Thu chục triệu mỗi tháng từ cây bồn bồn
Cây bồn bồn có sức sống dẻo dai nên phát triển tốt ở vùng đất nhiều phèn. Trong khi vùng đất rừng U Minh hạ, tỉnh Cà Mau nhiễm phèn nặng nên trồng lúa hiệu quả không cao, người dân địa phương đã thí điểm trồng cây bồn bồn để phát triển kinh tế. Cây bồn bồn phát triển tốt, giúp người dân có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống.
Anh Phạm Văn Dư (ở xã Khánh An, huyện U Minh) có 7 ha đất rừng. Anh Dư được chuyển đổi khoảng 2ha để phát triển nông nghiệp. Trước đây, gia đình anh Dư cũng như bà con địa phương thường trồng lúa nhưng hiệu quả không cao. Vào 4 năm trước, anh Dư thí điểm trồng bồn bồn. Hiện gia đình anh Phạm Văn Dư đang có thu nhập khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng nhờ trồng bồn bồn.
“Trồng bồn bồn cho lợi nhuận cao hơn trồng tràm, so với trồng lúa cao hơn gấp 2 - 3 lần. Tính mỗi công trồng bồn bồn mỗi tháng trừ chi phí cũng cho thu nhập còn khoảng 1,5 triệu đồng. Từ khi có cây bồn bồn, cuộc sống người dân ngày càng bớt khó khăn, bản thân gia đình trồng bồn bồn qua 4 năm cho thu nhập ổn định, nhờ đó thoát được nghèo” anh Dư bày tỏ.
Mô hình trồng bồn bồn ở vùng đất rừng U Minh hạ mới phát triển vài năm qua. Ban đầu, có một số hộ dân trên tuyến kênh T19, xã Khánh An trồng thử nghiệm. Hiện toàn tuyến kênh T19 có 37 hộ dân đã có đến 27 hộ đang trồng bồn bồn và nhiều hộ dân vùng lân cận cũng đang phát triển mô hình.
Gia đình chị Trần Thị Kiều trước đây kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng từ khi học hỏi, chuyển gần 2ha đất lúa sang trồng bồn bồn kinh tế đã từng bước vươn lên. Không chỉ có nguồn thu khá cao từ ruộng bồn bồn, những thời gian rảnh, chị Kiều còn sơ chế bồn bồn cho người dân địa phương để kiếm thêm thu nhập.
“Nhờ cây bồn bồn người dân trong xóm đã có thu nhập ổn định hàng ngày, không bị thất nghiệp. Làm bồn bồn ở trong mát từ 7 giờ sáng đến 12 giờ trưa cũng kiếm được từ 100.000 – 120.000 đồng, quá giờ chủ nhà còn trả thêm tiền. Ở xóm này có một số người trồng trước, tôi đi lột, đi cắt bồn bồn cho họ sau đó cũng học trồng theo”, chị Kiều chia sẻ.
Từ cây dại thành đặc sản sạch tạo sinh kế cho người dân
Bồn bồn thuộc loại cây cỏ hoang dại, trước đây được dân nghèo nhổ về để ăn độn thay cơm. Đây là loại cây thích nghi với vùng đất phèn, mặn. Những năm gần đây, cây bồn bồn đã mang lại sinh kế ổn định cho người dân ở các huyện U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời, TP.Cà Mau… Bồn bồn thương phẩm hiện có giá trên thị trường từ 20.000 – 25.000 đồng/kg. Thời điểm hút hàng, giá tăng hơn 30.000 đồng/kg.
Theo chính quyền địa phương, nhận thấy việc trồng bồn bồn mang lại hiệu quả, thu nhập ổn định nên nhiều hộ dân ở tuyến kênh T19, xã Khánh An đã mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa nước sang bồn bồn. Toàn tuyến kênh T19 có 37 hộ dân hiện đã có gần 30 hộ trồng bồn bồn, với diện tích hơn 50ha.
Mô hình trồng bồn bồn ở U Minh hạ phát triển còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương. Đối với phụ nữ là công việc sơ chế, lột vỏ; còn với đàn ông là việc nhổ, thu hoạch bồn bồn.
Vợ chồng anh Lê Úc Nhỏ (ở xã Khánh An) trước đây đi làm công nhân ở các tỉnh vùng trên. Từ khi nhiều hộ dân địa phương phát triển trồng bồn bồn, vợ chồng anh về địa phương làm thuê mỗi tháng kiếm được khoảng 8 - 10 triệu đồng. Ngoài có nguồn thu ổn định, gia đình anh còn tránh được cảnh tha hương cầu thực.
“Mùa nắng làm bồn bồn không hết việc, còn mùa mưa có khi 1 tháng họ mới kêu nhổ 1 lần. Vào mùa nắng cứ khoảng 10 ngày bồn bồn cho thu hoạch, những người làm thuê dư việc làm lại được chủ nhà lo cơm nước. Nhổ bồn bồn rất đơn giản, không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật, ai làm cũng được chỉ cần chừa lại cây non cho đều. Đi nhổ bồn bồn thu nhập gia đình cũng ổn định, bà xã lột vỏ cây bồn bồn mỗi buổi cũng được khoảng 100.000 đồng”, anh Nhỏ kể.
Theo chính quyền địa phương, cây bồn bồn ở vùng đất U Minh Hạ có thể cho thu hoạch quanh năm. Để chủ động nguồn hàng cung cấp đều đặn cho thương lái và nhẹ công thu hoạch, người dân nơi đây đã chia nhỏ diện tích trồng với mục đích thu hoạch luân phiên. Vào thời gian thu hoạch, mỗi hộ dân phải thuê thêm nhân công từ 5 – 7 người để phụ việc nhổ và tách vỏ bồn bồn, tiền công được chủ ruộng trả cho lao động từ 120.000 – 200.000 đồng/người (tuỳ vào tính chất công việc).
Bồn bồn non có vị ngọt, mềm nên có thể chế biến được nhiều món ngon như xào tôm, nấu lẩu, làm dưa, gỏi… được nhiều thực khách ưa chuộng và tìm mua khi đến Cà Mau tham quan, du lịch./.