Để thực hiện có hiệu quả việc bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, đứng từ góc độ cơ quan quản lý, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, cần thực hiện phân vùng môi trường; thiết lập các cơ chế kiểm soát, thu hút đầu tư dựa trên công nghệ, sử dụng hiệu quả tài nguyên, hướng tới đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế đồng thời giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường.
Với vùng Tây Nguyên, phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất theo mô hình tuần hoàn; thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; tăng cường tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp cũng là một hướng đi đúng đắn.
Bên cạnh đó, Tây nguyên có tiềm năng lợi thế về năng lượng tái tạo cần được khai thác hiệu quả. Tây Nguyên cũng cần hướng đến triển khai các cơ chế thí điểm mua bán tín chỉ carbon; cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên theo Luật bảo vệ môi trường năm 2020; phát triển kinh tế rừng, bảo vệ các khu rừng đặc dụng hiện có, vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên giàu tính đa dạng sinh học như Ngọc Linh, Yok Đôn, Chư Yang Shin, Bi Đoúp, Núi Bà, Chư Mo Rây...; tăng cường phát triển hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn, đặc biệt các lưu vực các sông lớn (sông Sê San, sông Ba, sông Sêrêpok, sông EaH’leo, sông Re, sông Hinh, sông Đổng Nai, Đa Nhim...) và các hồ, đập thủy lợi - thủy điện (như Ialy, Pley Krông, Đa Nhim, Sê San, A Yun Pa, Ea Súp, Đại Ninh...).
Cũng như các vùng khác, ứng phó khí hậu của vùng Tây Nguyên cũng cần dựa vào tự nhiên. Vì vậy, cần thiết lập các cơ chế, chính sách để tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các di sản thiên nhiên của vùng trên cơ sở phát triển các hoạt động du lịch và các ngành nghề, dịch vụ phục vụ du lịch để từng bước chuyển dịch sinh kế cho người dân địa phương từ phụ thuộc chính vào lâm sản rừng sang các nguồn thu bền vững khác.
Để chủ động trong thích ứng, vùng cũng cần đầu tư đổi mới hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo thiên tai và các ảnh hưởng của BĐKH. Đặc biệt chú trọng đến các loại hình thiên tai phổ biến trong vùng như động đất, trượt đất, lũ quét, lũ ống....
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khắng định, để chủ trương đúng đắn phát triển bền vững vùng Tây Nguyên đi vào thực tiễn, cần có các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể; các định hướng ưu tiên, dự án động lực với đầu tư dẫn dắt của Nhà nước; sự hỗ trợ từ các địa phương nhất là vùng kinh tế trọng điểm phía nam và miền Trung trong trách nhiệm chia sẻ lợi ích mang lại từ bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước của vùng Tây Nguyên.