Bài học từ những người con hiếu nghĩa
Từ ngàn xưa, chữ Hiếu luôn được coi trọng và đứng đầu trong tất cả những đức hạnh của con người. Người có hiếu luôn được xã hội biểu dương, nể trọng và là tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Rất nhiều câu chuyện lịch sử cũng cho thấy, người con làm tròn đạo Hiếu có thể cảm động đất trời. Đạo làm con biết lấy hiếu nghĩa làm đầu - ấy là điều đáng kính.
Đã có không ít câu chuyện về những người con có tấm lòng chí hiếu. Còn nhớ, Chử Đồng Tử vì thương cha, không nỡ để cha mình trần khi khâm liệm mà sẵn sàng nhường cho cha chiếc khố duy nhất.
Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi vì một lòng muốn báo đáp ơn cha, quay về quê nhà theo nghĩa quân Lam Sơn nếm mật nằm gai, quyết chí nỗ lực thành tài để trở thành người con trung hiếu của gia đình, tổ quốc.
Vua Tự Đức vì để mẹ già lo lắng mà sẵn sàng tạ tội, dâng roi: “Trình lệnh mẹ, con bất hiếu để mẹ già lo lắng, vừa về đến hoàng cung con xin vào hầu mẹ để mẹ trị tội bất hiếu! Trình lệnh mẹ, ngày mai là ngày giỗ kị tiên vương, con mải mê săn bắn ở rừng thuận trực trên đường về lại gặp phải mưa to gió lớn thuyền ngược nước nên con không về đúng như lời mẹ dạy. Con có lỗi xin mẹ hãy phạt roi rồi tha thứ cho con, mẹ đừng giận kẻo kẻo hao mòn ngọc thể”. Những lời lẽ thiết tha ân cần của bậc quân vương ấy đã chạm đến trái tim biết bao người được sinh ra trên cõi đời này. Điều đó cho thấy nhiều người dù thành công đến đâu hay có chức vị cao đến mấy nhưng trong gia đình vẫn là một người con, không quên gốc gác, công lao sinh thành của cha mẹ. Từ người có ngôi vị cao bậc nhất thiên hạ như vua Tự Đức cho tới người sinh ra trong cảnh nghèo khó như Chử Đông Tử… Họ đều luôn mọtongf kính trọng và tìm cách báo đáp công ơn dưỡng dục sinh thành.
Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu
Cuộc sống hiện tại đã có không ít câu chuyện đau lòng về những đứa con bất hiếu. Vì không được cha mẹ đáp ứng những nhu cầu vô lý, nhiều đứa con sẵn sàng cãi lộn, gây gổ hoặc thậm chí đe doạ cả mẹ cha. Tìm đủ mọi yêu sách để bắt buộc người sinh thành ra mình phải miễn cưỡng thực hiện những điều không mong muốn. Nhiều người tự cho rằng mình giỏi mà phớt lờ không nghe theo lời khuyên răn của cha mẹ. “Cá không ăn muối cá ươn”, câu nói từ bao đời nay dùng để cảnh tỉnh những đứa con hư đốn như thế.
Có những người con được sinh ra trong gia đình danh gia vọng tộc, thay vì tiếp tục sự nghiệp của cha ông thì lại làm những việc đi ngược lại truyền thống đạo lý của gia đình, để cha mẹ ông bà phải mang tiếng xấu. Cảnh “cha làm thầy con đốt sách” vốn không hiếm hoi trong xã hội, nhất là trong những gia đình bề thế, danh gia.
Nhiều đứa con sinh ra được sống trong nhung lụa, cha mẹ yêu thương hết mực nên ỷ lại, bất cần không chịu rèn luyện bản thân. Ăn chơi trác táng, cờ bạc lô đề, hoặc sa vào các tệ nạn xã hội đẩy cha mẹ vào bước đường cùng. Thay vì gánh vác cơ nghiệp, họ trở thành những kẻ ăn bám hoặc thuộc hàng phá gia chi tử. Đáng buồn hơn, nhiều bậc cha mẹ ở tuổi xế chiều bị các con bạc đãi. Ai cũng có hai lần trong đời được làm “trẻ nhỏ”. Ấy là lúc ấu thơ và khi tuổi đã về già. Thay bằng chăm sóc phụng dưỡng “quạt nồng ấp lạnh”, nhiều đứa con bất hiếu đã đang tâm đẩy cha mẹ ra đường.
Ở cái tuổi 70 xưa nay hiếm, Ông Vinh, bà Hiển cảm giác như sụp đất trời bất ngờ khi anh con trai út báo nợ nần 6 tỷ đồng. Căn nhà đang ở phải rao bán rồi trả nợ, vợ chồng ông bà và đàn cháu nhỏ lũ lượt kéo nhau đến tạm lánh tại một nhà thuê. Về quê thì chịu mang tiếng xấu, ở lại nơi này cũng không được yên thân. Cả sổ hưu của 2 ông bà đều phải cắm lấy tiền cho con trả nợ. Mọi gánh nặng kinh tế trông vào cô con gái đã lấy chồng xa.
