Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Nghiên cứu các nội dung Luật Quảng cáo nhằm đảm bảo quyền lợi của các cơ quan báo chí

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận về quảng cáo trên báo chí, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết sẽ làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí lớn để nghiên cứu các nội dung liên quan nhằm đảm bảo quyền lợi của các cơ quan báo chí.

Chiều 25/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

quoc-hoi-thao-luan-luat-quang-cao-1-1732542333.jpg
Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. (Ảnh Quốc hội)

Giúp cho các cơ quan báo chí thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính

Điều hành nội dung Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, lĩnh vực quảng cáo được xác định là 1 trong 12 ngành công nghiệp văn hóa của nước ta, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.

Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động quảng cáo đang có sự dịch chuyển từ quảng cáo trên các phương tiện truyền thống như quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên báo chí sang quảng cáo trên không gian mạng.

Sự phát triển mạnh mẽ của quảng cáo trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ một cách dễ dàng, nhanh chóng; đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý nhà nước.

Nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Quảng cáo hiện hành, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã rất tâm huyết, trách nhiệm trong nghiên cứu, xây dựng và thẩm tra dự án luật. Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhiều lần cho ý kiến về dự án luật.

quoc-hoi-thao-luan-luat-quang-cao-7-1732542399.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. (Ảnh Quốc hội)

Thống nhất việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) cho rằng, đây là những vấn đề rất thiết thực nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập, góp phần xây dựng thị trường quảng cáo Việt Nam phát triển vì lợi ích chung của toàn xã hội.

Góp ý về quảng cáo trên báo in, báo nói, báo hình, đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho biết, trước xu thế phát triển của quảng cáo trên mạng thì việc tăng diện tích, tăng thời lượng quảng cáo cho báo chí là một trong những yếu tố quan trọng và rất cần thiết, phần nào góp phần cho các cơ quan báo chí tăng nguồn thu, giải quyết khó khăn trong việc thực hiện tự chủ tài chính. Tuy nhiên, quan trọng vẫn là đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung sản phẩm báo chí và tăng chất lượng cho các nội dung quảng cáo chứ không chỉ tăng thời lượng, diện tích quảng cáo lên quá nhiều, dễ ảnh hưởng đến thị hiếu của độc giả và khán giả.

“Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động để việc quy định tăng diện tích, thời lượng quảng cáo có tỷ lệ thực sự phù hợp và thuyết phục hơn. Bên cạnh đó, cần có những quy định ràng buộc về tỷ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng loại hình báo chí khác nhau để không làm ảnh hưởng đến chất lượng nội dung và thị hiếu bạn đọc”, đại biểu đền nghị.

quoc-hoi-thao-luan-luat-quang-cao-3-1732542522.jpg
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang: Cần có quy định ràng buộc về tỷ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng loại hình báo chí khác nhau.(Ảnh Quốc hội)

Tham gia tranh luận về vấn đề này, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) nêu quan điểm, việc nới diện tích quảng cáo trên báo in sẽ giúp cho các cơ quan báo chí thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính và tốt hơn trong hoạt động của mình. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các cơ quan báo chí gặp khó khăn không phải vì thiếu diện tích quảng cáo mà khó nhất là thiếu quảng cáo. Điều này giống như việc các đoàn tàu đang thiếu khách nhưng giải pháp đưa ra là tăng thêm toa tàu.

Theo đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, vấn đề chính là phải thúc đẩy thêm được “khách đi tàu”. Bên cạnh đó, đại biểu cũng lưu ý là thị trường có thể có biến động thay đổi, như sau này quảng cáo trên báo chí có thể tăng trở lại. Do đó, đại biểu đồng tình với việc giao quyền tự chủ cho cơ quan báo chí về diện tích quảng cáo.

Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa bày tỏ lo ngại nếu giao tự chủ, tự quyết diện tích quảng cáo này cũng có thể dẫn đến một số cơ quan báo chí có lượng bạn đọc ổn định, lượng phát hành ổn định hoặc báo do NSNN bảo đảm nhưng lại tăng diện tích quảng cáo lên thì “rất phản cảm”. Bởi báo, tạp chí là do thị trường quyết định, do bạn đọc quyết định. Do đó, đại biểu cho rằng, trừ các cơ quan báo chí đặc thù, cơ quan báo chí sử dụng NSNN, các cơ quan báo chí được đặt hàng, được bao tiêu sản phẩm… thì nên để cơ quan báo, tạp chí quyết định diện tích quảng cáo trên báo in.

quoc-hoi-thao-luan-luat-quang-cao-4-1732542559.jpg
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên tranh luận. (Ảnh Quốc hội)

Theo đại biểu, có nhiều cách để điều tiết vấn đề này, tuy nhiên, nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết, tức là các cơ quan báo chí đặc thù, báo do NSNN bảo đảm thì Chính phủ quy định chi tiết.

“Nên quy định mở, “vì quản thì không xuể”, quy định như vậy sẽ cởi mở và hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường hiện nay khi người đọc hiện nay rất tinh tường, sẽ lựa chọn những sản phẩm đứng đắn, đàng hoàng và có trách nhiệm với công chúng, với xã hội”, đại biểu đoàn Phú Yên nêu ý kiến.

Phải có dấu hiệu để phân biệt quảng cáo với các nội dung khác

Góp ý về quảng cáo trên báo in tại Điều 21 của Luật quảng cáo năm 2012, theo đó, diện tích quảng cáo không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo tạp chí chuyên quảng cáo phải có dấu hiệu để phân biệt quảng cáo với các nội dung khác.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) cho rằng, cần cân nhắc để điều chỉnh tăng gấp đôi diện tích quảng cáo so với quy định tại Điều 21 của luật hiện hành. Tăng diện tích quảng cáo như vậy là quá cao, không chỉ ảnh hưởng đến khối lượng, chất lượng của thông tin chính thống, mà cũng gây ảnh hưởng trái chiều, phản ứng trái chiều từ phía độc giả.

Vì vậy, đại biểu đề xuất diện tích quảng cáo không vượt quá 20% tổng diện tích của một sản phẩm báo hoặc 30% tổng diện tích của một ấn phẩm tạp chí từ báo, tạp chí chuyên quảng cáo phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác.

Về quảng cáo trên báo nói, báo hình, đại biểu cho biết, Điều 22 của luật hiện hành được sửa như sau: “Mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá 05 phút. Mỗi chương trình phim truyện có thời lượng dưới 30 phút được ngắt để quảng cáo hai lần, cứ mỗi 15 phút tăng trong thời lượng chương trình được ngắt quảng cáo thêm 01 lần; mỗi lần ngắt để phát quảng cáo không quá 05 phút”.

Theo đại biểu, tổng một chương trình vui chơi giải trí 60 phút thì có 40 phút nội dung, 20 phút quảng cáo; tổng một chương trình phim truyện chiếu 60 phút thì 45 phút chiếu phim và 15 phút quảng cáo (quảng cáo 3 lần). Như vậy, thời lượng quảng cáo chiếm khoảng 1/3 thời lượng chương trình vui chơi giải trí/phim. Với quy định này dự thảo Điều 22 Luật Quảng cáo đã quy định rõ hơn phạm vi thời lượng quảng cáo đối với chương trình vui chơi giải trí/phim; gia tăng thời gian quảng cáo và số lần quảng cáo, tuy nhiên chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi của người xem truyền hình.

Đại biểu cho rằng, để cân bằng được lợi ích giữa các Đài truyền hình với người sử dụng dịch vụ truyền hình, cần điều chỉnh quy định số lần ngắt, thời gian quảng cáo phù hợp với thời lượng các tập phim (như dự thảo là quá nhiều). Báo cáo tổng kết thi hành Luật Quảng cáo cần phải khảo sát về ý kiến của người xem truyền hình trong việc tăng thời lượng quảng cáo và số lần quảng cáo. Bên cạnh đó, việc quy định khống chế thời lượng quảng cáo là cần thiết, một chương trình giải trí hoặc 1 bộ phim không nên quá 1/5 thời lượng chương trình dành cho quảng cáo và ngắt không quá 2 lần.

quoc-hoi-thao-luan-luat-quang-cao-2-1732542867.jpg
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh: Cân bằng lợi ích khi quảng cáo trên truyền hình. (Ảnh Quốc hội)

Đối với quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử (Điều 23), đại biểu cho biết, dự thảo Luật Quảng cáo sửa theo hướng từ gia tăng “thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây” thành “phải thiết kế tính năng để có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 06 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 02 lần quảng cáo liên tiếp; cho phép từ chối quảng cáo hoặc báo nội dung quảng cáo không phù hợp”.

