Con dại… cái mang

Cha mẹ sinh con, đẻ cái cũng chi mong con lớn lên, trưởng thành, xây dựng hạnh phúc riêng của mình. Có thể trong chúng ta - những người đã trưởng thành, cũng mắc sai lầm gây ra những chuyện khiến ông bà, bố mẹ đau lòng. Nhưng “con dù lớn thì vẫn là con của mẹ, đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”.

Nén giọt nước mắt vào trong thành dòng huyết lệ, bà Vi lặng lẽ ôm những bầu ngô non lững thững bước ra đồng. Cánh đồng làng sau vụ gặt chỏng chơ đầy gốc dạ, người làng bây giờ phần lớn đi làm công ty kiếm sống nên đã chẳng thiết tha với ruộng đồng. Chỉ còn còn ông bà, tuổi đã xế chiều nên vẫn quanh năm căm cụi bán mặt cho đất và bán tấm lưng còm cõi cho trời. Người ta nói: “Của đau, con xót”, càng ngẫm càng thấy sao nó đúng với mớ ruột gan như đang xát muối của vợ chồng bà lúc này!

anh-1667368366.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: phunuonline.vn)

Làm lụng vất vả từ bé đã quen, chẳng có việc gì là ông bà ái ngại. Một năm hai vụ cấy cày, cộng thêm trồng cây hoa màu vun xới quanh năm. Việc nhà nông là thế, chân lấm tay bùn mà đầu óc thảnh thơi. Lòng nhẹ tênh vui sướng, cởi tấm áo mặn chát mồ hôi là rửa chân tay lên giường, ăn no ngủ kỹ. Ấy vậy mà từ hơn một tháng nay, chồng bà gầy xọp đi trông thấy. Trong nụ cười hàng ngày, nét sảng khoái đã thay bằng gượng gạo, có lẽ chỉ cần thêm vài nếp nhăn xô đẩy là nước mắt sẽ trào ra. Khối tài sản ông bà dành dụm quá nửa đời người tự dưng không cánh mà bay! Ông nằm ngẫm nghĩ mắt nhìn vô định, đau vô cùng mà bị bà bắt gặp đành phải ngó lơ! Giọng bà Vi bất giác xoá tan đi khoảng không tĩnh mịch:

- Ông vẫn còn nghĩ đến số vàng đó sao?

- Không!

- Thế tại sao ông còn thức mãi?

Giọng ông thủng thẳng đáp:

- Thôi thì cứu nó chứ biết làm sao? Từng ấy ngày bỏ nhà ra đi biệt xứ, không có số vàng ấy thì nó lấy gì sinh sống? Rồi vào đường cùng ăn trộm ăn cắp của người ta được sao?

22-1667368501.PNG
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: phunuonline.vn)

Khoé mắt bà Vi chợt ướt, bà nghe trong giọng chồng mình có gì đó đắng cay! Thương cháu thật mà làm sao cho vơi cơn giận? Bao nhiêu năm ông bà làm quần quật không kể sớm hôm, lo cho 3 đứa con ở riêng đứa nào cũng có nhà có cửa. Tưởng đâu tuổi già được thảnh thơi mà tai ương ấp đến bất ngờ! Thằng cháu trai vỡ nợ tìm về quê ẩn náu, vài ngày sau, người ta thấy tăm tích nó ở Sài Gòn.  Một cây vàng của ông bà cũng không cánh bay đi đâu mất, bà chỉ nhớ lần cuối cùng đem cầm cố nó để vay mượn làm sổ đỏ cho con, rồi chuộc về chỗ cũ, rồi giữ khư khư như vật phòng thân. Ông dặn bà: “Dù có nghèo đến mấy cũng không được dùng đến miếng vàng này! Hãy giữ nó thật cẩn thận để lỡ tôi hay bà về gặp tổ tiên trước thì chúng ta có cái mà lo, đỡ phiền con cháu”! Nghĩ là thế, tính toán chu toàn là thế mà ý trời chẳng thương. Sau lần ghé thăm bất ngờ của thằng cháu nọ, khối tài sản của ông bà cũng lạc mất nơi nao! Ông nhủ bà, bà nhủ ông, rằng mất rồi mình lại làm ra nó, thôi thì coi như số tiền đó cứu giúp một cuộc đời lầm lỡ, cho nó một chút vốn làm ăn coi như mở cho nó một con đường sống lương thiện. Bằng lòng là thế mà sao hai tấm thân già không khỏi xót xa, ngoảnh mặt vào tường như muốn dấu nỗi niềm riêng. Ông cũng gắng an ủi bà để bà không tiếc của, bà cũng dối lòng rằng rất vô tư để ông khỏi suy nghĩ khổ tâm. Một lần nọ, có cô em họ của bà làm ăn thua lỗ, chẳng lỡ nhìn em bị đẩy vào bước đường cùng nên bà hé miệng, dạ không khỏi băn khoăn :

