Chính phủ đã xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là giải pháp quan trọng để doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, cắt giảm chi phí, thích ứng với bối cảnh mới của nền kinh tế số.
Theo kết quả khảo sát "Thực trạng chuyển đổi số trong doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện năm 2020, khảo sát trên 400 doanh nghiệp, cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu nhận thức và ứng dụng các công nghệ số vào các khâu, như quản trị nội bộ, mua hàng, logistics, sản xuất, marketing, bán hàng và thanh toán.
Khi đại dịch COVID-19 lan rộng, dẫn tới những hạn chế tiếp xúc và việc phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đã buộc các doanh nghiệp phải ứng dụng nhiều hơn các công nghệ số trong hoạt động của mình, nhất là trong quản trị nội bộ, thanh toán điện tử, marketing trực tuyến. Trong một thời gian ngắn, tỉ lệ các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ số tăng nhanh so với trước đây, cụ thể như trong việc quản lý nhân sự từ xa, hội nghị trực tuyến, học trực tuyến, phê duyệt nội bộ…
Trong lĩnh vực quản trị nội bộ, điện toán đám mây là công cụ kỹ thuật được nhiều doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nhất, với 60,6%, tăng 19,5% so với thời điểm trước đại dịch COVID-19. Tiếp theo là hệ thống hội nghị trực tuyến, hệ thống quản lý công việc và quy trình với xấp xỉ 30% số doanh nghiệp đã ứng dụng các công cụ này trước khi có đại dịch COVID-19 và xấp xỉ 19% số doanh nghiệp đã bắt đầu sử dụng các công cụ này từ khi có dịch bệnh.
Đồng thời, khảo sát trên cho thấy kỳ vọng lớn của đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam đối với quá trình chuyển đổi số. Có tới 98% số doanh nghiệp kỳ vọng có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khi thực hiện chuyển đổi số, trong đó lớn nhất là khả năng giúp giảm chi phí (chiếm tỉ lệ hơn 71%), giúp doanh nghiệp hạn chế giấy tờ (61,4%) đưa thêm giá trị gia tăng vào trong sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ (45,3%).
Có một sự khác biệt rõ ràng giữa thực tế chuyển đổi số cũng như sự kỳ vọng về hiệu quả của chuyển đổi số giữa các doanh nghiệp có quy mô lớn so với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, các doanh nghiệp quy mô lớn chuyển đổi nhanh cũng như tin tưởng hơn đối với chuyển đổi số.
Hiện nay ở Việt Nam, chuyển đổi số đã diễn ra hầu hết các loại hình doanh nghiệp và ở nhiều mức độ khác nhau. Đơn cử như THACO AUTO Chu Lai đã đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số theo lộ trình nhanh và phù hợp; triển khai các giải pháp tích hợp công nghệ thông tin nhằm thay đổi phương thức điều hành, quản trị, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới phát triển sản xuất thông minh.
Chuyển đổi số toàn diện
Từ ví dụ trường hợp THACO AUTO Chu Lai co thể thấy xác định đổi mới công nghệ, chuyển đổi số là "chìa khóa" giúp gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới. THACO AUTO Chu Lai đã thực hiện nhiều giải pháp công nghệ, xây dựng hạ tầng số, tạo môi trường số hóa với mục tiêu kiểm soát hiệu quả và xuyên suốt chuỗi giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn quản trị toàn cầu của các thương hiệu quốc tế.
Nổi bật là hệ thống quản trị sản xuất tối ưu thông qua ứng dụng công nghệ số, được tích hợp từ phần mềm Bravo, phần mềm quản trị DDMS, chữ ký số, dữ liệu thiết bị kiểm tra và Barcode, RFID. Hệ thống giúp kiểm soát toàn chuỗi giá trị từ quản lý vật tư, linh kiện đến tiến độ sản xuất, chất lượng sản phẩm và giao xe. Đồng thời cho phép số hóa toàn bộ hồ sơ liên quan đến quy trình sản xuất (bao gồm bản vẽ kỹ thuật, báo cáo kiểm tra, thông số kỹ thuật) và quy trình làm việc, giúp dễ dàng truy vết các thông tin linh kiện CKD lắp ráp từng xe, lịch sử sản xuất xe theo thời gian thực. Qua đó, tăng tính chủ động, linh hoạt trong quản lý, điều hành ở các công ty, nhà máy, giảm thiểu lãng phí, nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng kịp thời yêu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, THACO AUTO Chu Lai đã phát triển và đưa vào ứng dụng hệ thống văn phòng điện tử eOffice, được tích hợp đầy đủ các tính năng phục vụ công tác điều hành, tác nghiệp. Tất cả hồ sơ, báo cáo được khởi tạo, xử lý và lưu trữ tập trung trên nền tảng số hóa. Đặc biệt, eOffice tích hợp tính năng chữ ký số, giúp thuận tiện và tiết kiệm thời gian trình duyệt, đảm bảo tuân thủ theo quy định, quy trình. Song song đó, hệ thống cũng tập trung khai thác, phân tích thông tin từ mọi hoạt động của các công ty, nhà máy để tạo lập báo cáo dữ liệu thông minh một cách nhanh chóng, kịp thời, phục vụ quá trình làm việc, ra quyết định của Ban lãnh đạo và nâng cao hiệu quả công việc của các công ty, nhà máy.
Phát triển sản xuất thông minh và bền vững
Với mục tiêu chuyển đổi số từ hoạt động sản xuất kinh doanh đến công tác quản trị, THACO AUTO Chu Lai đã từng bước hình thành dây chuyền sản xuất thông minh, quản trị thông minh xuyên suốt chuỗi giá trị từ đặt hàng, sản xuất đến phân phối, đáp ứng việc sản xuất hàng loạt theo yêu cầu riêng biệt của khách hàng, nâng cao tỉ lệ tự động hóa tại các nhà máy.
Hiện nay, THACO AUTO Chu Lai chú trọng ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất như: Hàn điểm bằng robot, CMM đo chất lượng mối hàn, sơn nhúng tĩnh điện ED, sơn màu wet on wet, bơm keo kính chắn gió bằng robot, công nghệ lắp ráp gầm xe và hệ thống truyền động tiên tiến… Đồng thời triển khai giải pháp IoT, ALC/SCADA để giám sát các thông số kỹ thuật và hiệu suất của dây chuyền, thiết bị của xưởng hàn, sơn, lắp ráp và dây chuyền kiểm định nhằm đảm bảo hiệu quả, vận hành liên tục, kiểm soát chất lượng trên từng công đoạn.
Nhằm xây dựng mô hình sản xuất tích hợp (Mix production) thông minh, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, thời gian tới, THACO AUTO Chu Lai tiếp tục nâng cấp và đẩy mạnh chuyển đổi số, đưa vào vận hành hệ thống điều hành sản xuất MES cho các công ty, nhà máy. Thông qua hệ thống, tất cả các hoạt động vận hành sản xuất, tình trạng máy móc, thiết bị, các nguồn lực, thông tin về sản phẩm được quản lý tập trung, điều phối nhịp nhàng và hiệu quả. Đồng thời, trên cơ sở nền tảng quản trị MES, THACO AUTO Chu Lai từng bước tích hợp các hệ thống tự động hoá PLM (Product Lifecycle Management - quản lý vòng đời sản phẩm) và ERP (Enterprise Resource Planning) giúp hoạch định nguồn lực, khai thác tối ưu hiệu suất trên toàn chuỗi giá trị, hướng đến phát triển sản xuất thông minh và bền vững.