Tăng trưởng xanh – Chìa khóa của phát triển bền vững
Lựa chọn không đánh đổi môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, thời gian qua, Vĩnh Phúc luôn ưu tiên thu hút các dự án đầu tư có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sạch hơn nhằm giảm thiểu ô nhiễm, xây dựng môi trường xanh, nâng cao và duy trì chỉ số xanh, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 16 khu công nghiệp (KCN) được thành lập, trong đó có 9 KCN đã đi vào hoạt động, bao gồm: KCN Khai Quang (221,46 ha); KCN Bình Xuyên (286,98 ha); KCN Kim Hoa (50 ha); KCN Bá Thiện (325,75 ha); KCN Bình Xuyên II - giai đoạn 1 (42,21 ha); KCN Bá Thiện II (308,83 ha); KCN Tam Dương II - khu A (135,17 ha); KCN Sơn Lôi (257,35 ha); KCN Thăng Long Vĩnh Phúc (213 ha). Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trước mắt, đến năm 2030, Vĩnh Phúc sẽ phát triển lên 24 KCN, quy mô 7.000 ha.
Những năm qua, cùng với chính sách đầu tư thông thoáng, cơ sở hạ tầng hiện đại và nguồn nhân lực dồi dào, Vĩnh Phúc đã bứt phá ngoạn mục, nổi lên như một “điểm sáng” trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp ở khu vực miền Bắc, trở thành bến đỗ của những “cánh chim đại bàng” và ghi tên mình vào danh sách các tỉnh, thành phố đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước. Đến nay, toàn tỉnh có 493 dự án FDI đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 8,3 tỷ USD và 841 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 142 nghìn tỷ đồng.
Với 9 KCN đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 140 nghìn lao động, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thu ngân sách Nhà nước của tỉnh luôn thuộc nhóm dẫn đầu cả nước, từ năm 2004 đã tự cân đối được chi ngân sách và đóng góp điều tiết về ngân sách Trung ương.Xác định rõ tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp tại các KCN trên địa bàn tỉnh, thu hút các doanh nghiệp đầu tư bền vững, cũng như tạo môi trường làm việc thân thiện với thiên nhiên cho người lao động, chủ đầu tư các KCN đã chỉnh trang, trồng nhiều cây xanh tại các đường đi nội bộ trong khuôn viên KCN, áp dụng mỗi công ty dành tối thiểu 10% diện tích cho hệ thống cây xanh, mặt nước và đường giao thông.
Từ đó, các chủ đầu tư, doanh nghiệp cũng xác định rõ tầm quan trọng của việc xây dựng “lá phổi xanh” tại các KCN, góp phần tạo mảng xanh trong khuôn viên, bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe cho người lao động cũng như cộng đồng cư dân sinh sống xung quanh.
Tại KCN Thăng Long Vĩnh Phúc, chủ đầu tư - Tập đoàn Sumitomo đã tập trung đầu tư hệ thống cây xanh, thảm cỏ và các loại cây cảnh. Với kỳ vọng tạo ra vòng tuần hoàn “lá phổi xanh”, giảm cảm giác nặng nề, bức bối giữa không gian nhà xưởng, cũng như giảm căng thẳng sau những giờ làm việc tại KCN của người lao động. Công ty đã dành 20% diện tích toàn khu cho hệ thống cây xanh, mặt nước và đường giao thông.
Khuôn viên KCN hiện đang trồng nhiều loại cây xanh có tán rộng, tạo cảnh quan và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, trong các tuyến đường nội khu, Công ty cũng đầu tư xây dựng 3 tuyến kênh với tổng chiều dài 3,6km, không chỉ là nơi tiêu thoát nước mưa, chống ngập úng mà còn là nơi trữ nước tưới cây, cân bằng môi trường sinh thái. Chính sự thân thiện với môi trường là một trong những yếu tố quan trọng giúp KCN Thăng Long Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư Nhật Bản và các tập đoàn lớn trên thế giới
Theo Ban Quản lý các KCN, thời gian qua, tỉnh đã thành công trong việc mời gọi nhiều nhà đầu tư chiến lược, các dự án lớn sở hữu công nghệ cao, hướng tới phát triển bền vững. Thành quả này là nhờ tỉnh đã ban hành và triển khai đồng bộ các chính sách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt với những thách thức liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu, như thiếu nhà máy xử lý rác thải, nước thải; một số lượng lớn các dự án sản xuất nhỏ lẻ được triển khai bên ngoài các KCN và cụm công nghiệp, tập trung vào các ngành nghề sản xuất nguyên liệu thô như thép, sắt, vật liệu xây dựng.
Mới đây, Vĩnh Phúc đã thu hút thành công và trao Giấy chứng nhận đầu tư hạ tầng KCN Phúc Yên cho hai nhà đầu tư là Công ty Cổ phần SHINEC và Công ty Cổ phần KCN và Dịch vụ Quốc tế Vĩnh Phúc với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, tổng diện tích hơn 111 ha nằm trên địa bàn phường Phúc Thắng và phường Nam Viêm, thành phố Phúc Yên. Thời hạn thực hiện dự án là 50 năm. Theo tiến độ đã cam kết của nhà đầu tư, dự kiến từ quý II/2025 đến quý I/2027 nhà đầu tư sẽ hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng và đưa vào vận hành từ quý II/2027.
Khi hoàn thành, KCN Phúc Yên sẽ có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; ưu tiên thu hút đầu tư các dự án trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, máy móc thiết bị y tế, thiết bị điện có công nghệ hiện đại,… Quỹ đất cây xanh, công viên của KCN được tối ưu hóa, hạn chế tối đa tác động đến môi trường.
Ưu tiên thu hút các dự án xanh, thân thiện môi trường
Hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, góp phần nâng cao chỉ số xanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh Vĩnh Phúc luôn nhất quán quan điểm không thu hút đầu tư đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tỉnh Vĩnh Phúc Đang tập trung triển khai các nhóm giải pháp gồm tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao tư duy, ý thức của cộng đồng doanh nghiệp trong công tác sản xuất xanh, thân thiện với môi trường.
Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận và thụ hưởng các chương trình, chính sách, dịch vụ hỗ trợ của địa phương trong bảo vệ môi trường, thực hành xanh. Đa dạng nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi phương thức sản xuất sang hướng an toàn, tiết kiệm, ít gây ô nhiễm môi trường, nhất là ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi sang sản xuất xanh.
Cùng với đó, phát huy tốt vai trò nêu gương, nâng cao nhận thức, hành động của người đứng đầu các cấp chính quyền trong thúc đẩy thực hành xanh; thực hiện nhất quán quan điểm không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế; ưu tiên lựa chọn các dự án xanh, ít tác động xấu đến môi trường, giảm thiểu biến đổi khí hậu. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhất là các dự án trọng điểm có nguồn phát thải lớn.
Việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các giải pháp môi trường và phát triển các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến bảo vệ môi trường sẽ đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của tỉnh vĩnh phúc. Các khu công nghiệp xanh sẽ góp phần cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển bền vững./