Chỉ vì muốn chiếm tài sản của ông bà, cha mẹ, nhiều nghịch tử đã không ngại kề dao vào cổ, hoặc làm bất cứ việc gì tổn hại đến thân thể mẹ cha. Vết thương trên da thịt có thể lành theo năm tháng, mạng sống bị tước đoạt cũng có thể vì sức mạnh nào đó mà hồi sinh. Chỉ có tổn thương trong lòng là vĩnh viễn không bao giờ lành được. Có nỗi đau nào lớn hơn việc đứa con mình dứt ruột đẻ ra, nuôi nấng ẵm bồng nay quay ra ngược đãi cha mẹ.
Có những người con bất hiếu, hắt hủi, đẩy cha mẹ đến nước đường cùng như thế. Họ có nhà cao cửa rộng mà cha mẹ lại phải vất vưởng hè phố, lang thang kiếm ăn hoặc vào trung tâm bảo trợ. Lại có những nhà, con cháu rõ thành đạt, giàu sang mà không ngại tách khẩu cho cha mẹ già để hưởng chế độ hộ nghèo theo nhà nước.
Đạo hiếu vẹn tròn là tích phúc mai sau
Thực ra, một việc làm của người con hiếu thảo sẽ mang lại cả một vận khí tốt cho toàn xã hội, sẽ làm thức tỉnh lòng hiếu thảo tri ân báo ân của nhiều người hơn nữa. Câu chuyện về Chủ Đồng Tử được lưu truyền hậu thế đã minh chứng rằng, khi người con biết lấy hiếu nghĩa làm đầu thì cũng như tích được phúc phận và tạo tương lai tốt đẹp cho chính mình.
Ngược lại, câu chuyện về một cậu bé nọ cũng làm cho nhiều người ngậm ngùi thức tỉnh. Khi thấy cha đưa cho ông nội một cái chăn và đuổi ông ra đường thì cậu đã nói với cha rằng: "ba hãy để lại một nửa cái chăn đi, sau này con sẽ đưa cho ba giống như ba đang làm với ông vậy". Gieo nhân nào gặt quả nấy! Con cái có hiếu với cha mẹ, ngoài việc mang lại niềm hạnh phúc chung trong gia đình, còn mang đến cho chính mình sự bình an, thanh thản.
Mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong xã hội, mỗi công dân của một quốc gia có bình an, thanh thản thì xã hội, quốc gia đó mới phát triển hưng thịnh. Gia hoà, vạn sự hưng. Đạo hiếu vẹn tròn sẽ làm cho nếp nhà hoà hợp, mang lại hạnh phúc cho đời này cùng đời sau. Còn đối với những người ngược đãi cha mẹ, họ sẽ chịu quả báo, phúc báo có gây dựng bao nhiêu cũng mất hết, kiếp này không chịu hết thì sang đến tận kiếp sau. Hiếu thảo và bất hiếu đều không nằm ngoài phạm vi nhân quả.
Tỉnh thì đã muộn
Trong mỗi chúng ta, dù được đi học tử tế hy những người vì hoàn cảnh khó khăn mà thất học thì từ bé chắc đều thuộc lòng câu ca dao:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”
Cha mẹ yêu thương con cái thì không cần báo đáp, nhưng không ai không mong muốn khi về già được con cái chăm sóc và phụng dưỡng. Mặc dù vậy, trong xã hội ngày nay không khó để bắt gặp những trường hợp con cái bất hiếu và nhẫn tâm với đấng sinh thành. Họ có biết đâu, còn biết bao người con không được có mẹ cha ở bên rất khát thèm tình máu mủ. Có những cụ già sắp từ giã cõi đời vẫn không nguôi nhớ đến mẹ cha. Tuổi tác làm cho họ quên và lẫn nhiều điều, nhưng không thể quên đi ơn đức sinh thành.
Nằm trong giường bệnh của Viện bỏng quốc gia lúc này, chắc hẳn 3 cô con gái của bà Đ ở Hưng Yên đang bị toà án lương tâm dày vò, đầy đoạ. Phóng hoả đốt mẹ ruột của mình là hành vi bất hiếu khiến trời không dung, đất cũng chẳng thể tha. Làm sao có thể tiếp tục sống và đối mặt với mẹ, với những đứa con đang cần làm gương cho chúng? Cảm giác lạnh gáy khi nghĩ đến ngày sau các con cũng làm vậy với mình chắc sẽ bủa vây.
Cơn mưa rào cuối hạ đổ sập xuống trại tù cùng những vệt sét ngang dọc đầy trời rớt xuống những hàng cây xà cừ đứng tuổi. Bên song sắt khu phòng giam tội phạm hình sự, có những đứa con đang lặng lẽ cúi đầu.