Việt Nam đổi mới để vươn mình trong kỷ nguyên mới, khẳng định tầm vóc “con hổ kinh tế” của châu Á

Trong 25 năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế ấn tượng với mức tăng trưởng GDP cao và tỉ lệ nghèo đói giảm đáng kể. Câu hỏi đặt ra là: đâu là động lực thúc đẩy sự phát triển này, và liệu Việt Nam có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong 25 năm tới?

Nội dung trên được chia sẻ tại Hội thảo “Đổi mới để vươn mình trong kỷ nguyên mới” do Sở Công Thương TP.HCM, báo Tuổi Trẻ và CSMO Việt Nam phối hợp tổ chức. Sự kiện đã thu hút hơn 300 doanh nghiệp và chuyên gia tại TP.HCM, nhằm khơi nguồn cảm hứng đổi mới, mở ra cơ hội nâng tầm thương hiệu Việt trên trường quốc tế.

thuog-hieu-doanh-nghiep-3-1735951572.jpg
Các doanh nghiệp Việt trò chuyện, chia sẻ câu chuyện giữ vững thương hiệu và đổi mới sáng tạo tại Hội thảo.(Ảnh CTV)

Các doanh nghiệp thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết Ngày hội Thương hiệu vàng TP.HCM năm nay đánh dấu chặng đường 5 năm với nhiều giá trị ý nghĩa cho cộng đồng doanh nghiệp.

Giải thưởng đã góp phần tôn vinh các thương hiệu tiêu biểu, khẳng định vị thế của doanh nghiệp TP.HCM trong bối cảnh hội nhập. Qua đó, các doanh nghiệp không chỉ nâng cao giá trị thương hiệu mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.

Chủ đề “Đổi mới và Bền vững” năm nay thể hiện mong muốn đổi mới quy trình tổ chức giải thưởng, đảm bảo tính khách quan, chuyên nghiệp và lan tỏa mạnh mẽ giá trị giải thưởng. Ban tổ chức kỳ vọng xây dựng giải thưởng trở thành biểu tượng uy tín, góp phần vào chiến lược phát triển thương hiệu của TP.HCM và quốc gia, vươn xa tầm khu vực và quốc tế.

Hội thảo “Đổi mới để vươn mình trong kỷ nguyên mới” mong muốn truyền cảm hứng về tinh thần không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững của các doanh nghiệp Việt hướng tới kỷ nguyên mới. Qua đó, cộng đồng doanh nghiệp, nhà khởi nghiệp và các bạn trẻ có được cơ hỏi học hỏi, cập nhật những kiến thức mới nhất về kinh doanh, marketing và xây dựng thương hiệu, góp phần xây dựng đất nước trong tương lai ngày một giàu mạnh.

thuog-hieu-doanh-nghiep-1-1735951607.jpg
Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Nguyễn Thị Kim Ngọc phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh CTV)

Kể câu chuyện của Vinamilk, ông Nguyễn Quang Trí, Giám đốc điều hành Marketing Vinamilk, cũng cho biết dù đang ở đỉnh cao thị trường nhưng Vinamilk vẫn mạo hiểm thay đổi nhận diện, "bởi không ai có thể ở mãi trên đỉnh cao của chính mình".

“Trước khi quyết định, chúng tôi đã nghiên cứu và phân tích, nhận thấy thói quen tiêu dùng khách hàng đang thay đổi nhanh chóng, họ đòi hỏi các sản phẩm phải đẳng cấp, phải riêng biệt, thay vì quá thông dụng ai cũng có thể sở hữu. Chính vì vậy, Vinamilk quyết định thay đổi để phù hợp với xu thế cá nhân hóa, với người tiêu dùng trẻ và để phù hợp với xu thế 'go global' - đi tới toàn cầu. Rất may mắn sự thay đổi nhận được đánh giá tích cực từ cộng đồng trong và ngoài nước”, ông Trí nói.

Liệu Việt Nam có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong 25 năm tới?

Trong 25 năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế ấn tượng với mức tăng trưởng GDP cao và tỉ lệ nghèo đói giảm đáng kể. Câu hỏi đặt ra là: đâu là động lực thúc đẩy sự phát triển này, và liệu Việt Nam có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong 25 năm tới?

