Nhiều loại rau quả Việt Nam đang rộng cửa vào các thị trường
Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, năm 2024 kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục với con số 7,2 tỷ USD. Thị trường Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) chiếm phần lớn kim ngạch kỳ này. Với nhu cầu ngày càng cao, chất lượng, sản lượng phải ổn định, Việt Nam đã rất nỗ lực để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ đối tác, từng bước tạo được vị thế của mình. Đây cũng là những thuận lợi để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, gia tăng kim ngạch trong năm 2025.
Nhiều loại rau quả Việt Nam đang rộng cửa vào các thị trường, trong đó có Đông Bắc Á đã góp phần cho ngành xuất khẩu rau quả đạt kim ngạch 7,2 tỷ USD năm 2024, số lượng rau quả xuất khẩu chính ngạch ngày càng tăng. Đây sự tích lũy thành quả của các năm trước khi các loại cây ăn quả đa số đều cần thời gian đầu tư dài, ít nhất từ 5 đến 7 năm trước.
Từ năm 2014 đến nay, trái nhãn rồi lần lượt là chuối, xoài, sầu riêng, vú sữa, bưởi... lần lượt xuất ngoại. Ngoài sản lượng, các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả Việt Nam ngày càng đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn, quy chuẩn của đối tác và đã thâm nhập sâu hơn vào nhiều thị trường khắt khe về mức độ tin cậy an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính vì vậy việc mở cửa thị trường cho những loại quả sau trở nên dễ dàng hơn, giúp kim ngạch tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng: "Không có gì hơn là phải giữ vững chất lượng, số lượng ổn định. Cần nhất số lượng tăng theo chất lượng thì chúng ta mới có thể là giữ vững được kim ngạch năm nay và tăng thêm so với năm ngoái. Với đà hiện nay, chúng tôi dự kiến trong năm 2025, ít nhất hoạt động xuất khẩu rau quả sẽ đạt ít nhất khoảng 8 tỉ USD".
Đứng vững qua giai đoạn khó khăn Covid-19, từ năm 2023 đến nay, xuất khẩu rau quả Việt Nam đã có những bước tăng trưởng vượt bậc. Năm 2023, xuất khẩu rau quả lần đầu tiên đạt mức kỷ lục 5,6 tỷ USD tăng 57,7% so với năm 2022 chỉ trong vòng 1 năm. Trong năm 2024, xuất khẩu rau quả tiếp tục gặt hái những thành công mới khi vượt mốc 6 tỷ USD và kết quả 12 tháng năm 2024, kim ngạch đạt gần 7,2 tỷ USD.
Ông Đặng Phúc Nguyên cũng cho biết, với diện tích trồng cây ăn quả khoảng 1,2 triệu ha và tổng sản lượng trên 14 triệu tấn/năm, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những nước xuất khẩu trái cây quan trọng cho thế giới.
Bằng chứng là kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam không ngừng tăng từ 3,3 tỷ USD năm 2022 trở về trước lên 5,6 tỷ USD năm 2023 và năm nay có thể đạt hơn 7,2 tỷ USD. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu rau quả có thể đạt hơn 10 tỷ USD vào năm 2030.
Kết quả này có được là do chất lượng rau quả của chúng ta ngày càng được nâng cao nhờ áp dụng quy trình sản xuất hiện đại với các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như VietGAP, GlobalGAP. Ngoài ra, chúng ta có sự đa dạng về chủng loại và cạnh tranh về giá.
Điều quan trọng nữa là Nhà nước đang có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp, tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc sản xuất và xuất khẩu rau quả.
Ngoài ra, hiện nay, nhu cầu về thực phẩm tươi sống đang tăng cao, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, thói quen tiêu dùng của người dân đã thay đổi, có xu hướng tiêu dùng thực phẩm tươi sống nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu rau quả.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã thương lượng và ký được một loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA). Theo đó, 16/19 FTA cùng với nhiều nghị định thư với các thị trường quan trọng đã mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu rau quả Việt Nam thâm nhập sâu vào các thị trường, nhất là những thị trường có nhu cầu lớn, mới nổi như Trung Quốc, Trung Đông, Nam Á, Ấn Độ,... tạo ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao năng lực để đáp ứng các yêu cầu của thị trường
Hiện nay, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, sát bên thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất thế giới là Trung Quốc. Đây là một thị trường có kim ngạch nhập khẩu rau quả hàng năm lên tới gần 20 tỷ USD. Trung Quốc cũng là một trong những thị trường nhập khẩu lớn trái cây của Việt Nam trong năm qua, ước đạt 4,6 tỷ USD, chiếm gần 70% lượng trái cây xuất khẩu của Việt Nam.
Đây là thị trường lớn, tiềm năng, với dân số 1,4 tỷ người và là nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới. Các cửa khẩu ở biên giới Việt Nam nằm rất gần các chợ đầu mối bên Trung Quốc nên đã rút ngắn rất nhiều thời gian vận chuyển hàng rau quả từ nơi sản xuất đến chợ tiêu thụ phía Trung Quốc, giảm đáng kể chi phí logistics so với các nước khác.
Nhìn vào con số tích cực trong xuất khẩu, có thể thấy chất lượng nông sản, trong đó có rau củ quả của Việt Nam được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên để hoạt động xuất khẩu có sự ổn định, tạo bứt phá, nhà sản xuất nên nhìn xa hơn về sự sống còn của ngành và chính mình hơn tính chuyện lỗ, lãi trước mắt.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương cho biết: Với sự hỗ trợ rất tích cực, mở cửa thị trường của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn và Bộ Ngoại giao, nhiều mặt hàng mới được khơi thông, như: trái dừa, sầu riêng vào thị trường Trung Quốc; bưởi vào thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hà Lan…
Cùng với nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nâng cao vị thế cho nông sản, rau củ quả trái cây thì nhà sản xuất cũng phải quyết liệt thay đổi nhận thức trong việc tuân thủ quy định của những thị trường cụ thể trong khu vực Đông Bắc Á, Hoa Kỳ, EU, Trung Đông… hướng đến sự phát triển ổn định chung của ngành.
Ông Vũ Bá Phú cho biết: "Trong thời gian tới Bộ Công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại với Hiệp hội rau quả. Đặc biệt là sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức nhiều hơn những triển lãm hoặc lễ hội trái cây ở nước ngoài. Chẳng hạn như ở Bắc Kinh hoặc có thể đánh mạnh một số thị trường khác như: Hoa Kỳ, Pháp, Đức...".
Để duy trì được sự ổn định trong xuất khẩu, không gì hơn là doanh nghiệp Việt Nam phải tiếp tục điều chỉnh để đáp ứng các yêu cầu của đối tác, có chiến lược cụ thể, tầm nhìn xa hơn trong giảm thiểu rủi ro. Qua đó tăng cường đầu tư cho chất lượng, hình ảnh rau củ quả, trái cây, tạo thêm nhiều cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản Việt Nam./.