Cách làm sáng tạo của nông dân có khu vườn đẹp nhất Nghệ An

Vượt qua nhiều "đối thủ" nặng ký, khu vườn của hộ gia đình bà Cao Thị Hợi (xóm Kim La, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc) đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi "Vườn chuẩn nông thôn mới đẹp" tỉnh Nghệ An năm 2022. Không chỉ Xanh - Sạch - Đẹp mà bằng cách làm sáng tạo với những giống cây chất lượng cao có giá trị kinh tế vượt trội, quy hoạch quy củ… là những yếu tố làm nên khu vườn đẹp nhất Nghệ An.

Từ đam mê đến thành công

Đến thăm khu vườn của gia đình bà Cao Thị Hợi ở xóm Kim La, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, ngay cổng vào nhà, những hàng hoa giấy khoe sắc đã lôi cuốn chúng tôi. Người phụ nữ đôn hậu sinh năm 1957 - chủ khu vườn chuẩn đẹp nhất Nghệ An này rất nhiệt tình dẫn chúng tôi đi thăm vườn và kể về niềm đam mê làm vườn và quá trình xây dựng vườn chuẩn NTM.

a-01-1684313958.jpg
Rộng hơn 1.000m2, khu vườn được quy hoạch theo các phân khu chức năng như: Khu trồng cây ăn trái, khu trồng rau, khu trồng dược liệu, khu chăn nuôi khép kín…

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất thuần nông xã Nghi Long nên bà Cao Thị Hợi cũng đã nếm trải đầy đủ những vất vả của nghề nông. Nhưng sự trải nghiệm và những kiến thức về ruộng đồng, kinh nghiệm trồng trọt nhiều năm về canh tác lại hun đúc trong bà một niềm đam mê với nông nghiệp, với cây trồng. Cộng thêm đó chồng bà, ông Thái là cán bộ hưu trí, cũng là người có đam mê đặc biệt với việc trồng cây và mong muốn phát triển một khu vườn đúng theo đam mê và kiến thức đã được học.

Đúng thời điểm này, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở xã Nghi Long phát triển mạnh, xã kêu gọi những gia đình có vườn rộng hơn 500 m2 cải tạo để xây dựng những vườn mẫu theo tiêu chí NTM. Hai vợ chồng bà đã bàn với nhau thực hiện cải tạo, xây dựng khu vườn thành một mẫu hình phát triển kinh tế, cảnh quan môi trường cũng như tạo sự lan tỏa trong phát triển vườn mẫu ở địa phương.

Từ tháng 4/2020, vợ chồng bà Hợi bắt tay vào công cuộc quy hoạch, xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới. Bắt đầu từ khuôn viên và một số loại có sẵn của gia đình, ông bà đã xây dựng các ý tưởng về thiết kế, quy hoạch để lên phương án đầu tư xây dựng vườn, cùng với sự hộ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn của Hội Làm vườn, Hội nông dân các cấp và UBND xã đã thống nhất quy hoạch, lên phương án cải tạo, đầu tư xây dựng vườn theo các tiêu chí đã quy định.

Những tưởng vườn được tôn tạo, cải tạo là cây trồng phát triển, nhưng do lớp đất khô cằn nên cây không lớn, thậm chí lụi tàn dần như thách thức niềm đam mê của vợ chồng hai ông bà. Một kế hoạch bơm tưới thường xuyên, rồi đào hố chôn đất màu, bón phân chuồng để tạo độ màu mỡ được triển khai.

a-02-1684313881.JPG
Các đường đi, lối lại trong vườn được xếp bằng gạch, rất sạch sẽ và thuận tiện.

"Quá trình quy hoạch cũng phải liên tục thay đổi, điều chỉnh để phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn", ông Hoàng Văn Thái (chồng bà Hợi) cho biết. Các kế hoạch, ý tưởng, trồng loại cây gì... được hai ông bà bàn bạc, thảo luận kỹ trước khi trồng. Lấy sức người cải tạo thiên nhiên, với đôi bàn tay cần mẫn của cả hai ông bà, rồi thuê nhân công lao động nhiều tháng đã giúp khu vườn trồng được những gốc bưởi, gốc na và nhiều loại cây có giá trị.

Sau 3 năm, được Hội Làm vườn, Hội Nông dân và UBND xã đồng hành, vợ chồng bà Hợi ông Thái đã gây dựng được khu vườn rộng gần 1.000m2, được quy hoạch, phân chia thành từng ô, thửa vuông vắn, hệ thống tưới tiêu tự động. "Sau khi cung cấp cho gia đình, các sản phẩm của vườn được bán ra thị trường. Nếu như trước đây chưa xây dựng theo mô hình vườn chuẩn, mỗi năm thu hoạch không đến 20 triệu đồng. Năm vừa rồi, chúng tôi thu hoạch hơn 60 triệu đồng từ sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi, tức là gấp 3 lần trên cùng một diện tích", bà Hợi cho hay.

