Đắk Nông nỗ lực “tiếp sức” để sản phẩm OCOP phát triển bền vững

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song chương trình OCOP ở Đắk Nông vẫn tồn tại nhiều mặt hạn chế nhất định. Giá trị kinh tế các sản phẩm OCOP cũng như khả năng tiêu thụ chưa cao như kỳ vọng của địa phương.

Về mặt tổng thể, Đắk Nông đã từng bước đạt được mục tiêu của Chương trình OCOP. Trong đó, việc phát triển sản phẩm để khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân là những mặt được đánh giá cao. Có thể nói OCOP đã góp phần đẩy nhanh tốc độ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn. Đồng thời, chương trình còn thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.

mot-cua-hang-gioi-thieu-trung-bay-va-ban-san-pham-ocop-tai-tp-gia-nghia-1715713500.jpg
Một cửa hàng giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại TP. Gia Nghĩa.

Bên cạnh những mặt đạt được, Chương trình OCOP của Đắk Nông vẫn còn một số mặt hạn chế cần được khắc phục bởi các cấp, ngành, đoàn thể cũng như các chủ thể sản phẩm. Tiêu biểu nhất là vấn đề một số sản phẩm chưa thực sự phát triển bền vững, thị trường tiêu thụ chưa đủ mạnh. Ngoài ra, việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm OCOP tại một số địa phương cũng chưa đạt hiệu quả và thiếu bền vững.

Theo thống kê, đến tháng 5/2024, Đắk Nông đã có 96 sản phẩm OCOP của 78 chủ thể. Trong đó, có 18 sản phẩm OCOP 4 sao, 78 sản phẩm OCOP 3 sao. Đặc biệt, tỉnh đang làm thủ tục đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận 2 sản phẩm hạng 5 sao. Tuy nhiên, vẫn còn không ít chủ thể OCOP thiếu sự đầu tư, nâng cấp sản phẩm sau khi được công nhận. Sản phẩm OCOP của Đắk Nông phần lớn vẫn nằm ở quy mô nhỏ lẻ, bao bì - mẫu mã còn đơn giản, chưa thu hút người tiêu dùng. 

theo-thong-ke-den-thang-05-2024-dak-nong-da-co-78-chu-the-voi-96-san-pham-ocop-1715713446.jpg
Theo thống kê đến tháng 05-2024, Đắk Nông đã có 78 chủ thể với 96 sản phẩm OCOP

Ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho rằng một trong những nguyên nhân sâu xa của những hạn chế nêu trên là người dân, doanh nghiệp, cộng đồng và chính quyền chưa thực sự lấy sản phẩm OCOP làm niềm tự hào. Ông Lê Trọng Yên nhấn mạnh: "Các giá trị, niềm tự hào về sản phẩm OCOP cần gắn với cả quá trình xây dựng và hoàn thiện sản phẩm. Nó mang tính thực chất chứ không chỉ dừng ở lời nói".

Cũng theo ông Lê Trọng Yên, sản phẩm OCOP Đắk Nông là của cộng đồng, của người dân, của cán bộ, công chức, doanh nghiệp bởi đặc trưng của nó gắn liền với các giá trị của làng, xã, cộng đồng. Ông khẳng định: "Mỗi một sản phẩm OCOP đều mang lại những giá trị lớn. Những giá trị này không chỉ đơn thuần về mặt kinh tế mà còn là bản sắc, niềm tự hào của Đắk Nông".

quyt-duong-duoc-trong-tren-vung-dat-phun-trao-cua-nui-lua-nam-ka-cua-htx-san-xuat-nong-lam-nghiep-huu-co-quang-phu-huyen-krong-no-1715713533.jpg
Quýt đường được trồng trên vùng đất phun trào của núi lửa Nâm Ka của HTX sản xuất nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú (huyện Krông Nô)

Dẫn từ ý trên, ông Yên nêu ví dụ về các sản phẩm OCOP được canh tác, sản xuất trên cao nguyên M’nông, vùng đất bazan; thuộc công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông; truyền thống văn hóa của 40 dân tộc cùng sinh sống… Đó còn là kết tinh của truyền thống và văn hóa của mỗi vùng miền nông thôn.

“Làm sao để mỗi người dân đi đâu cũng có thể mang sản phẩm OCOP ra giới thiệu, quảng bá với bạn bè, khách hàng” - ông Yên đặt vấn đề.

Tại Hội nghị triển khai Chương trình Nông thôn mới năm 2023, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng còn khá nhiều chủ thể OCOP vẫn chưa thật sự nhìn ra được tầm quan trọng của việc chăm chút cho "đứa con" của mình, từ chất lượng bên trong đến mẫu mã, bao bì và nhãn hiệu bên ngoài.

“Thiếu các yếu tố trên, sản phẩm OCOP chưa nêu bật được giá trị của mình nên cũng chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ” - Bộ trưởng khẳng định.

ong-le-trong-yen-pho-chu-tich-ubnd-tinh-dak-nong-mac-vest-san-pham-ocop-khong-chi-la-kinh-te-ma-con-la-ban-sac-niem-tu-hao-cua-dak-nong-1715713409.jpg
Ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông (mặc vest) Sản phẩm OCOP không chỉ là kinh tế mà còn là bản sắc, niềm tự hào của Đắk Nông.

Qua đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh các địa phương cần thường xuyên tổ chức các chương trình như: Kết nối giao thương, Kết nối cung cầu hay hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm OCOP… để tìm kiếm đối tác cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

“Vai trò và vị trí của OCOP đối với kinh tế nông thôn đã có nhiều thay đổi nên các cấp  ngành cũng cần phải có nhận thức mới cho phù hợp. Ngoài sản xuất thì công tác xúc tiến thương mại, tăng cường hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP là điều rất cần thiết vào thời điểm này” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ./.

Kiến Giang