Nội dung trên được thể hiện tại Hội nghị triển khai mở rộng mô hình thí điểm canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại 12 tỉnh vùng ĐBSCL do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chủ trì.
Các địa phương tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao có kế hoạch mở rộng 98 mô hình
Theo kết quả triển khai thí điểm được Cục Trồng trọt đưa ra, 6 mô hình thí điểm triển khai tại 5 tỉnh, thành vùng ĐBSCL trong năm 2024 đã trải qua 2 - 3 vụ, với nhiều hiệu quả và lan tỏa nhanh.
Như trong vụ thu đông 2024, các mô hình thí điểm triển khai tại TP Cần Thơ, Trà Vinh, Kiên Giang, Đồng Tháp cho năng suất từ 52,3 - 70,5 tạ/ha, cao hơn so với ngoài mô hình từ 1,5 - 3,4 tạ/ha; tổng chi phí sản xuất lúa trong mô hình thấp hơn khoảng 8,2 - 15,8%; lợi nhuận các mô hình đạt được cũng cao hơn từ 13,6 - 32,3%.
Còn tại tỉnh Sóc Trăng, vụ hè thu 2024 năng suất đạt 65 tạ/ha, cao hơn 2 tạ/ha so với ngoài mô hình; tổng chi phí sản xuất vụ này thấp hơn 20% so với ngoài mô hình, kéo theo lợi nhuận tăng, cao hơn 12% so với ngoài mô hình.
Các HTX áp dụng tốt quy trình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp và tuân thủ các quy định khi tham gia mô hình. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng tự nguyện tham gia tích cực.
Với những kinh nghiệm đạt được, trong vụ đông xuân 2024 - 2025, các địa phương tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao có kế hoạch mở rộng 98 mô hình.
Cụ thể, 5 địa phương đã tham gia mô hình thí điểm của Bộ NN&PTNT có kế hoạch mở rộng ra nhiều huyện, thị xã, với tổng số 53 mô hình, tương đương diện tích khoảng 3.653ha. 4 tỉnh là Long An, Tiền Giang, Hậu Giang và An Giang tuy không nằm trong kế hoạch thí điểm, nhưng đã có kế hoạch triển khai 45 mô hình, với diện tích 745,3ha trong vụ đông xuân 2024 - 2025.
Riêng để chuẩn bị cho việc ký thỏa thuận chi trả giảm phát thải từ Quỹ Tài chính các bon chuyển đổi (TCAF), Cục Trồng trọt đã tiến hành khảo sát thực tế vùng sản xuất mà 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã đăng ký đảm bảo tiêu chí Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Qua đó, cơ quan chuyên môn khuyến nghị các địa phương lựa chọn các HTX, tổ hợp tác có cơ sở hạ tầng tốt, chủ động hoàn toàn về tưới tiêu, nhất là những vùng đã được trang bị hệ thống trạm bơm.
Đồng thời, loại bỏ những vùng đã làm mô hình 1 phải 5 giảm của Dự án VnSAT. Trên cơ sở đánh giá sự sẵn sàng của các địa phương trong việc áp dụng tưới ướt - khô xen kẽ (AWD), những vùng sản xuất được lựa chọn cần có quy mô lớn, liền vùng, liền thửa. Cục Trồng trọt kiến nghị diện tích đăng ký của các địa phương khu trú ở quy mô 20.000 ha.
Đề nghị các địa phương cân nhắc 3 vấn đề khi mở rộng mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải
Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương quyết tâm nhân rộng mô hình triển khai Đề án và thực hiện tốt các nội dung của Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC. Quan tâm công tác thông tin tuyên truyền và tập huấn, đào tạo để thay đổi tư duy của người sản xuất và nâng cao nhận thức, hành động của các bên liên quan.
Thực hiện tốt việc tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi, với sự gắn kết chặt giữa nông dân tại các hợp tác xã với doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng lúa gạo. Cục Trồng trọt phối hợp Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cùng các bên liên quan kịp thời mở các lớp tập huấn cho nông dân và đào tạo, nâng cao năng lực cho các hợp tác xã và các lực lượng tham gia Đề án…
Thứ trưởng Trần Thanh Nam ủng hộ kế hoạch mở rộng mô hình thí điểm của các địa phương. Tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị các địa phương bình tĩnh, đánh giá thấu đáo khả năng thực hiện, không gấp, thà chậm mà chắc.
“Đăng ký phải làm tốt, đúng quy trình, kết quả chắc rồi muốn nhân nhanh chừng nào tốt chừng đó, vì đã có kinh nghiệm chỉ đạo và quản lý rồi. Qua 1 năm thí điểm, kết quả đã có, nhưng tôi vẫn lo, vì tư duy sản xuất của người dân vẫn còn theo mùa vụ. Trong quản lý của ngành nông nghiệp vẫn còn khâu này, khâu kia khập khiễng, chưa được thống nhất, do đó, cứ chậm mà chắc”, Thứ trưởng Nam cho biết.
Mặt khác, Thứ trưởng đề nghị các địa phương cân nhắc 3 vấn đề khi mở rộng mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải.
Thứ nhất, hạ tầng thủy lợi phục vụ tưới tiêu phải chủ động, đảm bảo lịch thời vụ, đáp ứng được quy trình canh tác lúa bền vững; có lực lượng hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, HTX trong quá trình mở rộng. Đồng thời, các địa phương cần có kế hoạch bố trí vốn cho các mô hình triển khai trong năm 2025.
Thứ hai, Thứ trưởng giao Cục Trồng trọt phối hợp với các đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ NN&PTNT, xem xét nhu cầu của các địa phương để tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho lực lượng khuyến nông và HTX. Đây là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự thành công cho các mô hình khi mở rộng.
Thứ ba, Cục Trồng trọt chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chọn lọc những HTX đủ năng lực, đảm bảo các điều kiện về thủy lợi để thực hiện thí điểm chi trả giảm phát thải như cam kết với các tổ chức quốc tế./.