Cách làm sáng tạo

Khám phá khu vườn tổng diện tích gần 1000m2 này, nhiều người không khỏi trầm trồ về cách bài trí, sự chăm sóc công phu cũng như tính đa dạng sinh học. Không chỉ chú trọng về cảnh quan mà còn chú trọng về hiệu quả kinh tế nên chủ vườn không chuyên canh một loại cây ăn quả mà chia thành nhiều khoảnh để phát triển nhiều loại cây trồng khác nhau.

a3-1684314148.jpg
Vườn được đầu tư hệ thống tưới bằng béc với 260m chiều dài và 60 béc phun, tất cả được tự động hoá, điều khiển thông qua điện thoại thông minh

Vườn được quy hoạch thành các phân khu chức năng như: Trồng cây ăn quả, rau, cây dược liệu, chăn nuôi... Giữa các ô, thửa được phân cách thành lối đi bằng gạch có thể linh động di dời, vừa tạo sự quy củ, đồng thời dễ khoanh vùng để ngăn ngừa, xử lý kịp thời khi có sâu bệnh, nấm hại cây.

Vợ chồng bà Hợi trồng hơn 30 gốc cây bưởi da xanh, bưởi Diễn, ... Từ bưởi Diễn, bưởi da xanh, na... hiện đã cho quả, mùa nào thức ấy thu hoạch quanh năm. Đây là nguồn thu đáng kể cho gia đình bà Hợi so với trước đây.

Dưới tầng thấp, vườn cần tây tốt tươi, rồi từng luống rau theo được trồng để phục vụ cho gia đình. Theo bà Hợi cho biết, "Năm nay gia đình đã thu hoạch được hơn một tấn cần tây". Thu hoạch từ cây cần tây hiện đang là nguồn thu lớn nhất của vườn. Số cần tây thu hoạch, sơ chế, rửa sạch được nhập cho các cơ sở chế biến bột cần tây hoặc bà tự đi sấy lạnh, xay bột để bán và cung cấp cho bạn bè, người thân.

Ngoài ra, vợ chồng bà Hợi còn trồng thử nghiệm nhiều loại cây, rau có giá trị kinh tế như chanh Mỹ, chanh leo Nam Phi, na, cải ngọt Nhật Bản... Không phải lần thử nghiệm nào cũng thành công nhưng qua mỗi lần thất bại, ông Thái lại rút ra một bài học trong chọn lựa cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.

Theo ông Hoàng Văn Thái, Khu vườn được ông thiết kế theo đúng các tiêu chí của vườn chuẩn NTM, mọi yếu tố hợp thành đều được quy hoạch theo hướng giữ vệ sinh môi trường, cảnh quan sinh thái và tưới tiêu chủ động. Vườn được canh tác theo phương pháp sản xuất hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và hạn chế dùng phân bón vô cơ. "Sản xuất theo hướng này tốn kém hơn, thiệt hại do sâu bệnh cũng lớn hơn nhưng bù lại làm đất không bị "nghèo" đi, đặc biệt là an toàn cho sức khỏe người sử dụng và môi trường", ông Hoàng Văn Thái cho hay.

Thay vì dùng thuốc bảo vệ thực vật, ông Thái cho lắp các bẫy sinh học để trừ sâu, bệnh và côn trùng. Đối với loại cây ăn quả, ngay khi vừa đậu quả, vợ chồng ông dùng túi bọc lại để tránh sâu bệnh và ong chích.

Thay vì dùng phân bón vô cơ, bà Hợi gom phụ phẩm trong quá trình thu hoạch lại, cho vào bể chứa, sử dụng vi sinh để xử lý, vừa đảm bảo môi trường sạch, vừa tạo nguồn phân hữu cơ bón cho cây.

a-04-1684313974.jpg
Những cây bưởi trĩu quả cho nguồn thu nhập đáng kể

Với phương pháp canh tác tiên tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật... sản phẩm củ, quả từ vườn bà Hợi thực sự ấn tượng với du khách. "Một phần không nhỏ sản phẩm của vườn cung cấp cho gia đình con, cháu ở Hà Nội hay ở thành phố Vinh. Hàng tuần, chúng tôi thu hoạch, đóng gói, bảo quản rau, củ, quả... gửi đi cho các con hoặc người thân để mọi người được sử dụng sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe", bà Hợi cho hay. Đặc biệt, vào dịp cuối tuần, lễ tết đón con cháu ở xa về sum họp, vui đùa dưới tán cây ăn quả rợp bóng mát đó là niềm vui, là động lực cho vợ chồng “ông giáo già” tiếp tục chăm sóc khu vườn ngày càng tươi tốt.

Ông Lê Văn Nghĩa, Bí thư xã Nghi Long cho biết: Từ mô hình xây dựng vườn chuẩn NTM của gia đình bà Cao Thị Hợi đã lan toả đến nhiều hộ dân trên địa bàn, nhiều chủ vườn ở các địa phương đã đến tìm hiểu, học tập kinh nghiệm để triển khai. Đến nay, riêng Nghi Long có khoảng 15 hộ đã và đang xây dựng mô hình vườn chuẩn NTM, góp phần vào thành công chung của xã trong xây dựng vườn mẫu, xây dựng NTM, tạo vẻ đẹp hài hoà với các hộ liền kề trong xóm, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, ổn định đầu ra cho sản phẩm chủ lực của địa phương./.

Lê Thìn