TP.HCM vận động người dân không xả rác ra đường, tích cực bảo vệ môi trường

Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký ban hành Quyết định số 3709/QĐ-UBND kèm theo Kế hoạch triển khai thực hiện Cuộc vận động "Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường" giai đoạn năm 2022-2025.

Trong kế hoạch triển khai thực hiện cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường” giai đoạn 2022-2025 có nêu nhiều mục tiêu và từng giai đoạn thực hiện để các đơn vị có liên quan triển khai theo.

Kế hoạch cũng nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng các hoạt động bảo vệ môi trường, tạo sự chuyển biến rõ nét về vệ sinh môi trường tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị trú đóng trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, theo Kế hoạch, giai đoạn 2022-2023, TP.HCM thực hiện và duy trì 100% phường - xã - thị trấn tổ chức đối thoại với nhân dân về thực trạng vấn đề vệ sinh môi trường trên địa bàn; giải quyết 100% các kiến nghị của người dân theo thẩm quyền của phường - xã thị trấn; vận động 100% cơ quan, doanh nghiệp trú đóng trên địa bàn thực hiện ký cam kết không xả rác ra đường, giữ gìn vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị; phấn đấu và duy trì tỉ lệ 100% các điểm ô nhiễm môi trường do tồn đọng rác thải được giải quyết, không đế tái phát sinh và phát sinh thêm điểm ô nhiễm, tăng tỉ lệ chuyển hóa điểm ô nhiễm thành các khu sinh hoạt cộng đồng; 70% phường - xã - thị trấn có ít nhất một công trình phát triển mảng xanh tại các khu dân cư hiện hữu…

moi-trg-1668075287.jpg
Vớt rác thải trên kênh Tân Hóa - Lò Gốm (đoạn qua Quận 6, TP. HCM). (Ảnh: Trang điện tử TP.HCM)

Giai đoạn 2024-2025, duy trì và giữ vững các chỉ tiêu đã đạt trong giai đoạn năm 2022 - 2023 và phấn đấu có 100% phương tiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được chuyên đổi, đáp úng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng vệ sinh và bảo vệ môi trường theo quy định; 100% trạm trung chuyển đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành và quy hoạch xử lý chất thải rắn Thành phố; Đến năm 2025, tỉ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80%, hướng tới năm 2030 là 100%.

Nhằm thực hiện tốt Kế hoạch, UBND TP.HCM đã xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chú trọng việc triển khai và phát triển phần mềm quản lý trực tuyến để tiếp nhận và xử lý ý kiến, phản ánh của người dân về tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch và các điểm gây ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, tăng cường công tác xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường. Triển khai việc sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera tại các khu dân cư thực hiện xử lý vi phạm vệ sinh môi trường bằng hình thức gián tiếp từ nhắc nhở trực tiếp, nhắc nhở thông qua to dân phố đến xử lý bằng hình thức phạt tiền thông qua hình ảnh ghi nhận được.

Các ngành, đơn vị chức năng thường xuyên rà soát, giải quyết các điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải; duy trì chất lượng vệ sinh tại các khu vực đã cải tạo và không để phát sinh điểm ô nhiễm mới; quy định trách nhiệm của UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện đối với tình trạng phát sinh rác thải bừa bãi trên đường.

Được biết, TP.HCM sẽ tổ chức tuyên truyền, vận động đến tất cả người dân, hộ gia đình, tiểu thương tại các chợ dân sinh, chủ nguồn thải giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy, tăng cường sử dụng nguyên vật liệu, sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường, khuyến khích sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM cho hay, năm 2022 đã đánh dấu cột mốc quan trọng đối với công tác bảo vệ môi trường khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực. Một trong những điểm mới quan trọng của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong các hoạt động bảo vệ môi trường; bổ sung “cộng đồng dân cư” vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Từ đó, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường.

Bà Mỹ cho rằng, Luật Bảo vệ môi trường cũng bổ sung các quy định giúp cộng đồng dân cư tham gia giám sát hoạt động bảo vệ môi trường. Đồng thời, xác định mục tiêu xuyên suốt của Luật là bảo vệ sức khỏe người dân, đảm bảo người dân được sống trong môi trường trong lành.

Thời gian qua, Sở TN&MT, Phòng TN&MT các quận, huyện, TP. Thủ Đức và cơ quan Mặt trận Tổ quốc các cấp của TP.HCM đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động, công trình dựa vào cộng đồng tại địa phương và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Hoàng Hà (t/h)