Thông tin được chia sẻ tại Hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt năm 2024, triển khai kế hoạch sản xuất năm 2025 các tỉnh phía Bắc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình tổ chức ngày 26/11.
Nông nghiệp miền Bắc vượt bão lũ duy trì đà tăng trưởng
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), năm 2024 điều kiện thời tiết, khí hậu không thuận lợi đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp.
Các đợt rét đậm, rét hại, mưa dông diện rộng xảy ra liên tiếp. Đặc biệt, do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) khu vực Bắc Bộ đã có mưa to đến rất to, nhiều nơi có lượng mưa vượt ngưỡng lịch sử, gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng.
Sản xuất lúa tại các tỉnh phía Bắc chỉ đạt trên 12,7 triệu tấn, giảm 288 nghìn tấn so với kế hoạch, giảm 355 nghìn tấn so với năm 2023; năng suất thấp hơn trung bình cả nước khoảng 3,5 tạ/ha, sản lượng chiếm 29,5% cả nước.
Tuy nhiên, nhờ chủ động sớm trong kế hoạch sản xuất, với phương châm lấy vụ Đông bù vụ Mùa, nhiều diện tích cây trồng vẫn đảm bảo giá trị tăng trưởng.
Trong số đó, diện tích ngô đạt khoảng 585.000ha, tăng 8.000 tấn so với cùng kỳ, sản lượng ước đạt khoảng 2,7 triệu tấn; diện tích rau đạt 478.000ha, tăng 6.000ha, sản lượng đạt hơn 8,36 triệu tấn; diện tích đậu tương đạt 31.000ha, sản lượng 50.000 tấn.
Thông tin tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình Phạm Văn Nghiêm cho biết tổng diện tích lúa năm 2024 của tỉnh đạt trên 150.000ha (xếp thứ 2 vùng Đồng bằng sông Hồng về diện tích), năng suất lúa trung bình đạt 65,2 tạ/ha, đứng thứ nhất vùng đồng bằng sông Hồng, sản lượng trung bình đạt 1 triệu tấn/năm. Năm 2024, giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng đạt gần 200 triệu đồng.
Theo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Thái Bình xác định nông nghiệp vẫn là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu vùng Đồng bằng sông Hồng.
Để đạt mục tiêu này, tỉnh Thái Bình sẽ tập trung hiện đại hóa sản xuất, hoàn thiện các chuỗi giá trị sản xuất nông sản; xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp, tập trung, ứng dụng công nghệ cao; chú trọng xây dựng thương hiệu và mở rộng vùng tiêu thụ sản phẩm nông sản; tạo mối liên kết ngành và liên kết vùng, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao.
Đẩy mạnh chăm sóc cây vụ Đông bù lại thiệt hại bão số 3 gây ra
Năm 2025, các tỉnh phía Bắc đặt mục tiêu sản xuất khoảng 2,2 triệu ha lúa, năng suất đạt khoảng 58,8 tạ/ha, sản lượng đạt gần 13 triệu tấn; diện tích ngô đạt khoảng 601.000ha, sản lượng ước đạt 2,79 triệu tấn; diện tích rau đạt 483.000ha, sản lượng 8,52 triệu tấn; diện tích cây đậu tương đạt 35.000 ha, sản lượng 58.000 tấn.
GS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã nêu rõ những khó khăn trong sản xuất trồng trọt trong năm vừa qua, các đối tượng dịch hại hiện nay đang phát sinh gây hại không theo quy luật, nhất là nhóm sinh vật gây hại trong đất; đề xuất một số giải pháp khắc phục khó khăn trong sản xuất; đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm ban hành các quy trình kỹ thuật mới, hiệu quả để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất.
Tại hội nghị, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo, trong năm 2025, dự báo các sinh vật gây hại chính tương tự năm 2024, gồm chuột, ốc bươu vàng, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu - rầy lưng trắng, sâu đục thân 2 chấm, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh đen lép hạt... Do thời vụ sớm nên sinh vật gây hại có khả năng phát sinh ở các tỉnh Bắc Trung bộ sớm hơn các tỉnh Bắc bộ.
Trong đó, sâu cuốn lá nhỏ vụ đông xuân sẽ phát sinh 3 lứa, nhưng 2 lứa sâu hại chính trên lúa giai đoạn đẻ nhánh rộ và giai đoạn lúa ôm đòng sắp trỗ. Thời gian phát sinh tương đương hoặc sớm hơn vụ đông xuân năm trước, mật độ và diện tích nhiễm có xu hướng cao hơn so với vụ đông xuân năm 2023 – 2024.
Bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại từ cuối tháng 2 trên lúa sớm giai đoạn đẻ nhánh rộ. Cao điểm gây hại từ trung tuần tháng 3 đến trung tuần tháng 4, nhất là trên các giống nhiễm, những ruộng gieo cấy dày, bón nhiều phân và có khả năng gây lùn, lụi ổ trên các giống nhiễm vào cuối tháng 3 khi thời tiết thuận lợi cho bệnh gây hại.
Sâu đục thân 2 chấm thời gian phát sinh, mức độ gây hại và diện phân bố trong vụ đông xuân 2024 - 2025 có xu hướng tương đương so với vụ đông xuân năm trước. Trưởng thành lứa 1 rộ từ trung tuần tháng 3 đến đầu tháng 4, sâu non gây dảnh héo diện hẹp trên lúa xuân sớm, xuân chính vụ. Trưởng thành lứa 2 rộ từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5. Sâu non gây bông bạc chủ yếu trên lúa trỗ đầu đến trung tuần tháng 5, tỷ lệ hại phổ biến 1 - 3%, nơi cao 10 - 15%...
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Trung đánh giá cao nỗ lực sản xuất trồng trọt của các tỉnh phía Bắc trong điều kiện thời tiết bất thuận và diễn biến của sâu bệnh hại.
Để đạt mục tiêu sản xuất trồng trọt năm 2025, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị các địa phương tuân thủ nghiêm các kế hoạch sản xuất, đặc biệt về cơ cấu giống, lịch thời vụ, đẩy mạnh chăm sóc cây vụ Đông bù lại thiệt hại bão số 3 gây ra.
Cùng với đó, cần theo dõi chặt chẽ, đảo bảo cung ứng đầy đủ nguồn nước cho sản xuất; tăng cường quản lý, thanh tra, giám sát mã số vùng trồng; tăng cường dự tính, dự báo, đặc biệt tình hình phát triển của các đối tượng sâu bệnh thường hiện hữu có nguy cơ gây hại lớn.
Ngoài ra, các địa phương, cần bám sát các nhiệm vụ, tập trung triển khai Nghị định số 112/2024 NĐ-CP ngày 11/9/2024 của Chính phủ quy định chi tiết về đất trồng lúa./.