Vai trò của quản lý, sử dụng năng lượng trong chuyển đổi ESC đối với doanh nghiệp

Với nguồn năng lượng hữu hạn sẵn có trên hành tinh, tiết kiệm năng lượng khi có thể sẽ có lợi cho doanh nghiệp và cho cả hệ thống năng lượng chung, đặc biệt là bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải khí CO2.
1-1713009732.jpg
Ông Trần Việt Hà - Phó trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HEPZA) phát biểu tại chương trình CafeTech.

Tiết kiệm năng lượng là thực hành sử dụng ít năng lượng hơn để giảm chi phí và giảm tác động đến môi trường. Điều này có nghĩa sử dụng ít điện, khí đốt hoặc bất kỳ dạng năng lượng nào khác nhận được từ công ty tiện ích tới doanh nghiệp tiêu thụ.

Ngày 12/4/2024, Hội Tự động hóa TP. Hồ Chí Minh (HAuA) đã phối hợp với Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HEPZA) cùng Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP. Hồ Chí Minh (HAMEE) tổ chức chương trình CafeTech với chủ đề: “Định hướng phát triển khu chế xuất Tân Thuận và vai trò quản lý năng lượng trong chuyển đổi ESG”.

Tại sao phải tiết kiệm năng lượng? Đây là câu hỏi được nhiều doanh nghiệp quan tâm, vì nó tiết kiệm tiền bạc, tăng giá trị tài sản và bảo vệ môi trường thông qua các biện pháp tiết kiệm năng lượng. Những lợi ích to lớn mà doanh nghiệp có thể đạt được từ việc tiết kiệm năng lượng, bất kể bằng cách thức nào đã rõ ràng. Đơn giản bằng cách sử dụng giới hạn hay có ý thức tiết kiệm năng lượng hơn, doanh nghiệp sẽ có tận hưởng được mọi thứ đặc quyền từ việc sử dụng năng lượng hiệu quả mang lại.

2-1713009774.jpg
PGS. TS. Lê Hoài Quốc - Chủ tịch Hội Tự động hóa TP. Hồ Chí Minh (HAuA) chia sẻ tại chương trình CafeTech.

Phát biểu tại chương trình CafeTech, ông Trần Việt Hà - Phó trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HEPZA) cho biết: “Liên quan đến việc chuyển đổi để phát triển bền vững thì bộ tiêu chí ESG - viết tắt của cụm từ Environmental - Social - Governence (Môi trường - Xã hội - Quản trị) đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm áp dụng để đo lường hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp. Chương trình CafeTech hôm nay nhằm mục đích để các doanh nghiệp có những chia sẻ, trao đổi thông tin liên quan đến một khía cạnh của bộ tiêu chí này đó là “quản lý năng lượng” để giảm thiều tối đa những tác động tiêu cực đến môi trường và đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp thông qua việc cắt giảm chi phí đầu vào của hoạt động sản xuất và gia tăng giá trị xã hội của hàng hóa”.

Hội nhập kinh tế quốc tế là một tất yếu khách quan trong bối cảnh toàn cầu hóa. Việt Nam đã xây dựng nền kinh tế mở, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng trong những năm qua. Nhưng thời gian tới để kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng, toàn diện với kinh tế khu vực và thế giới thì trong hoạt động xuất nhập khẩu phải tuân thủ Cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon của EU.

3-1713009811.jpg
Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP. Hồ Chí Minh (HAMEE) phát biểu tại chương trình CafeTech.

Với cam kết thực hiện mạnh mẽ thỏa thuận Paris 2015 và trước tình trạng biến đổi khí hậu tác động xấu đến môi trường toàn cầu, EU đã đưa ra biện pháp đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng công nghiệp trên thế giới phải có các biện pháp giảm phát khí thải khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU. Ngày 17/5/2023, Cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon của EU (CBAM) có hiệu lực, với mục tiêu chính là một số hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này phải trả thuế cho lượng khí thải CO2 tạo ra trong quá trình sản xuất mà vẫn phù hợp với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Từ đó, các nhà sản xuất ở các quốc gia ngoài EU phải có các biện pháp và trách nhiệm chung trong việc giảm thiểu khí thải, hoặc phải trả thuế khí thải trước khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU.

4-1713009845.jpg
Bà Tsai Ruei Ying - Giám đốc giải pháp DigiwinSoft chia sẻ tại chương trình CafeTech.

Như vậy, EU đã tạo ra sự công bằng và bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất trong khu vực đang phải trả mức thuế khí thải khá cao so với các doanh nghiệp sản xuất cùng mặt hàng ở các quốc gia khác đang trả mức thuế thấp hơn và cùng các quốc gia trên thế giới giải quyết tính cấp thiết giữa giảm lượng khí thải CO2 nhưng vẫn bảo đảm và duy trì tăng trưởng kinh tế. Sau Cơ chế điều chỉnh biên giới CO2 của EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng sẽ áp dụng cơ chế tương tự để thu thuế khí CO2 đối với hàng nhập khẩu.

