"Nếu để sản xuất nhỏ lẻ sẽ không chỉ rất khó đảm bảo về tiêu thụ mà kể cả phòng chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm, chăn nuôi rất quan trọng vì đây là lĩnh vực còn dư địa phát triển để góp phần tăng trưởng ngành nông nghiệp. Thời gian vừa qua, do dịch COVID-19 nên tiêu thụ nông sản nói chung và thịt lợn, gia cầm bị ảnh hưởng rất lớn. Nhưng những ngày gần đây, giá lợn hơi tăng lên hàng ngày.
Tuy nhiên, cuối năm nguy cơ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cao, phức tạp. Nếu không làm tốt về thú y sẽ không đảm bảo hệ thống phòng chống dịch bệnh. Hiện tỷ lệ tiêm vaccine phòng cho gia súc, gia cầm ở các địa phương chưa cao. Chỉ có vaccine mới đáp ứng được việc phòng chống dịch bệnh hiệu quả, đồng thời cần đảm bảo quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, sức khỏe đàn vật nuôi. Với những cơ sở an toàn dịch bệnh đã xây dựng được phải duy trì và củng cố phát triển, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm để vừa đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Theo Cục Chăn nuôi, đến đầu tháng 10/2021 tổng đàn lợn cả nước trên 28 triệu con, tăng 5%. Tổng đàn gia cầm khoảng 523 triệu con, tăng 4,4%. Đàn bò gần 6,3 triệu con, tăng 1,8%; trong đó đàn bò sữa trên 331 ngàn con…
Đến nay, mặc dù các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, lượng công nhân ở các địa phương vẫn chưa quay lại các thành phố lớn để làm việc, các trường họ vẫn đóng cửa, các quán ăn mở đón khách, khách du lịch với số lượng hạn chế do vậy mức tiêu dùng thực phẩm vẫn còn hạn chế. Khi kiểm soát tốt được dịch COVID-19 thì mọi hoạt động sẽ dần trở lại bình thường và nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sẽ tăng trong những ngày sắp tới.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cân đối cung cầu sản phẩm chăn nuôi cả nước theo từng vùng, từ nay đến cuối năm 2021 nếu kiểm soát tốt dịch bệnh đối với người, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm thì cơ bản chủ động được nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và một phần cho xuất khẩu, kể cả nhu cầu cho Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cũng nhận định, giá sản phẩm gia cầm, gia súc sẽ tiếp tục tăng, nhưng vẫn đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm cho cuối năm trong mọi tình huống. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương cần mở cửa thì nhu cầu tiêu dùng tăng sẽ khiến giá sản phẩm tăng lên.
Nhưng quan trọng là cuối năm ngành cần kiểm soát tốt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Nếu dịch bệnh bùng phát sẽ khiến nông dân bán tháo, bán chạy và sẽ làm giá đi xuống, ông Nguyễn Thanh Sơn chỉ ra.
Về vấn đề giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc cấp cao Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cho hay, nguyên liệu ngô chiếm 45% trong công thức phối trộn, khô đậu trên 20%, cám gạo trên 10%... Từ tháng 9/2020 đến tháng 5/2021, các nguyên liệu này trên thế giới tăng rất nhiều, từ 30-70%.
Từ tháng 5/2021, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có giảm dần. Nhưng do dịch COVID-19 nên cước vận chuyển từ tháng 4/2021 tăng rất nhanh. Trước đây, chi phí vận chuyển từ Mỹ về Việt Nam khoảng 40 USD/tấn, nay lên tới 120 USD/tấn. Tương đương chi phí tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/kg. Như vậy, giá ngô phải "cõng" thêm khoảng 30% do cước vận chuyển. Dự báo đầu năm 2022 giá cước vận chuyển có thể giảm.
Để phát triển nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước, ông Vũ Anh Tuấn cho rằng, Nhà nước cần có chính sách khuyến kích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất các thành phần nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Nhà nước cần có chính sách để nông dân có cơ hội tiếp cận nguồn vốn, có cơ hội tái chăn nuôi, nhất là sau thua lỗ trong thời gian dịch COVID-19.
Phát triển chăn nuôi trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Văn Trọng, các địa phương rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho sản xuất như: giống, thức ăn, máy móc thiết bị, vật tư… để xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức sản xuất cụ thể trong mọi tình huống. Các địa phương đã khống chế được dịch COVID-19 cần đẩy mạnh phát triển sản xuất để hỗ trợ và bù đắp lại phần thiếu hụt cho các tỉnh phía Nam khi dịch COVID-19 chưa được khống chế.
Các địa phương tiếp tục khôi phục, tăng đàn lợn; ổn định phát triển đàn gia cầm, gia súc ăn cỏ và phát triển một số loại vật nuôi lợi thế trong điều kiện có dịch COVID-19 và sau dịch.
Địa phương tăng cường chỉ đạo triển khai mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, tăng cường chăn nuôi theo hướng hữu cơ trong chuỗi nông nghiệp tuần hoàn. Tăng cường sản xuất theo chuỗi sản phẩm, xây dựng mã định danh cho cơ sở chăn nuôi, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, chế biến sâu để nâng cao giá trị.
Các hộ chăn nuôi tăng cường xây dựng liên kết ngang như thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác... để tiếp cận vào chuỗi của các doanh nghiệp, chủ động tiêu thụ sản phẩm và cân đối cung cầu. Địa phương tổ chức kết nối, hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, công ty chăn nuôi mở rộng thị trường, đưa sản phẩm cung ứng trực tiếp thông qua hệ thống phân phối sẵn có.
Ông Nguyễn Văn Trọng cho biết, Cục xây dựng quy định và chính sách về việc thu mua, giết mổ, chế biến và dự trữ sản phẩm chăn nuôi khi ứ đọng, chậm tiêu thụ do cung vượt cầu, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… nhằm giảm bớt thiệt hai cho người chăn nuôi, tham gia điều tiết thị trường, góp phần bảo vệ người tiêu dùng và chủ động điều hành sản xuất trong nước và lộ trình nhập khẩu thịt hàng năm.