Ký ức không quên ngày 15/4
Với những người lớn tuổi từng sống tại khu vực Cầu Nhe, họ chưa bao giờ quên buổi chiều kinh hoàng và trận bom định mệnh ngày 15/04/1968. Trong khoảng thời gian từ 13h-17h hôm đó, Mỹ đã huy động 9 lần tốp, 27 lần chiếc liên tục ném bom xuống cầu Nhe và các vùng phụ cận.
Ngày 15/4/1968, 53 chiến sỹ thuộc Tiểu đoàn 351, Trung đoàn 5 Yên Tử (Đoàn 1019), Quân Khu 3, Bộ Tư lệnh thành phố Hải Phòng đang trên đường hành quân vào chiến trường Miền Nam, khi đi qua địa bàn xã Khánh Vĩnh Yên (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) thì bị trúng bom Mỹ. Tất cả các anh, những thanh niên tuổi đời chưa đầy 20, ấp ủ nhiều khát vọng của tuổi trẻ đã mãi nằm lại cầu Nhe.
Chia sẻ với Phóng viên, ông Bùi Quốc Dưỡng (84 tuổi, thương binh hạng 3), thôn Hải Triều, xã Khánh Vĩnh Yên bùi ngùi nhớ lại: Thời điểm đó, tôi đi bộ đội bị thương nên được chuyển về địa phương điều trị. Ngày máy bay Mỹ ném bom ở cầu Nhe, tôi ở nhà không thể cùng bà con ra ứng cứu các anh được. Nhưng bà con lối xóm đi tham gia cứu thương về kể lại nó khủng khiếp lắm. Sau loạt đạn thứ nhất, đội hình hành quân tan rã, các anh bị thương, hy sinh phần nhiều, chính quyền và người dân ra ứng cứu thì lại tiếp tục đợt oanh tạc thứ hai của máy bay Mỹ nên việc ứng cứu không thể thực hiện liên tục được. Bị đánh phá ác liệt, cầu Nhe bị đánh tan, những chiến sỹ bị vùi lấp dưới lớp bùn đất, người bị trôi theo dòng sông nên sau đó công tác tìm kiếm rất khó khăn.
Bị đánh quá bất ngờ, những người lính giữa lòng cầu không kịp tìm nơi trú ẩn, bị bom Mỹ vùi lấp ngay trong loạt bom đầu tiên. Cầu Nhe bị đánh tan, chỉ còn một mố cầu, hai bên vùng phụ cận chi chít hố bom, nhà cửa, kho tàng bị tàn phá.
Khi dứt tiếng bom, lãnh đạo, chính quyền địa phương, nhân dân, dân quân, giáo viên và học sinh trường ba đảm đang đóng tại xã Khánh Vĩnh Yên đã khẩn trương đến hiện trường ứng cứu những người bị thương và mai táng các chiến sỹ đã hy sinh. Bị đánh bất ngờ, số thì hy sinh, số còn sống sót chạy vào nhà dân trong xóm. Số bị thương được đưa về bệnh viện dã chiến Can Lộc để cấp cứu.
Theo tài liệu còn lưu giữ lại, khoảng hơn 12h ngày 15/4/1968, thời điểm này đang bắt đầu vụ gặt lúa chiêm xuân. Những người dân Khánh Vĩnh Yên tranh thủ ra đồng sớm để tránh máy bay Mỹ thường ném bom vào cuối chiều thì gặp một đoàn bộ đội đang hành quân từ hướng thị xã Hồng Lĩnh lên đường 15A để vào Nam. Đội hình đơn vị hành quân theo hai hàng dọc, kéo dài từ đầu làng đến cuối làng gần một cây số. Những người dân đang làm đồng còn giơ nón vẫy chào những người chiến sĩ.
Chỉ ít phút sau, khi dân làng đang mải mê gặt lúa thì nghe tiếng máy bay gầm rít từ phía Đông, mọi người chưa kịp chạy tránh bom thì đã nghe những tiếng nổ chát chúa cất lên từ cầu Nhe.
Theo lời kể của bà con nơi đây, đợi cho tiếng bom ngừng hẳn, người dân cùng một số cán bộ lãnh đạo xã Khánh Vĩnh Yên tức tốc chạy về cầu Nhe với những dự cảm chẳng lành. Mọi người chưa kịp định hình lại nghe tiếng máy bay gầm rít trên đầu, giặc Mỹ lại tiếp tục tăng cường lực lượng tàn phá cầu Nhe.
Hằng năm, cứ đến ngày 15/4 và dịp 27/7, người thân các Liệt sỹ, chính quyền và nhân dân địa phương lại đến ở mố cầu Nhe, nơi còn chi chít hố bom, hồi tưởng nhớ về những người đồng đội thân yêu của mình, những người lính cụ Hồ đã bị bom Mỹ vùi lấp trong trận bom định mệnh ngày 15/4/1968.
