Vượt trở ngại vì bão lũ, ngành Nông nghiệp lập kỳ tích hướng tới mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 10 tháng năm 2024 đạt 51,74 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023. Dù chịu tổn thất nặng nề vì bão lũ, nhưng ngành nông nghiệp đã nỗ lực hồi phục, tiếp tục tạo kỳ tích, hướng tới mục tiêu xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 54 - 55 tỷ USD trong năm 2024.
nong-nghiep-vuot-bao-lu-4-1731764726.jpg
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 10 tháng năm 2024 đạt 51,74 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023.(Ảnh minh họa)

Phát huy vai trò là đòn bẩy khôi phục sản xuất sau thiên tai

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng tốc trong năm 2024 và hoàn thành kế hoạch vào năm 2025 theo kế hoạch 2021-2025. Tuy nhiên, bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng: 8.100 lồng nuôi, 31.000 ha nuôi trồng thủy sản, 350.000 ha cây ăn trái, lúa, hoa màu và khoảng 4,5 triệu con gia súc, gia cầm bị chết.

"Những khó khăn và thách thức này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng cũng như xuất khẩu của ngành nông nghiệp trong những tháng cuối năm 2024. Nhưng nhất định, khó khăn nào cũng phải khắc phục để về đích với các mục tiêu đã đề ra", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thiệt hại do bão số 3 - bão Yagi cho thấy, chỉ riêng ngành nông nghiệp đã thiệt hại 30.800 tỷ đồng, bằng gần 40% tổng thiệt hại kinh tế do bão số 3. Hàng trăm nghìn hecta lúa, cây hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, hàng triệu con gia cầm và hơn 44.000 gia súc bị chết.

Ngay sau cơn bão số 3 với những thiệt hại nặng nề, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện sớm việc soạn thảo Nghị định 02, sửa đổi, bổ sung một số điều trình Chính phủ thông qua vào đầu tháng 11/2024. Sau khi lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân có liên quan, nhiều điều kiện hỗ trợ đã được thay đổi theo hướng có lợi cho nông dân, giúp chính sách thực sự phát huy vai trò là đòn bẩy khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh.

nong-nghiep-vuot-bao-lu-2-1731764759.jpg
Với sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, sản xuất nông nghiệp đã nhanh chóng hồi phục, duy trì đà tăng trưởng trong năm 2024.(Ảnh minh họa)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất các loại cây trồng, vật nuôi sẽ được điều chỉnh mức hỗ trợ phù hợp theo giai đoạn sinh trưởng chứ không đánh đồng một mức như trước đây. Mức hỗ trợ sẽ tăng bình quân 2,7 lần so với trước đó, có đối tượng tăng 1,5 lần, có đối tượng tăng 3 lần. Cơ sở tính toán không dựa trên mức sống mà dựa vào giá của vật tư nông nghiệp đầu vào từng lĩnh vực.

Các hộ dân và doanh nghiệp không cần phải làm đơn xin hỗ trợ. Chính quyền địa phương chủ động phối hợp xác nhận thiệt hại. Điều này giúp đẩy nhanh quá trình xác nhận để hỗ trợ sau thiên tai, dịch bệnh.

Đáng chú ý, dù sửa đổi nhưng Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh vẫn giữ nguyên tinh thần là một chính sách hỗ trợ chứ không phải là một giải pháp đền bù. Nhà nước là một trong những nguồn lực giúp vực dậy sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh, cộng hưởng cùng công tác xã hội hóa.

Tiếp tục tạo kỳ tích xuất khẩu nông - lâm - thủy sản

Tại Thành phố Hà Nội, nhằm hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại và khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3, UBND thành phố dự kiến trình HĐND đề nghị ban hành Nghị quyết hỗ trợ khôi phục sản xuất đối với một số cây trồng, vật nuôi.

Theo đó, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho các tổ chức, cá nhân để khôi phục sản xuất nông nghiệp đối với một số cây trồng, vật nuôi bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão năm 2024 từ 30% trở lên. Điều kiện áp dụng theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ. Thời gian áp dụng năm 2024.

Cụ thể mức hỗ trợ đối với cây trồng: Diện tích cây quất cảnh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 90 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 45 triệu đồng/ha; Diện tích cây đào cảnh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 60 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 30 triệu đồng/ha.

nong-nghiep-vuot-bao-lu-1-1731764789.jpg
Tại Hà Nội, diện tích cây quất cảnh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 90 triệu đồng/ha.(Ảnh minh họa)

Diện tích cây phật thủ đang trong thời kỳ kinh doanh (từ khi cây bắt đầu ra quả) bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 60 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 30 triệu đồng/ha; Diện tích các loại cây trồng khác (có tên thường gọi là cây mai trắng, cây phát lộc, cây nhài nhật, cây hoa giấy, cây hoa trà, cây mai tứ quý, cây lan tiêu) bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 60 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 30 triệu đồng/ha;

Hỗ trợ đối với nuôi gia cầm: Đối với chim bồ câu: đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 15.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi hỗ trợ 35.000 đồng/con; Đối với chim cút: 6.000 đồng/con. Nguồn kinh phí thực hiên từ ngân sách thành phố. Tổng kinh phí dự kiến: 37.937.700.000 đồng. Kinh phí hỗ trợ thực tế sẽ được cụ thể hoá trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết.

Với sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, sản xuất nông nghiệp đã nhanh chóng hồi phục, duy trì đà tăng trưởng trong năm 2024. Nhờ đó, sau 10 tháng, kết quả sản xuất nông nghiệp khá tích cực. Sản xuất lúa đạt 40,5 triệu tấn, dự báo mục tiêu 43 triệu tấn lúa năm 2024 sẽ đạt được. Về chăn nuôi, quy mô đàn lợn vẫn tăng 2,4%, gia cầm tăng 2,3%, thủy sản tăng 2,4%. Theo đó, sẽ đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho cuối năm, dịp Tết và xuất khẩu.

nong-nghiep-vuot-bao-lu-3-1731764714.jpg
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục tiêu xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 54 - 55 tỷ USD trong năm nay là hoàn toàn có thể. (Ảnh minh họa)

Chia sẻ về những thành quả đáng ghi nhận của ngành nông nghiệp trong 10 tháng qua, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Sản lượng lúa đạt con số kỷ lục 40,5 triệu tấn, vượt xa so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy sự nỗ lực không ngừng của bà con nông dân và các doanh nghiệp trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất".

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 10 tháng năm 2024 đạt 51,74 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao như thủy sản tăng 12%, lâm sản tăng gần 20%, nông sản tăng gần 26%. Như vậy, mục tiêu xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 54 - 55 tỷ USD trong năm nay là hoàn toàn có thể.

"Còn 2 tháng của năm 2024, nếu mỗi tháng xuất khẩu 5,5 tỷ USD thì xuất khẩu nông - lâm - thủy sản năm 2024 sẽ đạt 62 tỷ USD. Đây sẽ là năm có xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt cao nhất từ trước đến nay", ông Phùng Đức Tiến chia sẻ./.

Bình Châu