Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT vừa cho biết, trong cả năm 2024, vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2023, đánh dấu mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay.
Lũy kế đến ngày 31/12, cả nước có 42.002 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 502,8 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt gần 322,5 tỷ USD, tương đương 64,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tổng vốn FDI đăng ký mới, điều chỉnh, góp vốn, mua cổ phần và phần vốn góp từ đầu năm đến nay đạt gần 38,23 tỷ USD.
Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam, bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38,23 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, vốn đăng ký cấp mới đạt 19,73 tỷ USD, giảm 7,6% về số vốn đăng ký. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 13,44 tỷ USD, chiếm 68,1% tổng vốn đăng ký cấp mới. Hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 3,72 tỷ USD, chiếm 18,8%; các ngành còn lại đạt 2,57 tỷ USD, chiếm 13,1%.
Trong số 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam năm 2024, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 6,26 tỷ USD, chiếm 31,7% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Hàn Quốc 2,89 tỷ USD, chiếm 14,6%; Trung Quốc 2,84 tỷ USD, chiếm 14,4%; Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) 2,17 tỷ USD, chiếm 11,0%.
Ngoài ra, vốn đăng ký điều chỉnh tăng thêm 13,96 tỷ USD, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 4,54 tỷ USD, giảm 48,1% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vốn FDI đăng ký giảm trong năm 2024, thế nhưng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2024 lại tăng, ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương nhận định: “Các nhà đầu tư nhìn thấy rõ Việt Nam có những động thái hết sức cụ thể trong việc chuẩn bị để sẵn sàng thu hút các dự án của các nhà đầu tư. Về các điều kiện cơ bản của các dự án đầu tư nước ngoài như: đất đai, năng lượng, nguồn nhân lực thì chúng ta đã có rất nhiều cái mới trong năm 2024.
Nguồn nhân lực thì chúng ta sẵn sàng rồi và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng được giao nhiệm vụ hướng tới đào tạo 50 nghìn kỹ sư, cũng như là người lao động chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn. Chúng ta tham gia các chuỗi cung ứng hoặc là chuỗi sản xuất, thì rõ ràng cải thiện được vị thế trên trường quốc tế trong công tác đối ngoại, sẽ là tiền đề cơ bản để tham gia vào các chuỗi trong kinh tế và sản xuất kinh doanh”.
Theo các chuyên gia, năm 2024 và những năm tiếp theo, Việt Nam tiếp tục định hướng chính sách, thu hút đầu tư nước ngoài chủ động, hợp tác trên nguyên tắc bình đẳng, lựa chọn, các dự án chất lượng theo hướng xanh, sạch, phát triển bền vững, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia, để nguồn lực đầu tư nước ngoài mang lại lợi ích cho cả nhà đầu tư, Nhà nước, nền kinh tế ở cả góc độ kinh tế, xã hội, môi trường...
Từng bước triển khai hiệu quả Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Và không chỉ là số vốn, điều quan trọng là, nguồn lực đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã có bước dịch chuyển lớn - đó là các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, từng bước đưa Việt Nam bước lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu trong giai đoạn phát triển mới./.