Đề xuất thêm 15.000 tỉ đồng vay ưu đãi doanh nghiệp lâm, thuỷ sản, tạo động lực xuất khẩu tỷ đô

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các NHTM triển khai Chương trình tín dụng 15.000 tỉ đồng, với lãi suất thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm. Tới nay chương trình đã hoàn thành giải ngân 100% mục tiêu và tiếp tục đề xuất nâng quy mô thành gói 30.000 tỉ đồng để tạo động lực tăng trưởng xuất khẩu tỷ đô.

Thông tin trên được chi sẻ tại Hội thảo “Tín dụng hỗ trợ lâm, thủy sản giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỉ USD” do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Báo Lao Động tổ chức ngày 12/4 vừa qua tại Hải Phòng.

von-uu-dai-nong-lam-thuy-san-01-1713064683.jpg
Toàn cảnh Hội thảo “Tín dụng hỗ trợ lâm, thủy sản giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỉ USD”.

Chương trình cho vay 15.000 tỉ đồng đã giải ngân 100%

Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân và xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Do đó, luôn xác định nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành lâm sản, thủy sản là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng 15.000 tỉ đồng, với lãi suất thấp hơn tối thiểu từ 1- 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn. Dù mới chỉ được triển khai từ giữa tháng 7/2023 và đến tháng 6/2024 mới hết hạn, nhưng Chương trình cho vay 15.000 tỉ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản đã hoàn thành giải ngân 100% mục tiêu của chương trình. Tốc độ này cho thấy nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp ngành lâm, thủy sản là rất lớn.

von-uu-dai-nong-lam-thuy-san-02-1713064726.jpg
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú: Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại nghiên cứu bổ sung, nâng quy mô gói tín dụng này thêm 15.000 tỉ đồng.

Trong cuộc họp về tăng trưởng tín dụng cuối tháng 2/2024, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại nghiên cứu bổ sung, nâng quy mô gói tín dụng này thêm 15.000 tỉ đồng để trở thành gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu lâm sản, thủy sản và đã nhận được sự đồng thuận của các ngân hàng thương mại.

Đến nay, các ngân hàng thương mại đã hoàn thành việc đăng ký nâng quy mô và tiếp tục giải ngân cho vay với doanh số lũy kế trên 17.500 tỉ đồng, đạt 58,3% tổng doanh số cam kết cho vay Chương trình (theo quy mô 30.000 tỉ đồng) với trên 6.500 lượt khách hàng vay vốn. Trong đó, doanh số cho vay đối với ngành hàng thủy sản đạt trên 13.000 tỉ đồng, đối với ngành hàng lâm sản đạt trên 4.450 tỉ đồng. Việc giải ngân cho vay tập trung phần lớn đối tượng khách hàng doanh nghiệp chiếm gần 83% tổng doanh số cho vay; khách hàng cá nhân, hộ gia đình chiếm 17%.

Việc triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản được đánh giá là một trong những giải pháp thiết thực, gỡ “nút thắt” tài chính cho các doanh nghiệp, giúp 2 ngành hàng vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, giữ vị trí nằm trong top 6 hàng/nhóm mặt hàng kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) khẳng định, những quyết sách kịp thời của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ rất lớn cho các nhóm ngành lâm, thuỷ sản. Ông Nguyễn Hoài Nam cũng đề xuất một số nội dung nhằm tạo thuận lợi hơn cho các DN, khi tiếp cận gói tín dụng này và thúc đẩy sản xuất kinh doanh hiệu quả.

“Chúng tôi mong muốn lãnh đạo 13 ngân hàng đã đăng ký tham gia có quán triệt mạnh mẽ tới toàn bộ các chi nhánh ngay từ khi tiếp nối triển khai. Gói 30.000 tỷ đồng có ý nghĩa rất lớn, đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến sâu rộng tới DN và các cơ sở sản xuất ở các địa phương. Các ngân hàng xem xét thêm việc “đơn giản và linh hoạt hơn” về các yêu cầu thủ tục, hồ sơ và điều kiện để các DN có thể tiếp cận vốn thuận lợi hơn”, ông Nam đề cập.

von-uu-dai-nong-lam-thuy-san-03-1713064762.jpg
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trịnh Đức Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ cho biết, những năm qua dù gặp nhiều khó khăn, song các doanh nghiệp nói chung và Kẻ Gỗ nói riêng đều nỗ lực để vượt qua những khó khăn.

