Trên đây là một trong những nội dung được thảo luận tại “Hội thảo Doanh nghiệp về Chuyển đổi Xanh, Tài chính Xanh hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng '0' vào năm 2050”.
Doanh nghiệp chuyển đổi xanh để gia tăng sức cạnh tranh
Hội thảo do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VBCSD-VCCI) phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tổ chức vào ngày 11/4. Hội thảo diễn ra trong bối cảnh các thị trường lớn quốc tế đã áp dụng các cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới trong quá trình sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu.
Do đó, nếu các doanh nghiệp không triển khai việc giảm hàm lượng carbon trên một đơn vị sản phẩm, năng lực cạnh tranh của hàng hóa của Việt Nam sẽ sụt giảm đáng kể.
Nhấn mạnh “chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững đã không còn là một ‘chiếc áo thời trang’ để làm đẹp cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của VCCI, khẳng định phát triển bền vững là điều kiện cần và đủ để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng chống chịu và có thể đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày một quan tâm hơn đến các vấn đề môi trường, xã hội, quản trị bền vững.
Theo khảo sát của VCCI thực hiện trên 10.000 doanh nghiệp trong nước, 56% doanh nghiệp cho biết đã nhận thấy cơ hội từ biến đổi khí hậu. Trong đó, khoảng 30% nhận định đã đến lúc tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất và 17% cho rằng đây là cơ hội để tạo ra sản phẩm và dịch vụ công nghệ mới đồng thời phát triển thêm thị trường cho sản phẩm đang có.
Trên thực tế, một số doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia thực hiện mục tiêu phát thải bằng “0.” Các doanh nghiệp này bước đầu đã bắt kịp với các yêu cầu quốc tế về giảm phát thải cũng như sẵn sàng thực hiện chính sách của Chính phủ về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trên cơ sở đó, ông Huy cũng chia sẻ một trong những ưu tiên hành động của VBCSD-VCCI trong thời gian tới là xây dựng và vận hành các nhóm công tác về Chuyển đổi Xanh, ESG (Môi trường-Xã hội-Quản trị) và Tài chính Xanh. Từ đó, nhân rộng mạnh mẽ hơn các mô hình kinh doanh bền vững và đóng góp thêm các kiến nghị chính sách nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ cho phát triển bền vững doanh nghiệp.
Về phía nhà quản lý, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó cục trưởng, Cục Biến đổi khí hậu - Bộ Tài Nguyên và Môi trường, cho rằng cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò là chủ thể quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội để phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững, tạo ra nguồn lực góp phần giảm phát thải nhà kính, thúc đẩy Tăng trưởng Xanh tại Việt Nam.
Theo ông Quang, các doanh nghiệp biết tận dụng các cơ hội từ biến đổi khí hậu sẽ tiếp nhận được các các mô hình kinh tế, tài chính mới đồng thời có cơ hội tham gia vào thị trường carbon. Tiếp đó là phát triển thị trường và điểm then chốt nhất là sự đổi mới về công nghệ, phát triển sản xuất, kinh doanh phát thải thấp để tăng sức cạnh tranh, tạo lợi nhuận bền vững.
“Ngoài ra, doanh nghiệp có thể đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển, huy động nguồn vốn và công nghệ từ các quỹ đầu tư, định chế tài chính để phát triển theo hướng xanh, bền vững và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, khí hậu,” ông Quang nói.
Mở rộng đầu tư, tài trợ các khoản vay xanh
Ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ozone (Cục biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường), chỉ ra một số thách thức đối với doanh nghiệp. Trong đó, tư duy hệ thống về chính sách, pháp luật và thực tiễn sản xuất, kinh doanh chưa đồng bộ, hiệu quả.
Thêm vào đó, tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật còn yếu và yếu tố “môi trường” - chưa là trung tâm của các quyết định phát triển. Đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn lấy mục tiêu ngắn hạn về lợi nhuận mà chưa cân nhắc đến các lợi ích lâu dài, bền vững.
“Đặc biệt, nguồn lực dành cho thực hiện việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn đòi hỏi rất lớn nhưng thực tiễn doanh nghiệp lại chưa đáp ứng yêu cầu. Nguyên do là nhận thức, kiến thức về các quy định, yêu cầu kỹ thuật về kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải còn hạn chế,” ông Huy nói.
Bên cạnh đó, ông Fukuda Koji, Cố vấn trưởng, Dự án “Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định tại Việt Nam của JICA (SPI-NDC) nhấn mạnh hơn đến vai trò và nỗ lực của các tổ chức tài chính nhằm mở rộng danh mục Đầu tư Xanh và giảm phát thải khí nhà kính đối với các khoản đầu tư/tài trợ vốn, ở cả quy mô toàn cầu và trong nước.
Chia sẻ về cách tiếp cận chiến lược của các tổ chức này nhằm đạt được sự bền vững và tài chính chuyển đổi tại Việt Nam, ông Fukuda Koji cho biết thêm các tổ chức này đang cung cấp các Khoản vay Xanh. Hiện, tỷ lệ dư nợ Tín dụng Xanh so với tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại (tính đến tháng 9/2023) đạt khoảng 3%-10%.
Do đó, Fukuda Koji khuyến nghị các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao nhận thức ESG và bền vững, để nâng cao năng lực sẵn sàng đón nhận cơ hội vốn Đầu tư Xanh.
Bày tỏ sự ấn tượng với những nỗ lực thực tế của cộng đồng doanh nghiệp và tài chính được chia sẻ tại diễn đàn, ông Naoki Ikenoya, đại diện Văn phòng JICA Việt Nam khẳng định, JICA sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ cũng như khu vực tư nhân để tăng cường hiệu quả hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam.
Diễn đàn đã kết thúc thành công với việc tái khẳng định giá trị chiến lược của các hành động về khí hậu như một nguồn năng lực cạnh tranh quốc gia trong ngành công nghiệp xanh mới nổi, cũng như giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh chuyển dịch tới phát thải ròng bằng “0” tại Việt Nam./.