Bắc Ninh chủ động các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi thủy sản

Để sản xuất chăn nuôi, thủy sản của tỉnh tiếp tục phát triển, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh đã chủ động lên kế hoạch, có các biện pháp kỹ thuật giúp người chăn nuôi thực hiện trong năm 2024.
nuoi-ca-long-tren-song-1704961582.png
Mô hình nuôi cá lồng trên sông mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương. Ảnh minh họa

Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 72 vùng Nuôi trồng thủy sản (NTTS) tập trung với diện tích 1.305,9 ha (diện tích vùng từ 10 ha trở lên); có 44 cơ sở, hộ nuôi thủy sản áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 8,5 ha, năng suất nuôi ao đất bình quân đạt 10 - 12 tấn/ha/năm, năng suất nuôi cá lồng trên sông bình quân đạt 4,5 - 5 tấn/lồng).

Tính riêng năm 2023, lĩnh vực sản xuất thủy sản trên địa bàn Bắc Ninh đã đạt và vượt kế hoạch đề ra diện tích nuôi trong ao: 4.787,8 ha, bằng 100% so với cùng kỳ và đạt 99,7 so với kế hoạch 2023. Số lượng lồng nuôi trên sông 2.629 lồng tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022 (tăng 144 lồng). Toàn tỉnh đã sản xuất được 230,9 triệu con giống các loại (cá bột đạt 113,9 triệu con, cá hương 74,2 triệu con, cá giống đạt 42,8 triệu con) tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 100,4% so với kế hoạch năm. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 40.500 tấn, đạt 100% so với kế hoạch năm và tăng 0,87% so cùng kỳ.

Năm 2024, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương nhận định số ngày rét đậm, rét hại tại các tỉnh miền Bắc có khả năng sẽ ít hơn so với trung bình nhiều năm, cần đề phòng những đợt không khí lạnh có cường độ mạnh có thể gây ra những những hiện tượng thời tiết cực đoan như sương muối, giá rét.... Đến khoảng các tháng giữa năm 2024 hiện tượng El Nino có dấu hiệu suy yếu dần và có khả năng chuyển dần sang trạng thái trung tính trong các tháng nửa cuối năm 2024 với xác suất khoảng 50-60%. Năm 2024 dự báo thời tiết có những diễn biến khó lường hiện tượng nắng nóng, mưa lũ, ngập úng sẽ tiếp tục gây khó khăn cho sản xuất. Bên cạnh đó giá các loại vật tư đầu vào vẫn ở mức cao và giá sản phẩm đầu ra không ổn định, diễn biễn dịch bệnh khó lường sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất chăn nuôi, thủy sản nói riêng.

Do đó, người chăn nuôi thủy sản cần chú ý đối với nuôi cá thâm canh trong ao đất: Các hộ nuôi trồng thuỷ sản làm tốt công tác chuẩn bị ao nuôi: Tu bổ hệ thống bờ bao, cống cấp và tiêu nước, nạo vét bớt bùn đáy ao theo đúng quy trình kỹ thuật. Căn cứ vào khả năng đầu tư, trình độ quản lý, khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật và nhu cầu của thị trường để lựa chọn đối tượng và mật độ cá thả nuôi thích hợp. Cá truyền thống nên thả từ 1,5 - 2con/m2; cá Rô phi, Chim trắng nuôi thâm canh từ 2 - 3con/m2. Nếu thả ghép thì đối tượng nuôi chính chiếm >50% cơ cấu cá thả nuôi để đảm bảo hiệu quả kinh tế. Tập trung nuôi thả các giống cá có năng suất và giá trị kinh tế cao như: cá Trắm cỏ, cá Chép lai...

Thời điểm thả giống: Vụ 1: từ 20/2 - 30/4 (dương lịch) thả giống cá Rô phi đơn tính, cá Chim trắng và cá truyền thống; Vụ 2: từ tháng 10 - 11 (dương lịch) phù hợp nuôi cá truyền thống.

Trong quá trình nuôi thường xuyên kiểm tra ao nhằm phát hiện cá nổi đầu do thiếu oxy, cá bị bệnh, tảo nở hoa... để có biện pháp xử lý kịp thời; phòng bệnh định kỳ cho cá nuôi, đặc biệt là vào thời kỳ giao mùa và mùa xuất hiện bệnh (tháng 3 - 4 và tháng 6 - 9); định kỳ cho cá ăn thuốc phòng bệnh kết hợp với sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường nước (liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất); duy trì mức nước trong ao tối thiểu 1,5m nước trở lên để ổn định nhiệt độ nước trong ngày nắng nóng; sử dụng thức ăn công nghiệp hiệu quả, phù hợp với giai đoạn sinh trưởng phát triển của cá, không để dư thừa tránh ô nhiễm môi trường, kết hợp thức tinh như (ngô, thóc mầm, bã đậu tương...) nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Đối với nuôi cá lồng trên sông cần thực hiện đúng các quy định về cấp phép giao thông đường thuỷ, đê điều... không khuyến khích phát triển nuôi mới cá lồng tại các vùng nước chưa được quy hoạch, vùng không đảm bảo các điều kiện quy định về nuôi cá lồng bè để đảm bảo an toàn khi sản xuất (đặc biệt là đối với các xã ven sông Cầu).

Cần đa dạng hoá đối tượng nuôi như: cá điêu hồng, cá lăng đen (cá nheo mỹ), cá trắm giòn, chép giòn, cá ngạnh sông, cá tầm…; bố trí mỗi cụm lồng nuôi từ 10 - 15 lồng, các cụm lồng cách nhau 10 - 15m, đảm bảo mật độ cá thả/mỗi lồng nuôi theo từng đối tượng nhằm hạn chế rủi ro khi xảy ra dịch bệnh, môi trường trong quá trình nuôi và bị ép giá khi thu hoạch.

1617983541042-16179835423901215986975-1704961737.jpg
Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bắc Ninh đã triển khai thực hiện và nghiệm thu nhiều mô hình nuôi cá chép, cá điêu hồng, cá ngạnh sông...Ảnh minh họa

Vào mùa cá hay bị bệnh tháng (tháng 3 - 4 và tháng 6 - 9) cần định kỳ 10 - 15 ngày dùng vôi bột với lượng 5 - 10kg/túi hoặc viên TCCA, BKD... với liều lượng 0,5kg/túi x 2 - 3 túi/1 ô lồng kích thước 6m x 6m x 3m và treo ở độ sâu bằng 1/3 -1/2 độ sâu mực nước trong lồng nuôi để diệt trùng và nấm gây bệnh cho đối tượng thủy sản. Kết hợp sử dụng một số loại thuốc và Vitamin C trộn với thức ăn để cho cá ăn nhằm nâng cao sức đề kháng của cá.

Ngoài ra, cần tích cực và chủ động quan tâm đến vấn đề an toàn lồng nuôi trong mùa mưa lũ, chăm sóc và phòng trị bệnh cho cá trong mùa mưa, mùa khô để không ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển cá nuôi.

Trong những năm qua, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ở Bắc Ninh đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Hiệu quả kinh tế mang lại từ các mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững đã góp phần nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương như: Lương Tài, Gia Bình, Thuận Thành... Đây là những địa phương có lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, hệ thống ao hồ tập trung.../.

Trần Quỳnh