Cả làng cùng bảo vệ cây cổ thụ 400 năm tuổi có hình dáng kỳ lạ

Tại thôn Đông Đoài (xã Hoà Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) có cây trôi cổ thụ hơn 400 tuổi với hình dáng khá kỳ lạ. Nhiều năm nay, người dân trong làng cùng ra sức chung tay bảo vệ cây cổ thụ này.
z5190559196537-d88ed511939e95c9a711f6ae8070156c-1709626057.jpg
Cả làng cùng chung tay bảo vệ cây trôi có tuổi đời trên 400 năm.

Cây trôi cổ thụ này có tán rộng hơn 30m, chiều cao cây khoảng 27m, đường kính gốc cây khoảng 3m. Năm 2015, được công nhận là cây di tích lịch sử, văn hóa Việt Nam và được cả làng xem như "báu vật" cùng nhau bảo vệ.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cây cổ thụ hình dáng kỳ lạ, ở thân cây mọc la liệt các u, cục …được người dân xem như "báu vật", là niềm tự hào của cả làng, họ luôn nâng cao ý thức trách nhiệm cùng nhau bảo vệ, dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh “cụ trôi”.

Cây cây trôi trên thân nổi vô số u, cụ, gồ ghề trải qua năm tháng hằn vết thời gian, dáng độc đáo của cây trôi, trông đẹp mắt.

u-cay-troi-1709626309.jpg
Gốc và thân cây trôi nổi nhiều u, cục... hình thù lạ.

Ông Nguyễn Xuân An (77 tuổi, thôn Đông Đoài, xã Hoà Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) chia sẻ: Theo cha ông kể lại, trước đây làng chúng tôi có trận lũ lụt lớn, sau khi lũ rút, xuất hiện 1 hạt giống lạ và mọc lên cây trôi này. Cây trôi này có tuổi đời từ 400 đến 500 năm, rất linh thiêng. Các ngày lễ, Tết người dân địa phương thường xuyên ra đây để thắp hương, cầu mong bình an đến với gia đình, dân làng.

Từ nguồn xã hội hóa, người dân địa phương đã xây dựng khuôn viên xung quanh cây trôi, lát nền, xây bia tượng trưng tại gốc cây trôi để tiện bảo vệ "báu vật" của làng. Bên cạnh đó địa điểm này trở thành nơi sinh hoạt của người dân địa phương.

414973714-1428830831036829-205889426769990618-n-1709626093.jpg
Phải 5 - 6 người mới ôm hết gốc trôi cổ thụ này.

Ông Trần Bá Cường - trú tại thôn Đông Đoài, xã Hoà Lạc, tâm sự: Chúng tôi sinh ra đã thấy có cây Trôi này ở đây rồi. Từ những câu chuyện kể của các bậc cao niên trong làng chúng tôi mới thấy được sức sống, sự kiên cường, bền bỉ của cây. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, dù bom đạn trong chiến tranh hay mưa bão, cây trôi vẫn vươn mình trong nắng, tỏa bóng mát, che chở cho dân làng. Cây không chỉ che chở, bảo vệ làng mạc, thôn xóm trước mưa sa, bão táp mà còn là chứng tích của lịch sử, của các bậc tiền nhân trong quá trình dựng nước và giữ nước. Ngoài giá trị lịch sử, cây trôi cổ thụ cũng được xem là cây tâm linh của người dân địa phương.

Theo người dân địa phương, gốc cây trôi rất lớn, 5 - 6 người ôm không xuể. Để tạo cảnh quan, người dân thường xuyên làm vệ sinh xung quanh cây trôi hơn 400 năm tuổi.

Hiện nay, dưới gốc cây trôi trở thành điểm vui chơi, luyện tập thể thao của người dân trong làng vào mỗi buổi chiều.

Người dân nơi đây chia sẻ, dù đã sống trên 400 năm, nhưng cây trôi vẫn phát triển xanh tốt và hằng năm đều ra lộc mới.

z5190561764649-2a62563d0d47739d0d10f008030e5947-1709626124.jpg
Thân và cành cây cổ thụ được phủ một lớp cây rêu.

Ngoài ý nghĩa về mặt sinh thái, cây trôi còn có ý nghĩa tâm linh đặc biệt. Bao thế hệ người dân xã Hòa Lạc đã coi cây cổ thụ này là một thần nông chiếu lộc, che chở cho cuộc sống của dân làng.

Trong các cuộc chiến tranh, khu vực cây trôi cổ thụ này là nơi hội họp, giao liên của nhân dân trong xóm, trong xã để bàn kế hoạch chống kẻ địch xâm lược.

Sau hòa bình, dân cư về khu vực gần gốc cây trôi cư trú ngày càng đông, cùng nhau sản xuất xây dựng xóm làng. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, cây trôi vẫn vươn mình phát triển đâm chồi nảy lộc, cành lá sum suê, che bóng mát cho dân làng.

z5123076476939-16fe6e7c48075d7c5fb65d3c64c1a4ca-1709626104.jpg
Cây trôi được công nhận là cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam.

Năm 2015, Trung ương Hội sinh vật cảnh Việt Nam đã công nhận cây trôi làng Đông Đoài là cây di tích lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Chia sẻ cùng phóng viên, ông Trần Văn Điền - Chủ tịch UBND xã Hòa Lạc cho biết: Cây trôi này đã có tuổi đời trên 400 năm, đã được công nhận là Cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam. Cây trôi là biểu tượng, niềm tự hào chung của cả làng, người dân nơi đây luôn nêu cao ý thức trách nhiệm để bảo vệ, giữ gìn, gọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh cây cổ thụ này. Cũng có nhiều du khách ghé qua để chiêm ngưỡng dáng vẻ và chụp hình lưu niệm với cây trôi cổ thụ này./.

Nguyễn Duyên