Trong chuyến xuất hành đầu Xuân Giáp Thìn 2024 cùng gia đình, một cách tình cờ chúng tôi được đến khu Mớ Đá, thị trấn Bo, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Ngoài việc được ngâm mình thư giãn trong dòng nước khoáng trong lành, ấm áp và tận hưởng bầu không khí vẫn còn tươi mới của mùa Xuân, chúng tôi còn được thưởng thức món cơm lam do người dân nơi đây làm với hương vị, màu sắc vô cùng đặc sắc.
Cơm lam là món ăn đã có từ lâu đời của người dân tộc Mường
Được biết, cơm lam đã xuất hiện từ bao đời nay trong sinh hoạt của người dân tộc Mường ở huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Thời xưa người dân thường đi rừng, đi nương từ sáng sớm để tìm thức ăn, có lúc còn phải ngủ lại trong rừng. Từ đó, người dân đã sáng tạo ra việc sử dụng ống tre, ống nứa cho gạo vào trong để nướng trên lửa nấu chín thành cơm gọi là cơm lam. Sau này, món ăn trở thành phổ biến và được người Mường ưa thích.
Các bước chuẩn bị làm món cơm lam
Làm cơm lam được người dân chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, từ việc chọn lựa nguyên liệu để làm. Đầu tiên là chọn lựa ống tre, ông nứa phải tươi, không quá già, cũng không quá non, không quá dày cũng không quá mỏng. Vì nếu quá dày nấu sẽ lâu, lúc tước vỏ sẽ mất nhiều công hơn, còn nếu quá mỏng sẽ dễ bị cháy vào gạo, khó tước vỏ ngoài. Ông tre, nứa tươi giúp lửa không dễ bén vào gạo, chất nhựa trong vỏ sẽ ngấm vào cơm làm cho cơm có vị ngọt và mùi vị tự nhiên.
Gạo cơm lam làm bằng gạo nếp nương, thường là gạo loại 2 vì nếp loại 1 quá dẻo, khó làm; gạo được ngâm qua đêm, sau đó cho vào ống tre, nhồi chặt tương đối và dùng lõi ngô bịt kín và cho vào lò nướng. Nấu cơm lam bằng củi, cần phải điều chỉnh ngọn lửa cho đều, xoay ống cơm lam để không bị cháy, hạt gạo chín đều, dẻo, thơm ngon. Cơm lam thường được nướng trong khoảng 2 giờ. Khi các ống cơm lam khô nước, mùi thơm tỏa ra sẽ giảm lửa, để than giữ nóng. Cơm lam sau khi chín để nguội 10-15 phút, rồi dùng dao róc vỏ ngoài, phải làm khéo không cắt sát vào cơm bên trong sẽ làm mất lớp màng của cây tre, nứa vì đây là thành phần quan trọng tạo nên hương vị đặc sắc của cơm lam.
Hiện nay, người dân còn sáng tạo ra cách ướp hương vị thiên nhiên làm cơm lam ngũ sắc lạ và đẹp mắt. Cơm lam là món ăn dân dã, nhưng chấm với muối vừng ngon và bùi ngậy hấp dẫn vị giác.
Ngày nay, cơm lam đã trở thành sản phẩm hàng hoá cung cấp tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, đem lại thu nhập cho người dân địa phương. Tại các địa phương cũng đã hình thành tổ hợp sản xuất cơm lam vừa để trao đổi những kinh nghiệm làm cơm lam, vừa để phục vụ du khách gần xa. Có thể nói, cơm lam không chỉ làm phong phú ẩm thực của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh mà nó còn góp phần quảng bá văn hóa Mường Hòa Bình tới du khách khi đến thăm quan du lịch./.