Thông tin trên được công bố tại Họp báo công bố số liệu Thống kê kinh tế-xã hội quý 4 và năm 2024, do Tổng cục thống kê tổ chức ngày 6/1.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 8,4% so với năm 2023
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh sản xuất trong quý 4 để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm. Điều này đã giúp sản xuất công nghiệp của quý tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực với chỉ số sản xuất ước tính tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 8,4% so với năm 2023. Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2020, đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ sau những khó khăn của các năm trước. Cụ thể, chỉ số IIP các năm 2020-2024 lần lượt tăng 3,3%; 4,7%; 7,4%; 1,3% và 8,4%.
Đóng góp vào mức tăng trưởng chung của toàn ngành, các ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6%, đóng góp 8,4 điểm phần trăm. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,5%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,7%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm. Ngược lại, ngành khai khoáng giảm 6,5%, làm giảm 1,0 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Đáng chú ý, nhiều ngành công nghiệp cấp II có chỉ số IIP tăng cao trong năm 2024, như sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (tăng 24,9%, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế (tăng 23,8%, sản xuất xe có động cơ (tăng 21,1%)…
Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 ghi nhận sự khác biệt giữa các địa phương, cụ thể 60 địa phương tăng và 3 địa phương giảm so với năm trước. Trong đó, một số địa phương có chỉ số IIP tăng khá cao nhờ vào sự tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (như Phú Thọ tăng 44,7%, Lai Châu tăng 35,8%, Bắc Giang tăng 28,2%, Thanh Hóa tăng 19,6%) và ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao (như Khánh Hòa tăng 135,7%, Trà Vinh tăng 50,2%, Điện Biên tăng 49,5%).
Trong năm 2024, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,3% so với năm 2023. Đáng chú ý, chỉ số tiêu thụ tháng 12 lại giảm 5,1% so với tháng trước và tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 31/12/2024 tăng 10,6% so với cùng thời điểm năm trước, và tỷ lệ tồn kho bình quân năm 2024 là 77,1%.
Theo báo cáo, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/12 đã tăng 3,2% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có mức tăng cao nhất là 3,7%.
Vai trò của ngành công nghiệp là xương sống của sự phát triển
Các chuyên gia nhận định, để có được sản xuất công nghiệp phục hồi ở mức cao, góp phần đưa tăng trưởng GDP năm 2024 đạt trên 7% phải kể đến những bứt phá ngoạn mục của lĩnh vực năng lượng - ngành công nghiệp hạ tầng nền tảng - đã đảm bảo đủ than, điện, xăng dầu và dầu khí cho sản xuất và tiêu dùng. Trong đó, chỉ riêng tăng trưởng điện tính chung cả năm lên tới 12% mặc dù năm 2024 khu vực miền Bắc chưa có nguồn điện công suất lớn nào mới được đưa vào vận hành, nhưng đã không để xảy ra tình trạng căng thẳng nguồn cung điện như năm 2023.
Nhiều dự án lớn trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng được hoàn thành trong năm 2024. Đặc biệt là Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối được thi công xây dựng “thần tốc” trong rất nhiều khó khăn thách thức, nhưng chỉ sau hơn 6 tháng đã hoàn thành, trở thành biểu tượng của sức mạnh niềm tin, sự quyết tâm và đoàn kết của cả hệ thống chính trị.
Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng: "Vai trò của ngành công nghiệp là xương sống của sự phát triển, tăng trưởng GDP chúng ta cần phải khẳng định. Tôi nghĩ chúng ta cần phải chuyển đổi cơ cấu công nghiệp Việt Nam theo hướng công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghiệp thông minh; coi trọng việc tổ chức công nghiệp Việt Nam theo chuỗi giá trị. Và đặc biệt chúng ta cần phải tinh gọn bộ máy quản trị để chi phí về tuân thủ, chi phí về hồ sơ, giấy tờ, chi phí của môi trường phi chính thức giảm đi…
Nếu nhìn lại các ngành sản xuất trong nước, với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm 2023 chỉ tăng 1,5% so với năm 2022 - trong đó sản xuất công nghiệp đã tăng trưởng âm ngay trong những tháng đầu năm 2023 - chúng ta càng thấy những kết quả có được của sản xuất công nghiệp 2024 là hết sức ấn tượng.
Chúng ta cũng nên lưu ý là những lĩnh vực công nghiệp mới cần phải được đầu tư mạnh hơn. Ví dụ như công nghiệp bán dẫn, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng xanh rồi những ngành công nghiệp liên quan đến chuyển đổi số - như AI chẳng hạn, những cái đó chúng ta nên đầu tư nhiều hơn, mạnh hơn, quyết liệt hơn để tạo sự bứt phá của ngành công nghiệp. Do đó, nó sẽ là đầu tàu để đẩy nền kinh tế tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo - giai đoạn vươn mình của nền kinh tế"./.