“Việc các nước phát triển thực hiện cơ chế điều chỉnh biên giới CO2 sẽ tác động rất lớn đến các doanh nghiệp của Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế. Với những doanh nghiệp sản xuất xả thải khí CO2 lớn hơn định mức cho phép thì buộc phải thay đổi nhiên liệu, công nghệ để giảm phát khí thải ra môi trường”, bà Tsai Ruei Ying - Giám đốc giải pháp DigiwinSoft chia sẻ.

5-1713009878.jpg
Ông Hoàng Danh Tùng - Cố vấn cao cấp DigiwinSoft chia sẻ tại chương trình CafeTech.

Hiện nay, thách thức lớn nhất là Việt Nam là chưa xây dựng cơ chế định giá CO2 rõ ràng nên doanh nghiệp sản xuất khó xác định phải trả thuế, phí bao nhiêu tiền mỗi tấn khí CO2. Việc xác định thuế, phí khí thải sẽ phải tính đủ thuế, phí khí CO2 trực tiếp và gián tiếp.

Ông Hoàng Danh Tùng - Cố vấn cao cấp DigiwinSoft chia sẻ: “ESG và chuyển đổi số không chỉ song hành, mà còn tương hỗ và tạo ra giá trị bền vững cho doanh nghiệp. Do đó, để kiểm soát phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu phát triển bền vững thì các doanh nghiệp cần phải thiết lập kế hoạch giảm phát thải theo mốc thời gian cụ thể tiến tới trung hoà thông qua tính toán lượng phát thải trên đơn vị sản phẩm, tối ưu hóa quy trình sản xuất, máy móc và sử dụng năng lượng tái tạo”.

6-1713009916.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Chánh - Giám đốc Camelia Co., Ltd chia sẻ tại chương trình CafeTech.

Không chỉ EU xây dựng và thực hiện cơ chế CBAM, các quốc gia như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng sẽ xây dựng các cơ chế tương tự để bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất bất kỳ khu vực địa lý nào cũng phải trả thuế, phí khí thải như nhau để tạo sự công bằng giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước và ở nước ngoài. Việc định giá CO2 của EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản rất công bằng, rõ ràng, minh bạch với các tiêu chuẩn cao để mang lại hiệu quả là buộc các doanh nghiệp sản xuất giảm mức xả khí thải ra môi trường.

Dưới góc độ lãnh đạo một doanh nghiệp công nghệ, ông Nguyễn Ngọc Chánh - Giám đốc Camelia Co., Ltd cho biết: “Quản lý năng lượng là giám sát, kiểm soát và tối ưu hóa việc tiêu thụ năng lượng của doanh nghiệp một cách chủ động và có hệ thống, nhằm tiết kiệm năng lượng sử dụng và cắt giảm chi phí. Để tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí CO2, doanh nghiệp cần phải cải tiến phương pháp vận hành trước, cải thiện thiết bị phần cứng sau. Trong phương thức nâng cao hiệu quả năng lượng thì tiết kiệm năng lượng thông qua hệ số năng lượng bằng việc đầu tư cải tiến kỹ thuật, thay đổi công nghệ sản xuất có tính chất quyết định”.

7-1713009960.jpg
Chương trình CafeTech với chủ đề “Định hướng phát triển khu chế xuất Tân Thuận và vai trò của quản lý năng lượng trong việc chuyển đổi ESG” đã giúp doanh nghiệp nhận thức rõ hơn trong việc tìm kiếm các giải pháp công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm thiểu tác động đến môi trường và phát triển bền vững trong tương lai gần.

PGS. TS. Lê Hoài Quốc - Chủ tịch Hội Tự động hóa TP. Hồ Chí Minh (HAuA) chia sẻ: “Hiện nay, phát triển bền vững đã được nhận thức trên phạm vi toàn cầu. Trước xu thế chung đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã có chương trình phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất và sử dụng nhiều năng lượng có công nghệ tiên tiến, trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao hướng đến một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Chính vì vậy, rất cần thiết phải thúc đẩy nhanh quá trình này và có những công cụ phù hợp để giúp các doanh nghiệp đánh giá mức độ phát thải CO2 và mức tiêu thụ năng lượng, từ đó có lộ trình trình thích hợp để chuyển đổi theo mục tiêu đã đặt ra”.

Có thể nói, việc doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm hướng đến mục tiêu tiết kiện năng lượng, giảm phát thải khí CO2 và phát triển bền vững mang tính cấp thiết hơn bao giờ hết. Do đó, chương trình CafeTech với chủ đề “Định hướng phát triển khu chế xuất Tân Thuận và vai trò của quản lý năng lượng trong việc chuyển đổi ESG” đã giúp doanh nghiệp nhận thức rõ hơn trong việc tìm kiếm các giải pháp công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm thiểu tác động đến môi trường và phát triển bền vững trong tương lai gần./.

Đạm Quang Lê