Tỉnh Cà Mau hiện có diện tích nuôi cua kết hợp với tôm trong vùng rừng ngập nước được chứng nhận sinh thái, hữu cơ và các chứng nhận khác gần 20.000ha, sản lượng đạt khoảng 2.000 tấn/năm; phần lớn diện tích còn lại được nuôi theo hình thức tự nhiên, theo hướng sinh thái trong vuông nuôi thủy sản.
Các hộ nuôi trên địa bàn huyện Ngọc Hiển cho biết, trước thách thức của tình trạng biến đổi khí hậu, mô hình nuôi tôm – cua kết hợp dưới tán rừng được xem là hướng đi bền vững cho nông dân. Đây là mô hình nuôi tự nhiên sinh thái không sử dụng thuốc và hoá chất, ít chi phí sản xuất nên chất lượng tôm, cua luôn được đánh giá cao.
Nhiều năm nay, nhờ chú trọng trong khâu phòng chống dịch bệnh trên tôm cua, lựa chọn nguồn giống tốt, chất lượng nên tỷ lệ thành công rất cao. Bên cạnh đó, khi tham gia sản xuất chuỗi tôm rừng, các công ty ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm và được hưởng lợi từ phí chi trả dịch vụ môi trường rừng. Sản phẩm tôm - rừng được chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế sẽ được các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thu mua với mức giá cao hơn khoảng 5-10% so với sản phẩm truyền thống khác.
Đối với diện tích tôm - rừng được chứng nhận, các doanh nghiệp tham gia liên kết sẽ hỗ trợ chi trả dịch vụ môi trường rừng từ 250.000-500.000 ha/năm và hỗ trợ về con giống có chất lượng cao để thả nuôi.
Được biết, ngoài sản phẩm chính là tôm sú, các hộ nuôi tôm - rừng còn thu nhập thêm từ cua, cá, sò huyết… Mô hình sản xuất này được lợi là chi phí đầu tư thấp và hạn chế rủi ro. Sau khi trừ chi phí con giống, cải tạo nước,… thu nhập mỗi năm từ 200 đến 250 triệu đồng.
Gia đình cô Huỳnh Thị Nghiệp, ngụ ấp Gò Công Đông, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân (Cà Mau) cũng tham gia thực hiện mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng từ nhiều năm qua. Những năm đầu, gia đình cô Nghiệp thực hiện mô hình nuôi tôm dưới tán rừng trên toàn bộ 06 ha được giao khoán. Trong 02 năm trở lại đây, gia đình cô Nghiệp tiến hành cải tạo lại vuông và thả nuôi kết hợp nhiều loại thủy sản trên cùng diện tích gồm nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi cua và sò huyết, trong đó có phân khu vực nuôi sò huyết giống. Việc đa dạng đối tượng nuôi trên cùng diện tích giúp gia đình cô có thu nhập thường xuyên, ổn định và đạt trên 300 triệu đồng mỗi năm.
Cô Nghiệp cho biết: “Mặc dù, mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng tuy lợi nhuận không cao như nuôi tôm công nghiệp nhưng điều làm gia đình tôi hài lòng nhất là chi phí đầu tư thấp, lại thích ứng tốt với thời tiết thất thường hiện nay, mô hình còn góp phần bảo vệ, phát triển rừng”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, thực hiện nuôi tôm dưới tán rừng chiếm 30 - 40% diện tích mặt nước và phải đảm bảo ít nhất 50 - 60% tỷ lệ rừng. Điều này góp phần làm tăng tỷ lệ rừng, phát huy khả năng giữ đất chống sạt lở, tăng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu. Người nuôi tôm còn được chi trả về dịch vụ rừng và được hưởng lợi từ khai thác rừng, qua đó, khuyến khích cộng đồng cùng tham gia bảo vệ rừng.
Xác định nuôi thủy sản dưới tán rừng là mô hình bền vững để phát triển kinh tế, bảo vệ và phát triển rừng, thời gian tới, Cà Mau sẽ tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn người dân phát triển mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng; liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; xây dựng thương hiệu tôm, cua sinh thái để nâng cao giá trị sản phẩm… Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Ngoài ra, người nuôi tôm còn được chi trả về dịch vụ rừng và được hưởng lợi từ khai thác rừng, qua đó, khuyến khích cộng đồng cùng tham gia bảo vệ rừng. Như vậy, nuôi tôm kết hợp phát triển rừng vừa mang lại lợi nhuận kinh tế vừa đảm bảo các yếu tố về môi trường bền vững. Thực tế, Tổng cục Thủy sản cũng đã đề xuất mở rộng thực hiện hình thức canh tác này góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng xanh của quốc gia.
Trước thách thức của biến đổi khí hậu, tỉnh Cà Mau khuyến cáo kịp thời người dân nuôi tôm rừng chủ động phòng ngừa, thực hiện đúng lịch thời vụ, chọn đối tượng, phương thức nuôi thích nghi tốt với môi trường có độ mặn cao để giảm thiệt hại, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, tăng cường phòng, chống dịch bệnh trong tôm nuôi lấy phòng bệnh là chính, phòng chống bệnh gắn liền với quản lý nuôi, thông qua quản lý giống tốt, sạch bệnh để hạn chế lây lan và phát sinh dịch bệnh.
Ông Phan Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau cho biết, Cà Mau cũng tăng cường chuyển giao, ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình nuôi tôm - rừng có hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu. Khuyến khích áp dụng các quy trình kỹ thuật nuôi mới, hiệu quả, thân thiện môi trường như Biofloc, các mô hình nuôi ít thay nước, nuôi 2, 3 giai đoạn, nuôi trồng thủy sản hữu cơ, tiết kiệm năng lượng,… Qua đó, kêu gọi, khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu thuỷ sản có nhu cầu xây dựng vùng nuôi tôm sinh thái đầu tư vốn, kỹ thuật vào phát triển sản xuất tôm - rừng theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để được chứng nhận.