Động vật hoang dã đã được xác định là tài nguyên rừng vô cùng quý hiếm, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm sự cân bằng sinh thái, bảo đảm môi trường sống cho con người. Hiện nay, trên phạm vi cả nước đã quy hoạch xây dựng các khu rừng bảo tồn thiên nhiên và một số vườn rừng quốc gia nhằm bảo vệ, bảo tồn các loài động vật hoang dã có giá trị về khoa học, kinh tế - xã hội, du lịch cảnh quan. Qua điều tra, thống kê, cả nước ta hiện có khoảng 12 nghìn loài động vật hoang dã, trong đó đã xác định tên được 7 nghìn loài, gồm 275 loài thú, 800 loài chim, 180 loài bò sát, 80 loài lưỡng cư, 2.470 loài cá v.v..., chiếm khoảng 10% tổng số loài chim thú có trên thế giới.
Động vật hoang dã mang lại lợi ích to lớn cho con người, là nguồn lợi lớn cho đất nước, làm phong phú, bền vững cho hệ đa dạng sinh học. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay, việc săn bắn, bẫy bắt, buôn bán, xuất khẩu trái phép và giết mổ các loài động vật hoang dã tại các nhà hàng, quán ăn đã và đang diễn ra phức tạp, bởi kinh doanh động vật rừng luôn đem lại lợi nhuận rất cao.
Cùng với đó, tập quán săn bắt chim thú rừng ở các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là nạn đốt phá rừng làm nương rẫy, đã hủy hoại nghiêm trọng môi trường sống của các loài động vật hoang dã. Môi trường sống bị phá vỡ, không những làm xuất hiện nhiều thảm họa cho con người do tự nhiên gây ra như lũ lụt, sâu hai nghiêm trọng, mà còn làm cho nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm, trong đó có một số loài nguy cơ bị tuyệt chủng.
Theo báo cáo Sức sống hành tinh 2020 của tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên, trong vòng 50 năm qua, quần thể các loài động vật có xương sống đã suy giảm 68%. Tại Việt Nam chúng ta, nhiều loài động vật hoang dã đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, như hổ, báo, gấu, voọc mũi hếch v.v... do bị buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp vì nhiều mục đích khác nhau như làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức...
Để bảo vệ hệ đa dạng sinh học nói chung, bảo vệ động vật hoang dã nói riêng, Nhà nước đã ban hành Luật bảo vệ và phát triển rừng. Những năm qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều Chỉ thị, đáng chú ý Chỉ thị số 29 ngày 23/7/2020, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ban, ngành, các tỉnh, thành phố, đề cập những biện pháp cấp bách để bảo vệ nguồn lợi tài nguyên thiên nhiên của quốc gia nhằm phục vụ lợi ích cho con người. Trong năm 2021, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng ban hành hướng dẫn tăng cường công tác tuyên truyền việc thực hiện không săn, bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật, thực vật hoang dã.
Để thực hiện tốt Luật và các Chỉ thị nêu trên với tinh thần "Chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã", chúng tôi cho rằng, người giữ vai trò quan trọng trong nhiệm vụ này chính là nhân dân, mọi người dân phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn động vật, thực vật rừng, đăc biệt là những loài động vật quý hiếm, đồng thời cùng với các cơ quan chức năng phát hiện kịp thời những hành vi tự tiện mang súng, các dụng cụ săn bắt động vật hoang dã; nghiêm cấm các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng ăn uống, quảng cáo kinh doanh các món ăn từ thú rừng, hoặc mua bán các sản phẩm thuộc động vật hoang dã, đồng thời phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Mặt khác, Khuyến khích các tổ chức, cá nhân gây nuôi, phát triển loài động vật hoang dã, bao gồm tất cả các loài chim, thú quý hiếm để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, hoạt động này phải tuân theo các quy định của Nhà nước. Mọi tổ chức, cá nhân có hành vi săn bắn, bẫy bắt, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển và xuất khẩu trái phép động vật hoang dã ở các chợ nội địa, chợ đường biên, lưu thông trên đường giao thông và các tụ điểm khác đều bị xử lý, những vụ gây hậu quả nghiêm trọng cần truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần quy hoạch các vùng để bảo vệ và phát triển động vật hoang dã. Cụ thể là các dự án đã được đầu tư quy hoạch, xây dựng các khu rừng bảo tồn thiên nhiên, cần tiếp tục quản lý, đầu tư có hiệu quả, đồng thời tiếp tục xây dựng các dự án mới, đưa một số khu rừng bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia, xây dựng quy chế, quy ước cụ thể để bảo vệ các loại rừng hiếm có, gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, có hệ thống biển báo biến cấm cụ thể; nghiên cứu khai thác hợp lý các loài động vật hoang dã phục vụ cho công nghiệp, nông nghiệp, y dược, từ việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ phục vụ cho nuôi trồng, thuần dưỡng, nuôi các loại động vật rừng quý hiếm, góp phần làm cho hệ đa dạng sinh học ngày càng phong phú, bền vững, xây dựng một tương lai, trong đó con người sống hài hòa với thiên nhiên, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.