Chiều 26/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thực hiện quy trình để biểu quyết thông qua dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Với 455/465 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành (chiếm 94,99%), Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025.
Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn
Trước khi biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, về thời hạn hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch phân khu là 6 tháng khó khả thi, dự thảo luật đã chỉnh sửa tại Điều 25 về thời hạn hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị theo quy định của Chính phủ để bảo đảm tính khả thi và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Dự thảo luật đã lược bỏ quy định về các trường hợp không lập quy hoạch phân khu vì ngoài các trường hợp lập quy hoạch phân khu quy định tại khoản 5 Điều 3 của dự thảo luật thì các trường hợp còn lại không phải lập quy hoạch phân khu.
Lược bỏ quy định lập quy hoạch phân khu theo quy định của pháp luật có liên quan, giữ quy định về lập quy hoạch phân khu theo quy định của pháp luật về đất đai; Lược bỏ quy định về lập quy hoạch chi tiết đối với trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, phù hợp với quy định của Luật Đất đai.
Đồng thời, chỉnh sửa kỹ thuật khoản 6 Điều 3 để làm rõ các trường hợp lập ngay quy hoạch chi tiết bao gồm: Cụm công nghiệp; khu vực được xác định theo pháp luật về đất đai để đấu giá quyền sử dụng đất; khu dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn được xác định, hình thành theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hoặc chương trình mục tiêu quốc gia khác.
Lược bỏ quy định về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trong đô thị mới thuộc tỉnh để tránh trùng lặp với trách nhiệm của UBND cấp huyện.
Lược bỏ quy định về trách nhiệm của UBND cấp huyện và UBND cấp xã trong việc tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch chi tiết khu vực để đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
Bởi dự thảo luật đã có quy định theo hướng bao quát trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch và quy hoạch đối với các khu vực do UBND cấp huyện, cấp xã quản lý. Trong đó đã bao hàm các khu vực đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
Tại khoản 8 Điều 59 của dự thảo Luật bổ sung quy định chuyển tiếp đối với đô thị loại III, đô thị loại IV, khu kinh tế, khu du lịch quốc gia đã có quy hoạch chung được phê duyệt trước ngày luật này có hiệu lực thi hành.
Theo đó, nếu chưa hết thời hạn quy hoạch chung mà cần thiết phải lập quy hoạch phân khu thì quy hoạch phân khu được tiếp tục lập, thẩm định, phê duyệt trên cơ sở quy hoạch chung đã được phê duyệt do nội dung quy hoạch chung đã được phê duyệt trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành không đủ thông tin, chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật… để lập luôn quy hoạch chi tiết theo quy định của luật này.
Dự thảo luật cũng bổ sung quy định chuyển tiếp về chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức, chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của cá nhân đối với lĩnh vực lập thiết kế quy hoạch xây dựng được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành mà còn hiệu lực thì được tiếp tục sử dụng cho đến hết thời hạn của chứng chỉ. Điều này nhằm bảo đảm hiệu lực của các chứng chỉ sau ngày luật này có hiệu lực, bảo đảm tính ổn định, tránh xáo trộn các hoạt động quy hoạch, tư vấn quy hoạch trên thực tế.
Đáp ứng xu hướng phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu
Theo quy định của Luật này, đô thị được phân thành 6 loại gồm loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III, loại IV và loại V theo quy định của pháp luật về phân loại đô thị. Việc xác định tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính đô thị và đơn vị hành chính nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương. Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng giai đoạn, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về phân loại đô thị bảo đảm các xu hướng phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về kinh phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật quy định Nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn bao gồm: Kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước; Kinh phí của tổ chức được lựa chọn làm chủ đầu tư; Nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Kinh phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn được sử dụng đối với các công việc sau đây: Khảo sát địa hình phục vụ lập quy hoạch đô thị và nông thôn; Lập và điều chỉnh, lấy ý kiến, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch đô thị và nông thôn; Quản lý nghiệp vụ công tác lập quy hoạch đô thị và nông thôn; Công bố, công khai quy hoạch đô thị và nông thôn; Cắm mốc theo quy hoạch đô thị và nông thôn; Lập báo cáo rà soát quy hoạch; tổ chức đấu thầu; tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch; lấy ý kiến về quy hoạch; Xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị và nông thôn; Công việc khác liên quan đến hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.
Việc quản lý kinh phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn thực hiện theo pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về quy hoạch và pháp luật có liên quan. Chính phủ quy định chi tiết khoản này. Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành định mức, phương pháp lập và quản lý chi phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.
Về công bố quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật quy định rõ, chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày quy hoạch đô thị và nông thôn được phê duyệt, nội dung của quy hoạch phải được công bố công khai; đối với những nội dung thuộc bí mật nhà nước phải bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Nội dung, tài liệu công bố quy hoạch bao gồm: Quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch (nếu có); Quyết định phê duyệt quy hoạch; Các bản vẽ quy hoạch; Thuyết minh quy hoạch; Quy định quản lý theo quy hoạch đô thị và nông thôn.
Đối với việc xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật quy định, cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị và nông thôn bao gồm dữ liệu điện tử của hồ sơ quy hoạch sau khi phê duyệt, cơ sở dữ liệu địa lý về quy hoạch đô thị và nông thôn gắn với hệ thống cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia đã được chuẩn hóa. Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu được xây dựng, quản lý và chia sẻ thống nhất trên cả nước, phục vụ cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.
Cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị và nông thôn phải được triển khai xây dựng trong quá trình lập, tổ chức thực hiện quy hoạch và phải được cập nhật thường xuyên; bảo đảm kết nối đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; bảo đảm phục vụ công tác quản lý; đáp ứng yêu cầu về công khai, minh bạch, quyền tiếp cận thông tin của các cơ quan, tổ chức và người dân. Chính phủ quy định việc xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị và nông thôn.
Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2025. Đối với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị riêng đã được phê duyệt trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục có hiệu lực đến hết thời hạn hiệu lực của quy hoạch theo quy định của Luật này./.