"Tại Kẻ Gỗ, chúng tôi đã áp dụng nhiều chính sách để thích ứng với bối cảnh mới và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính sách đầu tiên là tiết giảm mọi chi phí vận hành, sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn phải đảm bảo phúc lợi xã hội cho người lao động. Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực sản xuất, tiếp thị vào các sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chủ động thay đổi chiến lược tiếp thị, tìm kiếm thị trường mới", ông Trịnh Đức kiên cho hay.

Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ cho biết thêm, từ năm 2024, doanh nghiệp tích cực tham gia các hội chợ quốc tế để tìm kiếm cơ hội kinh doanh, gần đây nhất là các hội chợ ở Thái Lan, Hoa Kỳ. Bên cạnh đó là các chuyến đi chào hàng trực tiếp tại Singapore, Nhật Bản và sắp tới sẽ là thị trường Úc, New Zealand.

Tuy nhiên, dù đã nỗ lực hết sức vì hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng doanh nghiệp như Công ty Kẻ Gỗ cũng rất mong các chính sách hỗ trợ kịp thời và thiết thực của Nhà nước trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

"Thời gian qua Nhà nước đã làm rất nhiều việc, đặc biệt là gói tín dụng 15.000 tỉ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Rất nhiều các doanh nghiệp lâm, thủy sản đã được hỗ trợ và đánh giá cao. Tuy nhiên, doanh nghiệp xin đề xuất ngành ngân hàng có thể nới thêm thời hạn các khoản vay, tăng tỉ lệ tín chấp và có cơ chế xét duyệt các khoản vay linh hoạt", ông Kiên đề xuất.

von-uu-dai-nong-lam-thuy-san-04-1713064663.jpg
Gói tín dụng 15.000 tỉ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản nhiều doanh nghiệp lâm, thủy sản đã được hỗ trợ và đánh giá cao. (Ảnh minh họa)

Tại hội thảo, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị, các ngân hàng tăng thêm hạn mức cho vay đối với DN, trên tinh thần tạo điều kiện cho DN. Các DN cũng chia sẻ với ngân hàng trước những nỗi lo về khả năng mất vốn,... để giải quyết vấn đề tài sản thế chấp.

Đối với đề xuất liên quan đến kéo dài thời hạn cho vay của DN, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, vấn đề này thuộc thẩm quyền của NHTM xác định dòng tiền, tài sản của DN để quyết định cho vay trên tinh thần thấu hiểu, hỗ trợ DN.

Ông Đào Minh Tú nhấn mạnh, thế mạnh của Việt Nam là đất nước nông nghiệp, thuận lợi cho việc nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản. Vì vậy, cần đẩy mạnh phát triển hơn nữa lĩnh vực này, phải phát huy thế mạnh, tăng cường tính cạnh tranh trên trường quốc tế.

“Nếu hết gói 30.000 tỷ, Ngân hàng Nhà nước cũng sẵn sàng đề xuất tăng lên gói 45.000 tỷ, thậm chí 50.000 tỷ đồng, nhằm tạo cú hích cho các DN lâm sản, thuỷ sản vượt qua những khó khăn. Các ngân hàng cũng cần quan tâm nhiều hơn nữa đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu thủy hải sản và lâm nghiệp. Đây là một lĩnh vực rất quan trọng của nền kinh tế, không phải chỉ giải quyết vấn đề xuất khẩu để có ngoại tệ, để có thương hiệu, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế,… đây còn là một lĩnh vực giải quyết vấn đề lao động rất lớn”, Phó Thống đốc khẳng định./.

Trọng Bình