Nhiều lần quy tập và những bộ hài cốt không nguyên vẹn
Sau này, khi làm kênh thủy lợi tại cầu Nhe, quá trình thi công đã tìm thấy những phần thi thể quanh khu vực cầu Nhe. Tháng 8/2003, theo nguyện vọng của gia đình các Liệt sỹ, nhân dân và chính quyền địa phương xã Khánh Vĩnh Yên, tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với huyện Can Lộc huy động gần 500 dân quân các xã trong huyện tiến hành đào xới, khai quật khu đất rộng 2 ha với độ sâu trên 2m để tìm kiếm hài cốt các chiến sỹ đã hy sinh. Sau 13 ngày nỗ lực tìm kiếm, 27 phần hài cốt Liệt sĩ đã được quy tập.
Ông Dưỡng ngậm ngùi: Đợt đó, việc tìm kiếm được tổ chức rất công phu, tỉ mẩn nhưng không thể tìm được một bộ hài cốt nào nguyên vẹn. Người thì chỉ tìm thấy một cánh tay, người lại tìm thấy một cẳng chân. Những ngôi mộ đó chỉ có một phần thi thể của các anh.
Ngoài 53 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 351, Trung đoàn 5 Yên Tử (Đoàn 1019), Quân Khu 3; Bộ Tư lệnh thành phố Hải Phòng, còn có Liệt sỹ Nguyễn Hộ - chính trị viên Huyện đội Can Lộc và 16 dân quân địa phương tham gia ứng cứu cũng đã bị bom vùi ngay tại cầu Nhe.
Sau những loạt bom của máy bay Mỹ, đảng bộ, Lực lượng vũ trang xã Khánh Vĩnh Yên đã xông ra hiện trường, cấp cứu số bị thương, tìm được 16 phần hài cốt (trong đó có 11 hài cốt chưa biết tên) đưa về mai táng tại nghĩa trang địa phương. Thân nhân gia đình Chính trị viên Nguyễn Hộ tìm được xắc-cốt và một phần thi thể của anh đưa về mai táng tại quê nhà.
Ông Nguyễn Công Kính, nguyên là chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc cũ, cán bộ Hội Cựu chiến binh nhớ lại: Thời điểm Mỹ ném bom cầu Nhe, tôi đang ở chiến trường. Sau này về địa hương nghe người dân kể lại và tham gia vào các đợt tìm kiếm hài cốt. Chính quyền và cơ quan chức năng đã nhiều lần tìm kiếm hài cốt. Lần tìm tiếm ở đợt cuối cùng tìm kiếm có tìm thấy một bộ hài cốt tương đối nguyên vẹn và đang ôm khẩu súng AK ở phía Bắc cầu Nhe. Những lần tìm kiếm đó, chưa lần nào tìm được một thi thể nguyên vẹn. Chúng tôi, những người cũng từng tham gia chiến đấu ở chiến trường nên rất thương các anh khi những ngôi mộ của các anh không trọn vẹn thi thể.
Hiện nay, mảnh đất phía nam cầu Nhe trở thành ngôi mộ tập thể của 53 cán bộ, chiến sĩ đơn vị Tiểu đoàn 351, Trung đoàn 5 Yên Tử (Đoàn 1019), Quân Khu 3; Bộ Tư lệnh thành phố Hải Phòng.
Hằng năm, ngày 15/4 nhân dân địa phương vẫn đến nhà bia tưởng niệm và chân cầu Nhe để thắp hương tưởng niệm những người con đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Tại đây vẫn còn mố Cầu Nhe năm xưa nằm giữa dòng sông như một chứng tích không thể xóa nhòa. Nhà bia tưởng niệm các Liệt sỹ ngày càng đẹp hơn khi vừa qua được đầu tư 350 triệu đồng là nguồn đóng góp từ cán bộ công nhân viên Sở GTVT thành phố Hải Phòng, các CCB của Trung đoàn Yên Tử và các doanh nghiệp.
Năm 2005, Nhà bia - Miếu thờ các Liệt sĩ hy sinh tại Cầu Nhe đã được xây dựng. Ngày 27-01-2014, UBND tỉnh công nhận Nhà bia - Miếu thờ Liệt sĩ Cầu Nhe là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Ngọ - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Vĩnh Yên cho biết: “Nhân dân trong xã rất ý thức trong việc chăm lo xây dựng cảnh quan và môi trường khu vực nhà bia tưởng niệm các chiến sỹ hy sinh tại Cầu Nhe. Đây cũng là địa chỉ đỏ để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, tinh thần chiến đấu hết mình để bảo vệ Tổ quốc. Hằng năm, chúng tôi tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề cho thanh thiếu niên trong xã và luôn giành một thời lượng nhất định để nói về chiến tích cầu Nhe. Cầu Nhe đang là điểm đến của nhân dân trong và ngoài tỉnh. Sự hy sinh của 53 chiến sỹ mãi mãi là bài học lịch sử cách mạng sâu sắc cho nhiều thế hệ”.