Đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo lương thực và thực phẩm

Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân mạnh dạn thay đổi tư duy, chuyển đổi từ chăn nuôi truyền thống sang hướng công nghệ cao, an toàn sinh học, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững.
e1oap3zi2-1653702449.jpg
Lãnh đạo huyện Thuận Châu thăm mô hình nuôi bò nhốt chuồng bản Nà Lạn, xã Tông Cọ, Thuận Châu (Ảnh: Báo Lạng Sơn)

Là một trong những địa phương có hoạt động chăn nuôi phát triển, toàn huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn hiện có 1 trang trại và hơn 60 gia trại chăn nuôi gà theo mô hình chuồng trại khép kín áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn với tổng số 650.000 con.

Trong 4 năm qua, chăn nuôi gà theo mô hình gia trại khép kín với quy mô chăn nuôi lên đến hàng nghìn con phát triển mạnh. Ngoài một trang trại tại xã Đồng Tân, mô hình này phát triển chủ yếu tại các xã: Đồng Tiến, Vân Nham, Thiện Tân, Yên Bình…, đã mang lại thu nhập cao cho người chăn nuôi, hộ nuôi thu nhập thấp cũng được khoảng 100 triệu đồng/năm.

Ông Lý Việt Hưng - Giám đốc Sở NN - PTNT Lạng Sơn cho biết, thời gian tới, chúng tôi luôn khuyến khích và hỗ trợ tối đa cho nông dân trong việc thu hút các nhà đầu tư, phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học và tiến tới công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với các cơ sở giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm kiểm soát dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm.

Đến nay, toàn tỉnh Lạng Sơn có 22 trang trại hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi với quy mô lớn. Một số trang trại thành công lớn khi áp dụng công nghệ tiên tiến và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học có thể kể đến như, HTX Lùng Khoang, xã Xuân Mai, huyện Văn Quan với quy mô chăn nuôi khoảng 1.500 con lợn nái sinh sản và hơn 2.500 con lợn con thương phẩm.

Điển hình như trang trại của ông Dương Quốc Hùng tại xã Nhất Hòa, huyện Bắc Sơn liên kết với Công ty TNHH Chicken P.T (tỉnh Hải Dương) để thực hiện bao tiêu sản phẩm. Theo đó, trung bình mỗi năm, gia đình nuôi được 5 hoặc 6 lứa gà, mỗi lứa nuôi từ 14.000 - 16.000 con, đến nay đã xuất bán cho Công ty TNHH Chicken P.T được hơn 200 tấn gà thương phẩm, sau khi đã trừ chi phí, gia đình thu nhập được gần 3 tỷ đồng/năm.

Hiện nay, tại các trang trại nuôi gà thương phẩm, gà đẻ trứng tại các huyện Cao Lộc, Lộc Bình, Chi Lăng, Hữu Lũng, Bắc Sơn có quy mô từ 3.000 con đến 20.000 con/lứa; trang trại chăn nuôi thỏ sinh sản tại thôn Mạn Đường B, xã Mai Sao, huyện Chi Lăng với quy mô 3.000 con/lứa…

Với mô hình chăn nuôi gà tại xã Nhất Hòa, huyện Bắc Sơn, ông Dương Hữu Hùng cho biết, từ cuối năm 2019, gia đình đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng để xây dựng trang trại chăn nuôi gà. Khu chuồng trại khép kín đảm bảo đầy đủ máy móc, thiết bị hiện đại như máng ăn tự động, hệ thống xử lý chất thải nên không có dịch bệnh xảy ra.

HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp An Hồng được xây dựng trên diện tích hơn 13.000m2 và được đầu tư bài bản với các hạng mục chăn nuôi khép kín. HTX chú trọng đến khâu lựa chọn giống, thức ăn chăn nuôi ở những đơn vị cung ứng uy tín hàng đầu trong cả nước.

Ngành nông nghiệp Lạng Sơn đánh giá các HTX chú trọng đến khâu lựa chọn giống, thức ăn chăn nuôi ở những đơn vị cung ứng uy tín hàng đầu trong cả nước. Các công ty cung ứng trong quá trình cung cấp giống, thức ăn còn tổ chức tư vấn về kỹ thuật, hướng dẫn quy trình chăn nuôi đến bao tiêu sản phẩm. Vì vậy, HTX không phải lo về dịch bệnh, về đầu ra cho sản phẩm.

Đồng thời, tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật phục vụ chăn nuôi an toàn sinh học cho người sản xuất. Mặt khác, việc đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng ATSH thường đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn; do đó, cần có chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào phát triển chăn nuôi, tham gia vào chuỗi từ chăn nuôi đến giết mổ, tiêu thụ sản phẩm theo hướng an toàn, bền vững.