Năm 2024, ngành gỗ tiếp tục phá nhiều kỷ lục, trong đó đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu đạt 16,25 tỷ USD, vượt khoảng 500 triệu USD so với kỷ lục cũ được xác lập năm 2022 (15,8 tỷ USD). Cùng với gỗ, lâm sản ngoài gỗ cũng đóng góp 1,04 tỷ USD, giúp tổng giá trị xuất khẩu đạt khoảng 17,3 tỷ USD.
Thời cơ và thách thức đối với ngành gỗ sẽ đan xen
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, Hoa Kỳ tiếp tục giữ vững vị trí số một về thị trường xuất khẩu mặt hàng gỗ và các sản phẩm gỗ, gấp khoảng 4 lần so với vị trí thứ nhì – Trung Quốc. Cùng với EU, 3 thị trường này có sức tăng trưởng lớn bậc nhất trong năm 2024 và dự kiến sẽ tiếp tục giữ vững xu thế, ít nhất là nửa đầu năm 2025.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) nhận định, thời cơ và thách thức đối với ngành gỗ sẽ đan xen. Về thuận lợi, EU đã lùi thời gian áp dụng Luật Chống phá rừng (EUDR), thay vì áp dụng từ đầu năm 2025 thì thời điểm luật có hiệu lực sẽ là ngày 30/12/2025 đối với các công ty lớn và 30/6/2026 đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
"Năng lực cạnh tranh là yếu tố sống còn lúc này. Doanh nghiệp ngành gỗ phải đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu như sản xuất minh bạch, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, có mẫu mã đẹp và giá cả hợp lý", ông Lập nói và mong muốn các cơ quan quản lý tiếp tục đồng hành cùng ngành gỗ trong việc cung cấp các thông tin về chính sách, các biện pháp phòng vệ thương mại để xuất khẩu bền vững hơn.
Chủ tịch VIFOREST thừa nhận, khối doanh nghiệp chế biến gỗ có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang chiếm tỷ lệ ngày một lớn trong giá trị xuất khẩu của ngành gỗ. Hiện cả nước có trên 4.000 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp, nhóm FDI chiếm khoảng 20% nhưng xuất khẩu lên tới gần một nửa tổng kim ngạch của cả ngành. Số lượng và giá trị xuất khẩu của khối FDI tăng trưởng ổn định những năm qua.
Việt Nam đã và đang đón nhận nhiều dự án đầu tư nước ngoài và trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong những năm gần đây. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết quý III/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài là gần 25 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ 2023. Trong số này, Singapore dẫn đầu, với tổng vốn đầu tư hơn 7 tỷ USD, tiếp đến là Trung Quốc, Hàn Quốc…
Đối với ngành gỗ, riêng 9 tháng đầu năm 2024, toàn ngành có thêm gần 100 dự án đầu tư mới, với số vốn hơn 700 triệu USD. Trong đó, khối FDI đã đóng góp gần 300 triệu USD. Điều này khẳng định xu thế cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các doanh nghiệp ngành gỗ.
Yếu tố xanh sẽ tác động lớn đến xu hướng xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong dài hạn
Trong Đề án Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025. Đồng thời, trên 80% cơ sở chế biến, bảo quản gỗ đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Để thích ứng, nhiều doanh nghiệp gỗ cũng đã và đang lấy sản xuất xanh làm chiến lược và lợi thế cạnh tranh. Theo đó, các doanh nghiệp liên tục đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình theo chiều sâu, gắn với phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.
Nhận định về tình hình những năm tới, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho rằng, yếu tố xanh sẽ là một trong những tác động lớn đến xu hướng xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong dài hạn, khi mà nhiều quy định của các thị trường đang được triển khai, thực thi như quy định chống phá rừng (EUDR) hay Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của châu Âu.
Theo ông Bảo, bên cạnh việc xây dựng các khu chế biến công nghệ cao, mở rộng thị phần xuất khẩu, chủ động xúc tiến thương mại gỗ và sản phẩm gỗ tại các thị trường chính, phát triển bán hàng qua các kênh thương mại điện tử, ngành gỗ cần quan tâm hơn và đầu tư vào vùng nguyên liệu. Cụ thể, là phát triển nhiều hơn những rừng trồng gỗ lớn, rừng được quản lý bền vững và cấp chứng chỉ (FSC hoặc PEFC).
Hiện Cục Lâm nghiệp đã phối hợp các đơn vị thực hiện thí điểm việc cấp mã số vùng trồng rừng tại một số tỉnh phía Bắc, tiến tới mở rộng ra toàn quốc. Nhiệm vụ của mã số này là phát triển chuỗi cung gỗ hợp pháp, đảm bảo truy xuất nguồn gốc gỗ thích ứng với các yêu cầu quốc tế, cũng như phát triển phương pháp đo đếm, báo cáo và thẩm định (MRV) để xác định khả năng hấp thụ, lưu trữ carbon rừng trồng.
“Tiêu chuẩn rừng trồng của Việt Nam càng cao, gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ càng dễ thâm nhập vào những thị trường khó tính”, ông Bảo nhấn mạnh.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Viforest, cho rằng dần dần, tất cả các thị trường nhập khẩu đồ gỗ sẽ siết chặt các điều kiện liên quan đến yếu tố xanh; xanh từ sản xuất đến thương mại xanh, tăng trưởng xanh… Vì vậy, ngành chế biến gỗ xuất khẩu buộc phải đáp ứng yêu cầu truy xuất đến tận người trồng rừng. "Đây không còn là đòi hỏi mang tính tự nguyện, mà đã trở thành điều kiện bắt buộc nếu muốn bán hàng cho đối tác”, ông Hoài nói.
Dù còn nhiều thách thức nhưng theo các chuyên gia không còn cách nào khác là phải chuyển đổi dần để thích ứng và tồn tại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nào đi tiên phong trong chuyển đổi xanh sẽ có nhiều cơ hội hơn, tiếp cận sớm hơn với các nguồn vốn quốc tế, từ đó giúp doanh nghiệp duy trì và gia tăng khả năng cạnh tranh trên thương trường./.