TS Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Điều hành của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) cho biết: “Việc ban hành Chỉ thị 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được WWF nhiệt liệt đồng tình, ủng hộ và xem đây là một chỉ đạo rất kịp thời, thiết thực nhằm bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư, đảo ngược xu thế mất đa dạng sinh học và ngăn chặn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh do buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã”.
Chỉ thị ra đời trong bối cảnh tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim hoang dã, đặc biệt là các loài chim di cư vẫn đang diễn ra phổ biến tại một số địa phương, gây suy giảm quần thể các loài chim hoang dã, di cư cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học, môi trường, tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh cho con người và các sinh vật khác. Thực trạng này còn làm ảnh hưởng đến việc thực thi các cam kết quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học, Hiệp định về đối tác đường bay của chim di cư tuyến Châu Úc - Đông Á (EAAFP) mà Việt Nam là thành viên.
Thông qua Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan, cơ quan thông tấn, báo chí, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức chính trị, xã hội thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn chim hoang dã, di cư.
Một số nhiệm vụ và giải pháp, bao gồm: Hoàn thiện và ban hành các quy định về bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư; phối hợp với các quốc gia, tổ chức quốc tế tăng cường bảo vệ chim hoang dã, thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát các đường bay quan trọng của các loài chim di cư; tăng cường tuần tra, kiểm soát, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, kinh doanh, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã; tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư; kiểm soát chặt chẽ hoạt động quảng cáo các sản phẩm, công cụ săn, bắt, bẫy chim hoang dã, di cư; tăng cường thực hiện các quy định pháp luật về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp loài nguy cấp, quý, hiếm cần được ưu tiên bảo vệ; các cơ sở kinh doanh ký cam kết không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo mẫu vật động vật hoang dã không đảm bảo nguồn gốc hợp pháp; triệt phá dứt điểm các khu chợ, tụ điểm buôn bán các loài chim hoang dã, di cư trái pháp luật trên địa bàn và một số nhiệm vụ khác.
“Cùng với sự chỉ đạo kịp thời và thiết thực của Thủ tướng Chính phủ, WWF mong đợi sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong Chỉ thị. Với sức mạnh tổng hợp như vậy, WWF tin tưởng rằng công tác quản lý các hoạt động săn, bắt tận diệt, phá hủy sinh cảnh của các loài chim hoang dã, di cư sẽ được thắt chặt và kiểm soát trong thời gian tới”, TS Văn Ngọc Thịnh, cho biết thêm.
Nỗ lực của WWF-Việt Nam và các tổ chức bảo tồn
Việc ban hành Chỉ thị 04 của Thủ tướng Chính phủ là minh chứng cho những nỗ lực rất đáng được ghi nhận của nhiều bên liên quan, trong đó có những đóng góp không thể phủ nhận của WWF-Việt Nam trong công tác đấu tranh chống buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã các loài chim hoang dã, chim di cư. Trong đó, theo WWF một số đóng góp bao gồm: WWF khởi xướng và cùng 17 tổ chức phi lợi nhuận Việt Nam và Quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã ký vào thư ngỏ và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ quần thể chim hoang dã, di cư.
Ghi nhận tính cấp thiết về việc kiểm soát tình trạng săn bắt tận diệt chim hoang dã, di cư, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn kịp thời điều chỉnh quy định “chim trời” là động vật hoang dã cần được bảo vệ. Theo đó, các loài chim hoang dã, di cư được đưa vào đối tượng bảo vệ thuộc Nghị định số 84/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Hoạt động săn bắt các loài chim hoang dã, di cư vì thế đã cơ bản được kiểm soát. Các nhà hàng và cơ sở buôn bán chim hoang dã được yêu cầu phải xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp để có thể kinh doanh các loài này.
Cùng với việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, WWF có cơ sở để hỗ trợ Cục Kiểm lâm sửa đổi Nghị định 35/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Nhờ đó, mức phạt hành chính đối với hành vi săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái pháp luật các loài chim hoang dã được sửa đổi bổ sung vào Điều 21, 22, 23 của Nghị định số 35/2019-CĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt trong lĩnh vực hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 07/2022/NĐ-CP). Cụ thể là mọi hành vi săn, bắt, giết, nuôi nhốt, vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái pháp luật chim hoang dã, di cư (không phải là loài nguy cấp, quý, hiếm) có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 300 triệu đồng (đối với cá nhân).
Không chỉ vậy, hành vi quảng cáo để kinh doanh trái quy định của pháp luật các loài chim này cũng có thể bị xử phạt từ 1-1,5 triệu đồng theo quy định tại Điều 16 Nghị định 35 sửa đổi, bổ sung. Đây là những tiền đề quan trọng để UBND tỉnh Long An ra quyết định đóng cửa chợ nông sản hay chợ chim Thạch Hóa, là nơi hàng chục năm nay chuyên bày bán công khai đủ các loài chim trời và động vật hoang dã của vùng Đồng Tháp Mười, trong đó có cả những loài quý hiếm được pháp luật bảo vệ.
WWF đã có sáng kiến hình thành một mạng lưới các nhà báo bảo tồn động vật hoang đã gồm 50 thành viên. Mạng lưới tập hợp các nhà báo tâm huyết, tham gia tác nghiệp chuyên sâu về các chủ đề liên quan đến động vật hoang dã và môi trường. Tham gia mạng lưới, các thành viên có cơ hội được bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, cập nhật các kiến thức về bảo tồn thiên nhiên, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ các chuyên gia, các nhà báo dày dặn kinh nghiệm. WWF cũng tổ chức tập huấn nghiệp vụ điều tra báo chi về hoạt động buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã để các nhà báo chủ động tác nghiệp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Mới đây, trong tháng 4/2022, nhóm điều tra săn bắt, buôn bán chim hoang dã đã công bố một loạt bài phóng sự, cung cấp thông tin về thực trạng tận diệt chim hoang dã vẫn tiếp tục diễn ra tại các tỉnh phía Bắc như: Hà Nam, Bắc Ninh, Phú Thọ và Vĩnh Phúc, nơi nổi tiếng với đặc sản “chim trời”. Các thông tin và hình ảnh do các nhà báo cung cấp sẽ làm cơ sở cho các cơ quan chức năng vào cuộc thanh kiểm tra, xử lý các sai phạm, đồng thời thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách tiếp tục sửa đổi các văn bản pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn và đảm bảo tính răn đe.