- Ông ạ! Dì Tư làm ăn thua lỗ, vợ chồng mình giúp dì ấy chút có được không? Nhỡ may mà dì ấy không trả được... Chẳng đợi bà nói hết, ông gạt đi đầy quyết liệt:

- Máu chảy ruột mềm, mình nỡ lòng nào bỏ mặc dì ấy lúc khó khăn.

- Nhỡ may mà dì ấy không trả được?

- Nghĩ nhiều làm gì? Giúp là giúp!

Thái độ dứt khoát của ông làm bà thấy lòng nhẹ nhõm hơn. Từng ấy năm sống bên ông, bà  thấy ông bao dung, rộng lượng biết chừng nào. Một lần nọ có bà hàng xóm vào mua thóc đánh rơi chiếc nhẫn vàng cạnh giếng, ông lặng lẽ cất đi rồi nhờ người nhắn người quay lại nhận đồ. Sóng gió đã qua, thăng trầm nếm đủ, chưa khi nào bà thấy ông buồn rười rượi như lúc biết cháu hư. Vết thương cũ của ông tái phát, mảnh đạn thời chiến còn náu trong người được dịp hoành hành. Nỗi đau trên thịt da hùa theo cơn gió mùa đông bắc, còn nỗi đau trong lòng ông cứ thừa thắng xông lên…

Đọt ngô non bà mang trông rổ đi trồng như muốn héo dần theo gió Bắc, bà tần ngần nhìn gôc dạ chỏng chơ! Bao vụ mùa đi qua ông bà hăm hở mướn ruộng cuốc đất trồng khoai, trồng đỗ, tháng tháng ngày ngày vun xới ân cần chỉ ngóng đến mùa thu hoạch để chồng chất lên xe cho các cháu về thăm quê có thức quà đồng nội. Nay bụng bảo dạ buồn rầu, nẫu nạt như dưa, như thể những giọt mồ hôi, như máu và nước mắt của tuổi già bị cuốn trôi đi mất. Bà khẽ đưa tay gạt nước mắt. Thoảng nghe trong gió câu chuyện của bà mẹ làm ruộng nhà bên vọng lại : “Lắm lúc trời mưa to sấm sét chỉ muốn ra đứng ra giữa sân nhà xin ông trời cho thoát khỏi kiếp nhân sinh! Thằng con trai bất hiếu lại báo về vỡ nợ thêm vài tỷ.  Bố nó chẳng nỡ để con bị bọn xã hội đen xẻo mũi, cắt tai gửi về mà quỵ luỵ mượn anh em họ hàng tập bìa đỏ đi thế chấp ngân hàng. Cầm nắm “sổ nợ” trong tay ông bất giác nằm sụp xuống sân và gào khóc như một đứa trẻ: “Trả bao giờ cho hết đống nợ này”?

Họng bà nghẹn đắng và đôi mắt tối sầm như trực ngã, biết trách những người mẹ hiền chẳng dạy con từ thủa còn thơ hay hay đổ tại ông trời?

Hải Vân