cho thấy nhìn nhận về tài chính xanh còn mờ nhạt, trong khi đây là yếu tố quan trọng, cần có cơ chế rõ ràng hơn và an toàn trong hệ thống pháp luật và chính sách.

Theo các chuyên gia kinh tế, tài chính xanh, tín dụng xanh sẽ đóng vai trò quyết định trong quá trình chuyển đổi sang KTTH. Do đó, các cơ chế thử nghiệm cần tập trung vào ưu đãi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hoạt động đầu tư các dự án KTTH, dự án xanh, hỗ trợ tiếp cận nguồn lực để thuê, mua các giải pháp công nghệ mới…

TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, để khuyến khích phát triển KTTH, cần có cơ chế thử nghiệm thay vì chỉ áp dụng theo cách tiếp cận truyền thống. Mục tiêu của chính sách thí điểm phát triển KTTH nhằm tạo ra sự an tâm cho nhà đầu tư và DN để thử nghiệm những ý tưởng, sáng kiến về KTTH. CIEM đề xuất lựa chọn áp dụng cơ chế thử nghiệm phát triển KTTH cho 04 lĩnh vực: Nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp; năng lượng; vật liệu xây dựng.

Thực tế cho thấy, Việt Nam cần đẩy nhanh hoàn thiện cơ chế, chính sách, kể cả cơ chế thử nghiệm cho các mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh và tín dụng xanh; đồng thời phát triển, hoàn thiện sàn giao dịch tín chỉ carbon, các sản phẩm giao dịch, thành viên thị trường và môi giới giao dịch, đối tượng giao dịch; đặc biệt, cần xem xét thành lập ngân hàng đầu tư xanh như ở một số quốc gia hoặc hình thành quỹ tài chính - tín dụng xanh để cấp vốn xanh cho dự án quan trọng. Có như vậy, nhà đầu tư, DN sẽ yên tâm triển khai các ý tưởng, sáng kiến KTTH, đóng góp vào quá trình chuyển đổi xanh, phục hồi xanh.

Lê Trường Giang