Quảng Ninh thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ sau bão số 3 nhằm phát triển nông nghiệp bền vững

Là địa phương chịu thiệt hại nặng nên do bão số 3 (Yagi). Sau bão tỉnh Quảng Ninh đã triển khai ngay các chính sách hỗ trợ. Tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và nông dân, nhiều kiến nghị xoay quanh các vấn đề đất đai - quy hoạch phát triển nuôi biển, cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp bền vững, tài chính tín dụng để tái sản xuất sau siêu bão...
quang-ninh-ho-tro-nong-nghiep-sau-bao-1-1732412752.jpg
Quang cảnh hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và nông dân. (Báo Quảng Ninh)

Sau bão tỉnh Quảng Ninh đã triển khai ngay các chính sách hỗ trợ như: Có các Nghị quyết hỗ trợ 100% học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên năm học 2024 - 2025; Hỗ trợ hộ gia đình có nhà ở bị đổ, sập, trôi, hư hỏng nặng; Hỗ trợ một phần chi phí trục vớt phương tiện thủy bị chìm đắm; Nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn.

Trong đó, ngân sách tỉnh Quảng Ninh cũng bố trí 1.180 tỷ đồng để hỗ trợ, khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ liên quan tới người trồng rừng, nuôi biển vẫn chưa được thực hiện.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trong 8 tháng đầu năm, tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản nhìn chung ổn định, các chỉ tiêu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản cơ bản đều đạt mục tiêu kịch bản tăng trưởng đã đề ra, một số chỉ tiêu có mức tăng tích cực góp phần giúp tăng trưởng GRDP toàn ngành đạt cao hơn so với kế hoạch. Tuy nhiên, trong tháng 9, bão số 3 gây hậu quả nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp, làm sụt giảm tăng trưởng GRDP toàn ngành. Ước thực hiện cả năm, tăng trưởng GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ đạt 0,04%, chưa đạt mục tiêu kịch bản tăng trưởng đề ra đầu năm là 4,56%.

quang-ninh-ho-tro-nong-nghiep-sau-bao-4-1732412791.jpg
Tỉnh Quảng Ninh luôn đồng hành, tạo dựng cơ chế chính sách, dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển bền vững khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh.(Ảnh tư liệu)

Hội nghị Lãnh đạo tỉnh đối thoại với nông dân 2024 có sự tham gia của 250 đại biểu, là diễn đàn để đại diện nông dân, các cấp Hội Nông dân, các hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh trực tiếp chia sẻ, phản ánh với lãnh đạo tỉnh về những kết quả đã đạt được và những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Nêu ý kiến tại Hội nghị đối thoại, ông Nguyễn Sỹ Bính - HTX Nuôi trồng thủy sản Phất Cờ, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện nay các hộ dân đã vào hợp tác xã để xin cấp mặt nước nuôi trồng thủy sản trên biển, các thành viên hợp tác xã đã làm thủ tục để được cấp mặt nước nuôi trồng thủy sản từ đầu năm 2024. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa được cấp mặt nước nuôi trồng thủy sản do vướng mắc về thủ tục hành chính, mặt nước biển. Do đó, ông Bính đề nghị có giải pháp tháo gỡ để người dân sớm cấp phép và giao quyền sử dụng mặt nước nuôi trồng thủy sản.

Ông Nịnh Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Lâm (huyện Ba Chẽ) bày tỏ, hiện nay nhiều địa phương có tiềm năng khai thác tín chỉ carbon rừng nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc thu thập và bán các tín chỉ carbon như thế nào. Đề nghị tỉnh sớm có hướng dẫn triển khai tạo động lực cho người dân phát triển lâm nghiệp bền vững, có thêm thu nhập từ việc bán tín chỉ carbon rừng.

quang-ninh-ho-tro-nong-nghiep-sau-bao-2-1732412819.jpg
Đại biểu đặt câu hỏi cho lãnh đạo tỉnh.(Báo Quảng Ninh)

Bà Phạm Thị Nguyệt Dung - hộ sản xuất kinh doanh trứng gà Tân An (TX Quảng Yên) đặt vấn đề, hiện nay nhu cầu nông sản nội tỉnh rất lớn, nhất là đối với các khu công nghiệp, các doanh nghiệp có số lượng công nhân lao động lớn. Xin đề nghị lãnh đạo tỉnh, ngành Công Thương có chủ trương, giải pháp kết nối tiêu thụ nông sản nội tỉnh cho nông dân trong tỉnh.

Đối với vấn đề hỗ trợ sau bão số 3, nhiều cán bộ, hội viên nông dân bày tỏ băn khoăn về việc hỗ trợ sau bão số 3 vẫn còn thấp. Ông Hoàng Xuân Diện - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Dương (TP.Hạ Long) bày tỏ, bão số 3 đi qua đã để lại thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Hiện nông dân gặp nhiều khó khăn về kinh phí để khôi phục sản xuất.

Tuy nhiên hiện nay, mức hỗ trợ lúa thuần và mức hỗ trợ thiệt hại cây keo theo Quyết định số 1568 ngày 18/5/2017 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc ban hành quy định mức hỗ trợ để khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 02 ngày 09/01/2017 của Chính phủ, là rất thấp. Xin hỏi UBND tỉnh Quảng Ninh có biện pháp gì để tăng mức hỗ trợ so với quy định?

Còn bà Trịnh Thị Thúy Nhung - Chủ tịch Hội Nông dân phường Phương Đông (TP.Uông Bí) cũng cho rằng: "Sau cơn bão số 3, một số hộ nông dân đang vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân bị thiệt hại, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Xin đề nghị Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cho biết có thực hiện việc gia hạn nợ, giảm, miễn lãi suất đối với các hộ vay không?"

quang-ninh-ho-tro-nong-nghiep-sau-bao-3-1732412848.jpg
Ông Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.(Báo Quảng Ninh)

Tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nghiêm Xuân Cường và lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương đã giải đáp các ý kiến của hội viên, nông dân một cách ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, các ý kiến của hội viên, nông dân là rất chính đáng và đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, địa phương hướng dẫn chi tiết cho hội viên, nông dân để giải quyết kịp thời những khó khăn còn tồn tại, vướng mắc. UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ luôn đồng hành, tạo dựng cơ chế chính sách, dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển bền vững khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh; tiếp tục chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ giúp người dân khôi phục sản xuất sau bão số 3.

quang-ninh-ho-tro-nong-nghiep-sau-bao-5-1732412876.jpg
Quảng Ninh đang tập trung dứt điểm khắc phục thiệt hại do bão số 3 thu dọn rừng, vệ sinh biển, chống cháy rừng cùng với đó hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ với nông hộ thiệt hại. (Ảnh tư liệu)

Ông Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết hiện có một số vướng mắc trong các quy định khiến việc hỗ trợ mất nhiều thời gian thực hiện.

"Quảng Ninh đang tập trung dứt điểm khắc phục thiệt hại do bão số 3 thu dọn rừng, vệ sinh biển, chống cháy rừng cùng với đó hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ với nông hộ thiệt hại. Hiện nay, các địa phương đang ở giai đoạn niêm yết và phải niêm yết trong 1 tháng và các địa phương rà soát lại đủ thời gian chi trả cho người nông dân đồng thời lập danh sách chi trả tiền hỗ trợ của MTTQ tỉnh Quảng Ninh cho các hộ thêm chút nào hay chút ấy; tiếp tục đề xuất với Ngân hàng Nhà nước tái cơ cấu giãn nợ, hoãn nợ và khoanh nợ", ông Cường nêu rõ./.

Bình Châu