Chăn nuôi an toàn sinh học là yêu cầu hết sức cấp thiết
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành chăn nuôi trên thế giới đang có nhiều biến động và được dự báo tiếp tục phát triển trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Điều này mang lại nhiều cơ hội cho ngành chăn nuôi lợn trong nước nếu tiếp cận được với những xu thế mới của ngành chăn nuôi thế giới.
Đến nay, tổng đàn lợn của cả nước khoảng 25,5 triệu con, tăng khoảng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Chăn nuôi lợn phát triển trong bối cảnh chăn nuôi nông hộ chuyển mạnh sang chăn nuôi bán công nghiệp, liên kết với doanh nghiệp, chăn nuôi trang trại theo chuỗi, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Chính những kết quả này đã giúp đưa ngành chăn nuôi của Việt Nam trở thành quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 trên thế giới về đầu con và thứ 6 về sản lượng.
Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng đến xuất khẩu việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học là yêu cầu hết sức cấp thiết cho chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng.
Bên cạnh việc áp dụng an toàn sinh học ở các khâu của chuỗi như: vật tư đầu vào, thức ăn, giống, giết mổ, chế biến, bảo quản và phân phối cần tăng cường nghiên cứu mở rộng thêm các thị trường ngách để gia tăng cơ hội xuất khẩu.
"Việt Nam có lợi thế về chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi lợn cũng như sản xuất thức ăn chăn nuôi không chỉ cho gia súc mà còn cho ngành thủy sản. Nếu tận dụng tốt các được nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước để giảm giá thành thức ăn chăn nuôi sẽ đem lại hiệu quả lớn, nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm chăn nuôi trong thời gian tới.
Bên cạnh đó cũng phải nghiên cứu thêm thị trường ngách để gia tăng xuất khẩu, điều này có nghĩa phải đầu tư sâu hơn vào các khâu chế biến đối với các sản phẩm động vật như: xúc xích, thịt hun khói, các sản phẩm thịt lợn xử lý qua nhiệt" - ông Lê Thanh Hòa cho biết.
Xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi hiện còn khá khiêm tốn
Với sự đầu tư của khối doanh nghiệp và người chăn nuôi, đến nay đàn gia súc, gia cầm đã phát triển đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và có nhiều cơ hội xuất khẩu tiềm năng.
Những lô hàng được xuất khẩu đi các thị trường quốc tế tiếp tục chứng minh cho chất lượng sản phẩm chăn nuôi Việt Nam. Nhiều nền tảng được xây dựng để đến năm 2025, giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt từ 1-1,5 tỷ USD. Xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi hiện còn khá khiêm tốn so với nhiều loại nông sản khác.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu nửa đầu năm 2024 đạt 240 triệu USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, chiếm phần lớn là các sản phẩm thịt chế biến, tiếp đến là thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh.
Việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi chưa tương xứng với khả năng sản xuất trong nước bởi sản phẩm chăn nuôi thời kỳ hội nhập đòi hỏi phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật rất nghiêm ngặt.
Theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH), khi xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến động vật bắt buộc phải tuân thủ quy định, tiêu chí về vùng an toàn dịch bệnh.
Sản phẩm chăn nuôi Việt Nam muốn hướng tới xuất khẩu trước hết phải tuân thủ các quy định này. Ngoài quy định chung của WOAH, mỗi nước nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật cũng có quy định riêng.
Để từng bước đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu, mục tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2025, xây dựng 11 vùng cấp huyện đối với các bệnh cúm gia cầm và Newcastle (gà rù) theo quy định của WOAH tại các tỉnh Đông Nam Bộ.
Đối với gia súc, ngoài duy trì được 4 huyện của tỉnh Bình Dương an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam với các bệnh lở mồm long móng và dịch tả lợn cổ điển sẽ xây dựng 4 huyện khác của tỉnh Bình Phước và ít nhất 2 huyện của tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng. Đặc biệt, theo quy định của của WOAH, Việt Nam sẽ xây dựng thành công vùng an toàn dịch bệnh đối với gia súc 4 huyện của hai tỉnh: Bình Phước và Bình Dương./.