Bắc Ninh chủ động các biện pháp phòng chống nắng nóng cho động vật, thủy sản thả nuôi

Mới đây, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bắc Ninh đã đưa ra các biện pháp phòng chống nắng nóng, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất có thể xảy ra, đảm bảo cho sản xuất thủy sản phát triển ổn định.
thuy-san-bac-ninh-1714027486.jpg
Nên cho cá ăn vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều mát (buổi sáng cho ăn nhiều hơn buổi chiều) để cá nuôi có thể sử dụng thức ăn hiệu quả nhất. Ảnh Ngọc Huyền

Theo dự báo, từ tháng 4 năm 2024, nắng nóng sẽ gia tăng về cường độ và có khả năng xuất hiện nắng nóng gay gắt nhiều hơn so với trung bình nhiều năm trong tháng 7 đến tháng 8 năm 2024 tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 01/4/2024 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Văn bản 2605/BNN-TL ngày 10/4/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 01/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Văn bản 1255/UBND-NN ngày 15/4/2024 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Để chủ động trong công tác phòng chống nắng nóng, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất có thể xảy ra, đảm bảo cho sản xuất thủy sản phát triển ổn định, người nuôi thủy sản cần thực hiện đồng bộ một số biện pháp phòng chống nắng nóng như sau:

Đối với nuôi cá trong ao: Các hộ nuôi thủy sản và các cơ sở sản xuất cá giống cần duy trì mức nước trong ao nuôi thường xuyên từ 1,5 - 2m để tăng khả năng ổn định nhiệt độ, pH ao nuôi, chủ động tích trữ nước vào các ao chứa, kênh mương tại các vùng sản xuất thủy sản. Nếu ao không đủ độ sâu, nguồn nước cấp khó khăn có thể thả bèo tây vào các khung lưới (bèo tây thả trên các tấm lưới đặt dưới mặt nước 10-15cm) diện tích thả bèo chiếm khoảng 10 - 15% diện tích ao.

Hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng, thời điểm nắng nóng trong ngày. Khi đánh bắt và vận chuyển cá phải tiến hành vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.

Nên cho cá ăn khi trời mát, buổi sáng 6 - 7 giờ và chiều 17 - 18 giờ. Khi nhiệt độ nước trên 30 độ C thì giảm lượng thức ăn xuống còn 1/3 so với bình thường, cân nhắc ngừng cho cá ăn khi nhiệt độ nước ao >35 độ C. Trước và sau khi cho cá ăn 1-2 giờ nên bật máy quạt nước để tránh hiện tượng nước bị phân tầng, kích thích cá bắt mồi; Sử dụng máy bơm nước trong những ngày nắng nóng để tránh hiện tượng phân tầng nước. Tăng cường máy quạt nước vào ban đêm, đặc biệt từ 2 giờ đêm đến 5 giờ sáng để tăng hàm lượng oxy hòa tan trong ao để tránh thiếu oxy vào ban đêm và sáng sớm do tảo phát triển mạnh khi nắng nóng kéo dài.

Ngoài ra, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ chênh lệch ngày đêm lớn có thể làm cá yếu, sức đề kháng giảm, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh xâm nhập và gây hại. Do đó nên bổ sung Vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá với liều lượng 3g/kg thức ăn, đồng thời phòng bệnh cho cá bằng cách dùng vôi bột tóe xuống ao với liều lượng 2-3kg/100m2 ao; sử dụng men vi sinh cho các ao nuôi nhằm giúp phân giải các chất hữu cơ, khí độc như: H2S, NH3...

may-quat-nuoc-1714027486.jpg
Trong mùa nắng nóng nên sử dụng máy quạt nước trong ao nuôi cá thâm canh. Ảnh minh họa

Đối với cá nuôi lồng trên sông: Lồng nuôi cá trên sông, cần dùng lưới đen che phủ 1/3 - 1/2 diện tích mặt lồng nhằm tránh nắng và làm nơi trú ẩn cho cá, di chuyển lồng nuôi đến nơi có mực nước sâu, nơi râm mát để bảo đảm độ sâu lồng nuôi luôn ở mức 2,5 - 3,0m nhằm giảm sự tác động của nhiệt độ cao (nếu không di chuyển được cần hạ thấp tối đa độ sâu lưới lồng, căng lưới mặt lồng để tránh thất thoát cá).

Thường xuyên vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ và thông thoáng để lưu thông nước trong và ngoài lồng, nhằm tăng cường oxy hòa tan trong nước, giảm vật bám, chất bẩn ở trong lồng.

Cần tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi bằng cách bổ sung Vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa, tinh dầu tỏi vào thức ăn cho cá với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
          
Nên cho cá ăn vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều mát (buổi sáng cho ăn nhiều hơn buổi chiều) để cá nuôi có thể sử dụng thức ăn hiệu quả nhất. Khi nhiệt độ nước trên 35°C thì giảm lượng thức ăn xuống còn 1/3 so với bình thường. Ngừng cho cá ăn ở những thời điểm môi trường nước trên 39-40ºC.  

Bên cạnh đó, tiến hành thu tỉa khi cá nuôi đạt kích cỡ thu hoạch để giảm mật độ nuôi trong lồng. Hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng, thời điểm nắng nóng trong ngày.

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tham mưu kiến nghị HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh có chính sách quan tâm đầu tư hạ tầng đồng bộ cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, trong đó đặc biệt khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất trang trại, gia trại áp dụng công nghệ cao, hình thành các hợp tác xã, các chi hội nghề cá, nhóm hộ cùng sở thích, từ đó xây dựng thương hiệu, tạo mối liên kết tổ chức sản xuất thủy sản theo chuỗi nhằm phát triển bền vững./.

Trần Quỳnh