"Chìa khóa” nào giúp doanh nghiệp "mở lối" bứt phá trong thời kỳ phát triển mới?

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên cả nước đã nắm bắt cơ hội triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số, áp dụng mô hình nhà máy thông minh nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các DN đã xây dựng được thương hiệu và nâng cao uy tín sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Chuyển đổi số đã thúc đẩy mạnh mẽ nội lực nền kinh tế đất nước.

Thực tế cho thấy, chuyển đổi số đã giúp các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nâng cao năng lực cạnh tranh, sớm đạt hiệu quả sản xuất và sẵn sàng đón nhận các làn sóng đầu tư mới từ các tập đoàn đa quốc gia. 

Bà Lê Huyền Nga, Trưởng phòng Công nghiệp hỗ trợ, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, các DN sản xuất nói chung và DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng cần phải biết tận dụng, chủ động thích nghi với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghệ số, cách mạng công nghiệp 4.0 vì đây là một xu thế bắt buộc, do đó các DN cần phải xây dựng, thực hiện các chiến lược tổng thể.

chuyen-doi-1666767016.jpg
Chuyển đổi số toàn diện giúp doanh nghiệp chế biến, chế tạo có bứt phá lớn. (Ảnh: baotintuc)

Theo thống kê, bình quân tính từ giai đoạn năm 2011 - 2019, công nghiệp chiếm hơn 32% GDP của cả nước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 16,5% GDP. Riêng trong giai đoạn này, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng liên tục bình quân 9,44%/năm. Tính trong 02 tháng đầu năm 2022, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt hơn 346 triệu USD, chiếm 68,7% tổng vốn đăng ký mới.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thông qua việc số hóa, tự động hóa, các DN sản xuất công nghiệp sẽ có “chìa khóa” để thực hiện tăng trưởng nhanh, bền vững. Đặc biệt, trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030 của Chính phủ, sản xuất công nghiệp là 1 trong 8 ưu tiên chuyển đổi số. Vì vậy, để hỗ trợ DN công nghiệp chế biến, chế tạo thực hiện chuyển đổi số Chính phủ cần tăng cường xây dựng các quy tắc, quy định thúc đẩy kinh doanh không dùng giấy tờ; hỗ trợ tài chính cho việc ứng dụng công nghệ số, giảm thuế thu nhập để DN có thêm nguồn tích lỹ cho Qũy chuyển đổi số. Qua đó, nhằm xóa bỏ rào cản lớn của DN trong thực hiện chuyển đổi số.

Hiệu quả của công tác chuyển đổi số trong các doanh nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc chuyển đổi số ở các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại đang gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn nhất trong chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp đó là con người vận hành trong hệ thống chuyển đổi này. Muốn chuyển đổi số thành công cần tối ưu hóa hệ thống, quy trình, quy định, biểu mẫu, dòng chảy công việc trong doanh nghiệp bằng bản cứng (bản giấy) trước. Cần xây dựng các hệ thống về tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn về kiểm tra, kiểm soát hoặc những hệ thống về báo cáo trước khi mềm hóa lại.

 Bên cạnh đó, để chuyển đổi số, vấn đề còn ở các nhân sự trong tổ chức. Bởi lẽ, chuyển đổi số là cái mới, trong khi đó, quan điểm của người lao động cứ thích làm theo thói quen, dẫn đến những thất bại trong mô hình hoạt động.

Ông Trần Kiên Dũng - Chuyên gia cao cấp ISO - Giám đốc Công ty TNHH ProfM Việt Nam cho hay, phải có trách nhiệm trong thực hiện chuyển đổi số như hạ tầng, ngân sách, quản lý phù hợp; đồng thời, lãnh đạo cũng phải nhạy bén với ứng dụng công nghệ số. Quan trọng là DN cần thay đổi tư duy về chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải là sự chuyển đổi toàn diện từ nhận thức, tư duy, công nghệ; các ứng dụng chuyển đổi số sẽ liên tục được thay đổi và không chỉ dành cho DN lớn mà cho mọi DN.

Nhà cung cấp các dịch vụ chuyển đổi số cũng cần tạo sự tin tưởng đối với DN về các giải pháp, nền tảng, thông qua việc nắm bắt nhu cầu của DN cũng như đánh giá được tính phù hợp và khả thi của các sản phẩm, dịch vụ chuyển đổi số liên quan, giúp DN xây dựng được chiến lược sản xuất, kinh doanh hiệu quả, thành công, phát triển bền vững.

Hoàng Hà (t/h)