Điều này góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, các trang thông tin điện tử và báo điện tử. Tuy nhiên, lại ảnh hưởng trực tiếp đến độc giả, đối tượng sử dụng/tiếp cận thông tin. Vì vậy, theo đại biểu, việc tăng thời hạn cho phép đóng, mở quảng cáo cần được thực hiện sau khi đã đánh giá và khảo sát ý kiến của đối tượng tiếp nhận quảng cáo/ độc giả sử dụng các trang thông tin điện tử và báo điện tử này.

Tiếp tục nghiên cứu các nội dung liên quan nhằm đảm bảo quyền lợi của các cơ quan báo chí

Phát biểu giải trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng bày tỏ cảm ơn các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về Luật Quảng cáo và sẽ nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến hợp lý…

Khẳng định lĩnh vực quảng cáo là lĩnh vực khó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, so với Luật Quảng cáo hiện hành, dự thảo Luật có nhiều điểm mới, trong đó đặc biệt có nội dung về quảng cáo trên không gian mạng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, sẽ chưa thể lường hết được hình thức quảng cáo này sẽ phát triển như thế nào trong bối cảnh khoa học công nghệ đang phát triển nhanh như vũ bão hiện nay.

Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật, Bộ trưởng cho biết, việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu cùng là một yêu cầu lớn. Bên cạnh đó cũng phải đáp ứng được cả yêu cầu hội nhập…

quoc-hoi-thao-luan-luat-quang-cao-5-1732542934.jpg
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận.(Ảnh Quốc hội)

Đối với các góp ý của đại biểu Quốc hội liên quan đến giải thích từ ngữ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu lại để đảm bảo các quy định được dễ hiểu, dễ thực hiện.

Liên quan đến quy định về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết sẽ tính toán lại và giao Chính phủ hướng dẫn.

Về quảng cáo trên báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng sẽ làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí lớn để nghiên cứu các nội dung liên quan nhằm đảm bảo quyền lợi của các cơ quan báo chí.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì thẩm tra để tiếp tục hoàn thiện và đảm bảo chất lượng của dự thảo Luật.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, qua thảo luận có 17 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, 01 đại biểu tranh luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát biểu giải trình nội dung đại biểu quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, qua thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra trong chuẩn bị hồ sơ dự án luật; kịp thời báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận tại tổ của các vị đại biểu Quốc hội ngay trong Kỳ họp thứ 8. Các ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu rất sôi nổi, tâm huyết, trách nhiệm, đi thẳng vào vấn đề, với tinh thần trách nhiệm cao, làm cơ sở chính trị hoàn thiện dự thảo luật cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp.

quoc-hoi-thao-luan-luat-quang-cao-6-1732543004.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh kết luận phiên họp. (Ảnh Quốc hội)

Các ý kiến phát biểu cơ bản tán thành, thống nhất về sự cần thiết sửa đổi một số điều của Luật Quảng cáo và bày tỏ kỳ vọng luật sẽ được sửa đổi, bổ sung với quan điểm và cách thức quản lý mới, góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có ngành quảng cáo, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Quảng cáo hiện hành, góp phần xây dựng thị trường quảng cáo ở Việt Nam phát triển phù hợp với xu thế phát triển chung của quảng cáo trên thế giới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, ngay sau kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường hôm nay và các ý kiến phát biểu thảo luận tại Tổ, để xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội hoàn chỉnh dự thảo luật để báo cáo tại kỳ họp tới./.

Bình Châu