Ông Sam Korsmoe, tác giả cuốn sách "Việt Nam - Ngôi sao đang lên của châu Á", cho biết ông và nhóm nghiên cứu đã thực hiện một dự án nhằm lý giải những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam và dự đoán tiềm năng trong tương lai. Theo ông, nhiều người, kể cả người Việt Nam, chưa thực sự hiểu rõ các động lực này. “Chúng tôi tiếp cận dự án như những nhà khoa học, đặt ra giả thuyết và kiểm nghiệm chúng” - ông chia sẻ.

Nghiên cứu tập trung vào giả thuyết rằng Việt Nam có thể phát triển theo hướng mà Đài Loan và Hàn Quốc đã thành công trong quá khứ, trở thành "con hổ kinh tế tiếp theo của châu Á". Để làm rõ khái niệm “nền kinh tế con hổ”, nhóm nghiên cứu đã xây dựng sáu tiêu chí đánh giá: xuất khẩu, công nghiệp hóa, chuyên môn hóa, thị trường, định hướng lãnh đạo, và đổi mới lãnh đạo.

thuog-hieu-doanh-nghiep-2-1735951643.jpg
Ông Sam Korsmoe - tác giả cuốn sách “Việt Nam - Ngôi sao đang lên của châu Á” chia sẻ tại Hội thảo. (Ảnh CTV)

Theo kết quả nghiên cứu, Việt Nam hiện đáp ứng khá tốt hầu hết các tiêu chí, dù công nghiệp hóa vẫn là điểm cần cải thiện. Ông Korsmoe lưu ý rằng việc phát triển cơ sở hạ tầng và chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp là yếu tố quan trọng để nâng cao mức độ công nghiệp hóa. Đổi mới sáng tạo, tức khả năng ứng dụng công nghệ và kỹ thuật số trong các lĩnh vực kinh tế, cũng là một yếu tố quyết định.

Ông chỉ ra tám động lực chính giúp Việt Nam có tiềm năng lớn, trong đó nổi bật là chiến lược "Trung Quốc +1", khi các nhà sản xuất chuyển dịch khỏi Trung Quốc để tận dụng lợi thế của Việt Nam. Lợi thế dân số trẻ, với hơn 100 triệu người, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ và vai trò nổi bật của phụ nữ trong nền kinh tế, cũng được ông đánh giá cao. Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ của Internet, các tài nguyên thiên nhiên phong phú, và tác động của cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ cũng mang đến nhiều cơ hội.

Ông cũng nhấn mạnh vai trò của các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội và Cần Thơ trong việc dẫn dắt sự phát triển. Những địa phương này cần tiếp tục đổi mới sáng tạo, nâng tầm các lĩnh vực như sự kiện, ẩm thực và điện ảnh, để trở thành điểm đến tầm cỡ quốc tế.

“Chúng ta cần Think Big - nghĩ lớn, ước mơ lớn và thực hiện chúng một cách bền bỉ” - ông Korsmoe nhấn mạnh. Ông gợi ý rằng TP.HCM nên trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện mang tầm vóc toàn cầu như các show diễn lớn. “Nghĩ lớn cũng đồng nghĩa với việc đầu tư cho nguồn nhân lực tương lai, xây dựng các thương hiệu toàn cầu, và nâng cao văn hóa Việt Nam trên sân khấu thế giới. Tuy nhiên, cần song song nhận diện rủi ro để phát triển bền vững”.

Tuy nhiên, ông Sam Korsmoe cũng cảnh báo Việt Nam đối mặt với thách thức lớn trong việc tránh “bẫy thu nhập trung bình”. Để duy trì sự phát triển bền vững, cần đầu tư vào giáo dục, cải thiện cơ sở hạ tầng và thực hiện các cải cách chính sách.

“Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng. Nếu tận dụng tốt cơ hội, quốc gia này không chỉ là ngôi sao đang lên mà còn có thể trở thành ngôi sao dẫn đầu của châu Á”, ông Sam Korsmoe khẳng định./.

Trọng Bình